Tên trộm cướp hai ngân hàng vì tin mình tàng hình

Tên trộm Wheeler nghĩ rằng nếu gã che mặt (thậm chí cả mắt) bằng nước chanh, gã sẽ vô hình trước máy quay.

Vấn đề với bộ não con người là nó có xu hướng đầu hàng cái gọi là hiệu ứng Dunning-Kruger. Trong não ta có những mô hình tư duy mà ta tin chắc như đinh đóng cột, ngay cả khi chúng không tương ứng với thực tế. Người ta thường nhầm lẫn quan niệm chủ quan của mình với sự thật khách quan.

Nghiên cứu gần đây chứng minh rằng một số quan niệm chủ quan của ta về cách thế giới vận hành khơi lên cùng loại cảm xúc giống y như các sự thật khách quan kiểu “2 + 2 = 4”. Chúng ta cảm thấy chắc chắn rằng suy nghĩ chủ quan của mình hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, não chúng ta thường khá sai lầm trong cái cảm giác ‘chắc như đinh đóng cột’ này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Johann Pictures/Pexels.

Con người thường chủ quan tin chắc vào các mô hình tư duy vốn không tương ứng với điều khách quan. Họ thường tin vào những thứ không đúng sự thật.

Tên trộm Wheeler nghĩ rằng nếu gã che mặt (thậm chí cả mắt) bằng nước chanh, gã sẽ vô hình trước máy quay. Gã tin điều này đến nỗi chỉ ngụy trang bằng nước chanh rồi đi cướp luôn hai ngân hàng mà không sợ tí nào. Một mô hình vô nghĩa với chúng ta lại là sự thật không thể bác bỏ đối với gã. Wheeler nhầm lẫn giữa chủ quan tuyệt đối với sự thật khách quan. Gã đã chịu ảnh hưởng của hiệu ứng Dunning-Kruger.

Hiệu ứng Dunning-Kruger và sự mù quáng của người kém năng lực

Câu chuyện Wheeler bôi nước chanh đã kích thích các nhà nghiên cứu David Dunning và Justin Kruger tìm hiểu chi tiết hơn hiện tượng này. Các nhà nghiên cứu thích thú nhìn thấy sự khác biệt rõ ràng giữa khả năng thực tế của mọi người và cách họ cảm nhận khả năng này. Dunning và Kruger đưa ra giả thuyết rằng người không đủ năng lực gặp phải hai vấn đề:

Do không đủ năng lực, họ đưa ra quyết định sai lầm (chẳng hạn như ngụy trang bằng nước chanh để cướp ngân hàng).
Họ không thể nhận ra thực tế rằng mình đã quyết định sai lầm. (Ngay cả đoạn phim an ninh cũng không thuyết phục được Wheeler rằng gã không có khả năng tàng hình; gã cho rằng đó là giả mạo.)

Các nhà nghiên cứu kiểm chứng giả thuyết này trên một nhóm người tình nguyện. Đầu tiên, người tham gia điền vào phiếu khảo sát tự đánh giá khả năng của mình trong một lĩnh vực nhất định (suy luận logic, năng lực ngữ pháp và khiếu hài hước). Sau đó, người tham gia được kiểm tra xem khả năng của họ tốt đến đâu. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra hai điều thú vị:

• Những người kém năng lực nhất (các nhà nghiên cứu gọi là ‘Người kém năng lực’) có xu hướng đánh giá quá cao khả năng của họ. Trên thực tế, càng kém năng lực, họ càng đánh giá quá cao bản thân. Ví dụ, một người càng nhạt nhẽo đến đau đớn thì càng nghĩ rằng họ hài hước. Hiệu ứng này đã được Charles Darwin miêu tả một cách tao nhã từ nhiều năm trước: “Không phải kiến thức, mà thiếu hiểu biết mới hay sinh ra tự tin”.

• Phát hiện thú vị thứ hai là những người có năng lực cao nhất có xu hướng đánh giá thấp khả năng của họ. Có thể giải thích rằng sở dĩ họ tự đánh giá thấp mình là do nếu có một nhiệm vụ mà họ thấy là dễ, họ sẽ cho rằng với người khác nhiệm vụ đó cũng dễ nốt.

Trong một phần khác của thí nghiệm, người tham gia được cho xem kết quả kiểm tra của người khác. Sau đó, họ được yêu cầu tự đánh giá lại.

Người có năng lực nhận ra rằng họ làm tốt hơn họ nghĩ. Vì vậy, họ sửa đổi cách tự đánh giá và bắt đầu nhìn nhận bản thân một cách khách quan hơn.

Tuy nhiên, khi người kém năng lực phải đối mặt với thực tế, họ vẫn không thay đổi cách tự đánh giá thiếu khách quan của mình. Họ không thể chấp nhận rằng khả năng của người khác tốt hơn họ. Theo cách nói của Forrest Gump thì: “Kẻ ngu ngốc là kẻ làm điều ngu ngốc”.(*)

Tóm lại, nghiên cứu này phát hiện ra rằng người thiếu hiểu biết không biết rằng họ thiếu hiểu biết. Người không đủ năng lực có xu hướng đánh giá quá cao khả năng của mình; họ không chịu nhìn nhận năng lực của người khác, và ngay cả khi phải đối mặt với thực tế, họ cũng không thay đổi nhận thức về bản thân.

Trong cuốn sách, khi nói về những người mắc phải vấn đề này, chúng tôi sẽ chỉ nói rằng họ “mắc hiệu ứng Dunning-Kruger” (gọi tắt là DK). Nghiên cứu này chứng minh rằng khi con người rút ra kết luận không khách quan và sai lầm, chính sự không khách quan đó ngăn cản họ nhận ra và thừa nhận sai lầm.

1)Người có năng lực có xu hướng đánh giá thấp bản thân.

2)Người thiếu năng lực có xu hướng đánh giá bản thân quá cao.

Petr Ludwig, Adela Schicker/Fonos - NXB Dân trí

Nguồn Znews: https://znews.vn/ten-trom-cuop-hai-ngan-hang-vi-tin-minh-tang-hinh-post1467130.html