Tết Việt của người nước ngoài ở Bình Phước

BPO - Không khí tết Nguyên đán đang rộn ràng khắp muôn nơi, đối với những người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại tỉnh Bình Phước, họ được tự tay nấu, thưởng thức những món ăn và tìm hiểu văn hóa truyền thống của người Việt. Điều đó khiến những người nước ngoài cảm thấy vô cùng ấm áp, thú vị và yêu văn hóa ngày tết Việt Nam.

Cầu mong hạnh phúc, bình an đến mọi nhà

Ông Chiang Chen Yuan là người Đài Loan. Năm 2019, ông cùng vợ là bà Đặng Thị Bích Phượng về Việt Nam đầu tư kinh doanh lĩnh vực chuyên sản xuất dầu bôi trơn. Vì thế, phần nhiều thời gian ông sống tại Việt Nam và đón tết cổ truyền của người Việt.

Ông Chiang Chen Yuan là người Đài Loan

“Tôi may mắn được đón nhiều kỳ tết Nguyên đán ở Việt Nam, lại may mắn lấy vợ người Việt, lập công ty riêng tại Việt Nam. Tôi rất ngưỡng mộ cách người dân Việt Nam trân trọng những giá trị tết truyền thống. Họ tạm ngưng tất cả công việc và bộn bề của năm cũ để xích lại gần nhau, dành những khoảng thời gian ý nghĩa bên gia đình. Phong tục này cũng rất giống người Đài Loan: Vào đêm giao thừa, các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau đón thời khắc chuyển giao năm cũ - năm mới và dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Cả người Việt Nam và Đài Loan đều có phong tục tặng lì xì cho người già và trẻ nhỏ. Chính vì thế, năm nay dù không về Đài Loan ăn tết cùng gia đình nhưng tôi vẫn cảm nhận được không khí rộn ràng của ngày tết cổ truyền ngay tại Việt Nam. Nhân dịp năm mới, tôi cầu mong sức khỏe, hạnh phúc và bình an cho tất cả mọi người”. Đó là chia sẻ của ông Chiang Chen Yuan, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bách Nghị, Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú, huyện Đồng Phú.

Ở Đài Loan, trong những ngày đầu năm mới còn có lễ hội thả đèn trời (lễ hội ánh sáng hoa đăng), người dân viết lời cầu nguyện lên đèn và thả lên trời để hy vọng điều ước thành hiện thực. Tục này bắt nguồn từ việc người Trung Hoa cổ đại tin rằng những linh hồn người đã khuất sẽ hiển linh trên bầu trời vào đêm rằm tháng Giêng (khoảng tháng 2 dương lịch), họ cầm đuốc để nhận ra thân nhân và sau này là đèn trời đầy màu sắc. Lễ hội thường đi kèm với các hoạt động gian hàng ẩm thực, mua sắm và các chương trình biểu diễn nghệ thuật, trưng bày đèn lồng, thi làm đèn trời với giải thưởng hấp dẫn.

Người Bình Phước rất thân thiện

Anh Ramesh, huấn luyện viên Yoga của một phòng tập tại thành phố Đồng Xoài cho biết: “Tôi rất thích tết Nguyên đán ở Việt Nam, vì đó là thời khắc tạm biệt năm cũ và đón chào năm mới trong niềm hân hoan, phấn khởi. Tết cổ truyền của Việt Nam và Ấn Độ quê tôi không có nhiều sự khác biệt. Chúng tôi thường quây quần bên gia đình, trao cho nhau những món quà năm mới ý nghĩa, cùng nhau ngắm pháo hoa… Có lẽ, điểm khác biệt duy nhất là thay vì được nghỉ tết cả tuần, tại Ấn Độ, chúng tôi chỉ được nghỉ một ngày đón tết”.

Anh Ramesh huấn luyện viên Yoga, người Ấn Độ

“2023 là năm thứ 3 đón tết tại Việt Nam, tôi không biết tiếng Việt, không hiểu văn hóa Việt và cứ ngỡ mình sẽ đón tết xa nhà trong nỗi cô đơn. Tuy nhiên, những người bạn mới quen tại Bình Phước đã rất thân thiện mời tôi về nhà cùng đón tết cổ truyền. Tôi được đi chợ hoa, được hiểu thêm về phong tục tết Việt. Trong nhiều phong tục đón tết Nguyên đán ở đây, tôi thích nhất là hình tượng ông đồ tặng chữ thư pháp. Những nét chữ thư pháp như rồng bay, phượng múa không chỉ đẹp mắt mà còn mang đến sự may mắn, thịnh vượng, bình an cho một năm mới tốt lành” - anh Ramesh bày tỏ.

Dành tình yêu đặc biệt với Bình Phước

Còn với cô Dolagan Yolanda, giáo viên người Philippines của một trường Anh ngữ tại thành phố Đồng Xoài thì vào mỗi dịp tết Nguyên đán của người Việt, cô thường đi du lịch cùng bạn bè để hòa chung niềm vui năm mới với người dân Việt Nam. Xa quê hương nhưng với tình cảm ấm áp của bạn bè, đồng nghiệp, cô Dolagan Yolanda đã coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình và dành tình yêu đặc biệt với vùng đất Bình Phước.

Cô Dolagan Yolanda, giáo viên người Philippines

Cô Dolagan Yolanda chia sẻ: “Sống ở đây, tôi hiểu tết là thời gian dành cho gia đình. Tôi rất thích sự ấm áp và hiếu khách của các bạn ở đây. Họ mời tôi đến nhà, chào đón tôi nồng hậu, khiến tôi cảm thấy rất tuyệt vời”.

Cũng như Việt Nam, ở Phillipines, tết là dịp để những người làm việc, sinh sống trên thành phố trở về quê sum họp. Họ nấu những món ăn ngon, chuẩn bị những thiết bị âm thanh lớn để ca hát và nhảy múa, nhằm tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình và khách mời của buổi tiệc trong đêm giao thừa. Một số người theo tôn giáo thường cầu nguyện đến 24 giờ để mang phước lành cho năm mới. Trong tiệc đón giao thừa, người ta sẽ trao cho nhau những món quà, những cái ôm thân thiết.

Dù đến từ nhiều quốc gia với nhiều nền văn hóa khác nhau nhưng họ đều có một đặc điểm chung là dành tình yêu đặc biệt cho đất nước, con người Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Phước nói riêng. Cùng háo hức chào đón năm mới với một niềm vui chung, niềm vui ấy gắn kết mọi người lại với nhau và cùng hy vọng về những điều may mắn, an lành.

Hiền Lương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/153717/tet-viet-cua-nguoi-nuoc-ngoai-o-binh-phuoc