Tết về đi chơi núi Cậu

Tết Nguyên đán không chỉ là kỳ nghỉ lớn nhất trong năm để sum họp gia đình, người thân, bạn bè, mà còn là một miền ký ức rất đặc biệt đối với mỗi người con đất Việt. Vì thế mà khi đất trời dần chuyển sang xuân, lòng người ai nấy đều bồi hồi, xao xuyến, rồi nhẹ nhàng tìm về trong ký ức những phong vị của tết. Nó làm cho đứa con xa xứ thêm nhớ, thêm thương, thêm xao xuyến…

Tôi sinh ra và lớn lên ở một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Dấu hiệu đầu tiên của tết mà tôi biết là cánh rừng cao su bạt ngàn trước nhà tôi rụng lá, để lại nhành cây trơ trọi, dần dần nhú lên vô số những chồi non xanh mướt. Cái nắng tết khô khốc, hanh hao làm cho hạt trái cao su nứt vỡ, nghe nổ lách tách. Hạt nhìn như quả trứng cút, rơi xuống còn mới tinh, bóng loáng.

“Tết năm nay mùng mấy đi chơi núi Cậu?”. Dân địa phương quen gọi “núi Cậu”, thật ra đó là một quần thể bao gồm núi Cậu, lòng hồ Dầu Tiếng, chùa Thái Sơn. Nơi đây phong cảnh hữu tình, có hồ, có núi, có chùa chiền, di tích lịch sử linh thiêng, được bà con nơi đây rất tôn thờ và sùng bái. Hồi đó, dường như cả huyện chỉ có một địa điểm du lịch này, vừa gần, vừa rẻ, vừa quen thuộc nên luôn là sự lựa chọn đầu tiên mỗi khi đến tết của mỗi nhà.

Chỉ cần một người “phát động phong trào” đi chơi núi Cậu là cả nhà, cả dòng họ đều hưởng ứng nhiệt tình. Cả chục chiếc xe máy rồng rắn nối đuôi nhau đi khoảng 20km lên núi viếng chùa. Vẻ mặt ai nấy đều háo hức, tươi vui như đi hội. Thực sự tết là một ngày hội, khi mà con đường quê nhỏ hẹp, ngoằn nghèo nườm nượp người, xe. Bánh xe cán vào hạt cao su nổ lốp cốp như pháo. Cao su hai bên đường không còn lá nên không thể che mát cho khách thập phương, song lại lả tả rơi lá vàng nhìn rất thơ mộng và đẹp đẽ trong mắt tôi hồi nhỏ.

Cả nhà, cả dòng họ cùng nhau đi chùa núi Cậu đầu năm luôn là miền ký ức đẹp trong tôi

Bố mẹ, cô chú lên chùa thành tâm cúng bái để cầu mong một năm mới có nhiều sức khỏe, bình an, may mắn, làm ăn tấn tới. Còn đám trẻ con chúng tôi chỉ đơn thuần là đi ngắm cảnh, thi nhau leo lên đỉnh núi để phóng mắt ngắm nhìn xung quanh, tưởng tượng mình như một “siêu nhân”. Một bên là hồ Dầu Tiếng rộng lớn, một bên là rừng cao su bạt ngàn, gió thổi mát rượi. Trên đỉnh núi Cậu có một am miếu nhỏ thờ tượng cậu Bảy đứng thủ bộ võ, có tượng một con cọp nhe nanh như đứng gác. Có rất nhiều giai thoại tâm linh huyền bí nhưng đến nay chưa ai biết thực sự về gốc tích của cậu Bảy… Tôi còn thích đi núi Cậu để được ôm ấp chú voi trắng ngà đứng trong khuôn viên chùa. Bộ đồ mới nhất, đẹp nhất tôi dành cho việc đi núi và chụp ảnh chung với chú voi này.

Những ký ức về tết thật đẹp vì nó giản dị, trong trẻo trong mắt tuổi thơ tôi…

Tác giả chụp ảnh cùng bố trên chùa Thái Sơn – núi Cậu cách đây 20 năm và hiện tại

Những năm gần đây, thông lệ cả nhà, cả dòng họ xúm xít nhau đi chơi núi Cậu đã không còn nữa. Thực sự tôi rất tiếc nuối, thậm chí có lúc hụt hẫng khi tết về mà không được trải nghiệm những phút giây như thế. Song khi đã trưởng thành hơn trong suy nghĩ, tôi nhận thấy rằng mọi thứ phải luôn luôn vận động, không thể nào đứng yên một chỗ. Bố mẹ tôi, cả cô chú của tôi nay cũng đã tuổi đầu sáu, không còn năng động, hoạt bát như xưa. Thế hệ chúng tôi thì lăn lộn mưu sinh ở khắp mọi nơi, thời gian đoàn viên gia đình quá ít. Và thế hệ cháu chắt lại là một câu chuyện khác, các bạn ấy có quan điểm, sở thích, niềm vui riêng của thời 4.0.

Dòng người đi chơi núi Cậu không còn nườm nượp đông đúc như xưa

Xã hội đã có nhiều thay đổi, mỗi mái nhà cũng có sự đổi thay. Điều quan trọng là nếp nhà vẫn ngay ngắn, những giá trị văn hóa truyền thống cơ bản vẫn còn được giữ gìn, cả gia đình, dòng họ vẫn giữ được sự đoàn kết, quan tâm, yêu thương lẫn nhau. Sáng mùng Một tết, con cháu quây quần, mừng tuổi ông bà, cha mẹ. Người lớn lì xì cho trẻ con. Tất cả dùng một bữa cơm có bánh chưng, bánh tét, dưa hành, củ kiệu… Mỗi người, mỗi nhà có một lựa chọn du xuân riêng, nhưng bất kể lúc nào khoe hình trên mạng thì đều nhận được nhận tim, bình luận chúc nhau những lời tốt đẹp nhất từ người thân trong nhà.

Hàng cao su trước nhà nay đã thay lá mới, như mời gọi tôi nhanh nhanh về nhà ăn tết. Năm nay, đơn vị ưu tiên cho tôi nghỉ tết liên tục 4 ngày, đủ để họp mặt gia đình, người thân, bạn bè, khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, thưởng thức các món ăn ngày tết, đi chơi núi Cậu và sống lại những ký ức tuổi thơ.

LƯƠNG ANH

Địa chỉ: xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương

Email: Luonganhbc@gmail.com

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tet-ve-di-choi-nui-cau-post722497.html