Tết ở bệnh viện tuyến cuối lớn nhất phía Nam

Với đội ngũ nhân viên y tế của Bệnh viện Chợ Rẫy, làm việc trong những ngày Tết trở thành một lịch trình bình thường trong công việc làm nghề của họ.

Bác sĩ trong ê-kíp trực Tết tại khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: BVCC.

Là chuyên khoa phụ trách chăm sóc toàn diện cho người bệnh, ê-kíp trực của khoa Hồi sức Cấp cứu gồm 8 nhân sự đảm trách nhiệm vụ kiểm tra, theo dõi, chăm sóc và điều trị cho hơn 25 bệnh nhân trong mỗi tua trực.

"Công việc tất bật khiến chúng tôi không còn nhớ bên ngoài khung cửa là không khí rộn ràng của những ngày Tết", bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Thanh Trang, Trưởng tua trực khoa Hồi sức cấp cứu khu B, chia sẻ.

Giữa lằn ranh sinh - tử

Theo bác sĩ Trang, công việc chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân trong những ngày Tết vẫn luôn được thực hiện theo đúng phác đồ.

"Chúng tôi biết bệnh nhân cần chúng tôi trong những thời khắc này nên khi vừa tiếp nhận bàn giao từ ca trước, mọi người đều tập trung bắt tay vào công việc. Đặc biệt là các bạn điều dưỡng, những người trực tiếp làm công việc chăm sóc, tắm rửa, đút thức ăn... cho từng bệnh nhân", nữ bác sĩ chia sẻ.

Công việc tất bật khiến những người trong ê-kíp trực không còn nhớ bên ngoài khung cửa là không khí rộn ràng của những ngày Tết.

Điều dưỡng Huỳnh Công Danh, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết khi hoàn thành công việc, rời bệnh viện trở về nhà, mọi người lại dành thời gian cho giấc ngủ để phục hồi sức khỏe, chuẩn bị cho ca làm việc tiếp theo. Không khí Tết trọn vẹn cũng vì thế mà gần như cũng bỏ qua mất.

"Làm cấp cứu nên cần phải nỗ lực hết mình khi người bệnh cần, đảm bảo được chức năng cấp cứu cho người bệnh, đặc biệt là mùa Tết", điều dưỡng Danh chia sẻ.

Ê-kíp của khoa Hồi sức Cấp cứu gồm 8 nhân sự đảm nhiệm theo dõi, chăm sóc 25 bệnh nhân mỗi tua trực. Ảnh: BVCC.

Ký ức không thể quên của đêm trực Tết trong mắt bác sĩ Trần Hoàng An, khoa Hồi sức Cấp cứu khu B, là những cuộc chạy đua để níu giữ sự sống cho người bệnh.

Nhận được điện thoại từ bệnh viện bạn mời hỗ trợ cho một ca thai phụ có khả năng cần phải can thiệp bằng ECMO (tim phổi nhân tạo).

Ê-kíp trực lập tức khởi động nhóm, tức tốc đến bệnh viện bạn cùng hội chẩn để ê-kíp điều trị quyết định lựa chọn phương án đặt ECMO cứu sống cả 2 mẹ con. Ca phẫu thuật bắt con trong lần trực Tết năm đó đã giữ được sự sống cho cả em bé và bà mẹ.

"Có những sự sống được hồi sinh giữa lằn ranh sinh tử trong những thời khắc thật đặc biệt", bác sĩ Trần Hoàng An, khoa Hồi sức Cấp cứu khu B, Bệnh viện Chợ Rẫy, chia sẻ về ca bệnh ấn tượng trong một lần trực Tết của mình, bằng nụ cười rất tươi dù đồng hồ lúc này đã hơn 23 giờ.

"Giao thừa có tụi con ở đây"

Không may phải nhập viện điều trị tại khoa Hồi sức Cấp cứu trong ngày 29 tháng Chạp (năm Quý Mão), tức chỉ còn một ngày nữa sẽ đến năm mới Giáp Thìn, ông N.N.N. (82 tuổi) bùi ngùi nhìn những trang thiết bị đang được gắn vào cơ thể mình rồi cất giọng khe khẽ hỏi chị điều dưỡng đang chuẩn bị thuốc: "Ngày mai là giao thừa rồi, phải không con?"

Điều dưỡng Kim Hạnh, người có thâm niên 30 năm trực Tết, nhẹ nhàng cất lời động viên: "Dạ, chuẩn bị giao thừa rồi, bác yên tâm, giao thừa có tụi con ở đây nha".

