Tết nghèo bên nội

Cha mẹ đi làm nơi xa, Tết đến là những ngày mấy bà cháu mải miết ngóng trông. Bà mong những đứa con đi xa trở về. Ước mơ sum vầy đôi lúc hóa xa xôi.

Nếp nhà của những ngày ấu thơ và hình ảnh hiền từ của bà nội mãi còn trong ký ức. Ảnh: KT love drawing.

Khi những chuyến tàu rầm rập chạy trên tuyến đường ray vắt qua con ngõ nhỏ có mấy nụ hoa đào hoang mọc dại vừa chớm nở báo hiệu một cái Tết nữa đang hối hả tìm về, tâm khảm tôi lại hiện ra hình bóng thân thương của nội.

[…]

Người ta thường nói, mùa xuân là mùa của sum vầy, đoàn tụ, mùa của hạnh phúc gia đình. Ấy vậy mà mùa xuân đối với nội cháu tôi lại là mùa ngóng đợi. Vì nợ nần túng quẫn, cha mẹ tôi phải bỏ xứ dắt nhau vào tận trong Sài Gòn làm thuê lập nghiệp, để lại hai đứa con thơ dại cho nội tôi nuôi nấng, chăm lo.

Cứ mỗi độ mùa Xuân nhón bước chân qua biên giới của năm cũ, nội vẫn ra đứng trước ngõ, ngoái trông những chuyến tàu chạy ngang vội vàng cho đến lúc tiếng còi ngân chìm khuất sau cánh núi xa xa mà không giấu nổi những nét buồn thầm lặng, hằn in trên gương mặt già nua, khắc khổ. Lại một cái Tết nữa cha mẹ tôi không về được…

Tất thảy mọi chi phí trang trải cho sinh hoạt của mấy ngày Tết của nội cháu tôi đều trông chờ vào khóm lá dong nơi nách tường, vài buồng chuối cau và vườn rau bắp cải. Lúc con gà còn chưa kịp gáy sáng, nội đã dậy sớm trong tiết trời rét mướt, tờ mờ sương muối, soi đèn pin để hái rau sắp hàng chuẩn bị cho phiên chợ sớm.

Sẽ chẳng bao giờ tôi quên được dáng nội thập thững gánh gồng trên con đê làng uốn khúc loanh quanh. Chiếc quang gánh oằn trĩu xuống, đè lõm cả bờ vai mảnh dẻ.

[…]

Tết năm nào anh em tôi cũng lẽo đẽo theo chân nội ra chợ trông hàng. Nói trông hàng chỉ là cái cớ, lý do chính là được đi chơi. Mà rau của nội là rau nhà tự trồng thủ công, rất sạch sẽ và an toàn nên phiên nào cũng bán đắt hàng. Gần vãn chợ, khi đếm xong xấp tiền lẻ, nội bấm đốt ngón tay tính toán xem những thứ cần mua thêm và không quên sắm cho anh em tôi mỗi đứa một bộ quần áo mới.

Tản văn Mùa sương thương mẹ của tác giả Phan Đức Lộc.

Tết năm ấy rét đậm, chúng tôi mặc áo cũ lót bên trong, khoác chiếc áo mới ra ngoài cùng rồi tự tin nhảy chân sáo dung dăng cùng đám bạn trong xóm. Và đến lúc nhìn lại, chợt nhận ra bao nhiêu năm qua, nội tôi vẫn mặc chiếc áo bông màu chàm cũ kỹ.

Tết của nội cháu tôi thật giản dị, đơn sơ. Chiều tất niên, trong gian bếp nhỏ chật chội, nội ngồi lọm cọm gói bánh chưng xanh, còn anh em tôi thì loanh quanh quét dọn nhà cửa, rửa sạch chén bát.

Màu khói bếp bảng lảng bay lên, hòa cùng màu nắng chiều dìu dịu như tạo nên một bức phông nền làm nổi bật cho những nụ đào chúm chím đang e ấp nở nghiêng sắc hồng. Và theo từng đợt gió đưa nhè nhẹ, mùi hương trầm, mùi cá đồng khi nghệ, mùi thịt ba chỉ kho tàu… cứ thế phảng phất khắp lối ngòn ngọt, nồng nàn. Vào khoảnh khắc này, ở phương xa, chắc cha mẹ tôi đang nhớ quê nhà quay quắt?

Qua mỗi cái Tết như thế là anh em tôi được lớn khôn lên và nội tôi thêm già đi trông thấy. Tôi bỗng thấy lo sợ nhịp bước mùa xuân, lo sợ dòng thời gian cuộn chảy dần bào mòn sức khỏe của nội. Và rồi, sau những tháng năm đằng đẵng phiêu bạt xứ xa, cha mẹ tôi trả nốt món nợ cũ và xây nên một căn nhà cấp bốn khang trang, rộng rãi.

Tết năm ấy là cái Tết vui vẻ và ấm cúng nhất của gia đình tôi. Nội tôi móm mém cười hiền từ nói: “Đây là cái Tết nội đã chờ mong suốt cả đời người!” Nào ngờ đâu sau Tết không lâu, nội đổ bệnh và ra đi thanh thản như những cánh hoa đào cuối mùa rơi rụng…

Bao chuyến tàu tấp nập ngược xuôi. Đâu đó, từ những nụ đào khép nép bên đường ray đầu ngõ tới chái bếp vừa mới quét vôi mới của nhà tôi, mùi Tết đang dặt dìu lan tỏa. Dù nội đã bước sang thế giới bên kia, nhưng mỗi lần mở nhẹ ô cửa đón chào ngày mới, tôi luôn bắt gặp trong màu nắng tinh khôi, nụ cười móm mém của nội tôi năm ấy.

Phan Đức Lộc/ NXB Kim Đồng

Nguồn Znews: https://znews.vn/tet-ngheo-ben-noi-post1459021.html