Gắn bó với công việc hơn 30 năm thì điều dưỡng Kim Hạnh có 30 năm đi trực Tết. Chị nói: "Giao thừa nhà nhà sum họp bên gia đình còn mình thì quay cuồng với công việc. Nhưng mà bước qua cánh cửa vào Khoa thì mình cũng quên hết không khí Tết, chỉ thấy bệnh nhân đang cần mình, vậy nên bao nhiêu chạnh lòng, tủi thân đi hết".

Chợ Rẫy là bệnh viện đa khoa tuyến cuối - tuyến điều trị cao nhất tại khu vực phía Nam. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà khi người ta nhắc đến Chợ Rẫy, đặc biệt khoa Cấp cứu, đều dâng lên niềm cảm xúc vừa sợ, vừa lo lắng khó tả.

Khoa Cấp cứu được xem là nơi "đầu sóng ngọn gió" căng mình tiếp nhận bệnh nhân trong những ngày nghỉ Tết.

Bao nhiêu chạnh lòng khi xa gia đình trong ngày Tết của các y bác sĩ đều biến tan khi vào cổng bệnh viện, tất cả tập trung chăm sóc cho người bệnh. Ảnh: BVCC.

Bác sĩ Huỳnh Thị Nhung, Trưởng tua trực Cấp cứu, có thâm niêm trực Tết hơn 13 năm, đang thoăn thoắt thăm khám cho bệnh nhân rồi nhanh chóng quay lại kiểm tra, cho chỉ định, ký hồ sơ.

Nữ bác sĩ nói khi lựa chọn công việc này, cô cũng biết chuyện trực Tết là điều không thể tránh khỏi. Thế nên, dù có chút chạnh lòng khi không thể tận hưởng trọn vẹn không khí Tết cùng gia đình, cả bác sĩ Nhung lẫn các y, bác sĩ trong tua trực Tết vẫn mong có thể giúp được cho các bệnh nhân.

"Vì tôi biết, ngày Tết, ai cũng muốn sum họp bên gia đình nên chuyện phải vào bệnh viện điều trị là điều bất khả kháng và đó là thời điểm mà họ cần chúng tôi nhất", bác sĩ Nhung chia sẻ.

Cùng điều dưỡng và bác sĩ trực đi kiểm tra một vòng các buồng bệnh trước khi họp ê-kíp, bác sĩ chuyên khoa II Trần Song Toàn, khoa Chăm sóc giảm nhẹ, cho biết nơi đây chuyên tiếp nhận bệnh nhân nặng và các bệnh nhân cần nâng đỡ sức khỏe để tiếp tục liệu trình điều trị.

Bác sĩ Toàn cũng là người cũng có thâm niên trực Tết hơn 15 năm. Cũng như các khoa điều trị nội trú khác, bất kể ngày thường hay ngày Tết, khoa Chăm sóc giảm nhẹ vẫn luôn sáng đèn.

"Vì đây còn rất nhiều bệnh nhân cần chúng tôi", nam bác sĩ chia sẻ.

Điều dưỡng Hoàng Thúy Huyền, một trong những điều dưỡng có thâm niên trực Tết hơn 12 năm, mỉm cười khi nói về lịch trực tết Giáp Thìn 2024: "Em yêu công việc này nên dù có phải trực Tết hay không cũng không quan trọng".

Tốt nghiệp ra trường và gắn bó với công việc chăm sóc bệnh nhân hơn một thập kỷ qua, điều dưỡng Thúy Huyền có cơ hội trải nghiệm công việc ở nhiều chuyên khoa, cô đã chọn khoa Chăm sóc giảm nhẹ là nơi gắn bó.

Khi được hỏi vì sao chọn nơi “sinh tử mong manh” này, nữ điều dưỡng nở nụ cười hiền hậu: "Ở khoa này, em học được nhiều bài học cho bản thân, biết cảm thông và bỏ qua cho những cảm xúc tiêu cực từ người bệnh, vì em biết, họ đã quá đau đớn và không may khi mắc phải bệnh tật thế này".

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Nhật, một bác sĩ trẻ vừa “gia nhập” ê-kíp nhân viên y tế trực Tết của khoa Chăm sóc giảm nhẹ, ngồi bên cạnh Thúy Huyền, cũng chia sẻ niềm vui khi được tự tay giúp bệnh nhân giảm nhẹ cơn đau.

"Sáng mai ra trực, em sẽ lên xe về quê, vẫn còn kịp ăn Tết cùng ba mẹ", bác sĩ trẻ hiền lành nói.

Nguyên Hạnh - Tiểu Huệ

Nguồn Znews: https://znews.vn/tet-o-benh-vien-tuyen-cuoi-lon-nhat-phia-nam-post1460112.html