Tên lửa Kh-69 'bất bại' vẫn có thể bị đánh chặn?

Tên lửa Kh-69 cho thấy tầm hoạt động ngắn hơn nhiều và cũng dễ bị bắn hạ hơn so với Kh-47M2 Kinzhal cho dù được ứng dụng công nghệ tàng hình.

Trong cuộc tấn công mới nhất vào nhà máy nhiệt điện Trypilska ở phía Nam thủ đô Kyiv, Không quân Nga đã sử dụng cả hai loại tên lửa đó là Kh-69 và Kh-47M2 Kinzhal.

Truyền thông Ukraine cho rằng hệ thống phòng không của họ bất lực, không thể đánh chặn được bất kỳ tên lửa nào trong số 6 quả Kh-47M2 Kinzhal do máy bay Nga phóng đi.

Trong khi đó Kyiv cho biết họ đã bắn hạ 18 tên lửa hành trình cùng với 39 máy bay không người lái cảm tử, đáng chú ý là trong đó có cả loại Kh-69 thế hệ mới, được mệnh danh là "tên lửa tàng hình không thể đánh chặn".

Theo báo chí Ukraine, thực tế trên cho thấy Kh-69 không mạnh như những gì báo chí Nga đăng tải, nó vẫn có thể bị bắn hạ dễ dàng nếu lộ diện do tốc độ không thực sự cao, đồng thời tầm bắn chỉ đạt tới con số 400 km, thấp hơn nhiều cự ly 2.000 của Kh-47M2 Kinzhal.

Với những gì diễn ra, việc đánh chặn tên lửa hành trình tốc độ cao như Kh-47M2 hay Kh-22 tỏ ra là nhiệm vụ khó hơn nhiều so với phải đối đầu những loại "tàng hình" nhưng bay chậm như Kh-101 và Kh-69.

Tên lửa Kh-69 (ban đầu được gọi là Kh-59MK2) - có quan niệm xem như một bước tiến nhỏ dựa trên Kh-59MK, nhưng cuối cùng có bằng chứng cho thấy vũ khí này đã trải qua những nâng cấp đáng kể, khiến nó gần như không liên quan đến các phiên bản tiền nhiệm.

Để giải quyết sự nhầm lẫn này, phân loại Kh-69 đã được đưa ra. Theo mã NATO, tên lửa này được gọi là AS-22, mặc dù danh pháp trên cũng được sử dụng cho Kh-555 - một tên lửa không có mối liên hệ nào. Tuy nhiên cách sử dụng thực tế của thuật ngữ AS-22 không rõ ràng.

Các nguồn tin Ukraine khẳng định việc triển khai loại tên lửa như vậy lần đầu tiên diễn ra vào ngày 7/2/2024, tuy nhiên tuyên bố liên quan đến loại vũ khí được sử dụng có thể gây nghi vấn.

Phát triển từ những cuộc thử nghiệm thực địa đầu tiên ở Syria vào năm 2018, Kh-69, được thiết kế làm vũ khí không đối đất chủ đạo của tiêm kích Su-57, rất lý tưởng để tiêu diệt các mục tiêu nhỏ gọn, được gia cố, ở khoảng cách trên 300 km.

Tên lửa mang đầu đạn xuyên trọng lượng 320kg, và cũng có thể được trang bị đầu đạn phân mảnh nhỏ hơn, được thiết kế để tác động trên toàn khu vực. Các loại đầu đạn tiềm năng khác bao gồm đầu đạn chùm hoặc đạn xuyên mạnh.

Mặc dù có tốc độ cận âm và kích thước tương đối nhỏ, tên lửa này có tầm bắn xa và được biết đến với tính linh hoạt trong việc thay đổi mục tiêu giữa chuyến bay.

Danh pháp Kh-69 gần đây đã được sử dụng rộng rãi, có thể đề cập đến một phiên bản khác biệt về đầu đạn, hệ thống dẫn đường, hoặc một phiên bản dành cho xuất khẩu, được trưng bày gần đây tại Triển lãm hàng không Dubai.

Tin tức về việc sử dụng tên lửa này được đưa ra sau khi có xác nhận về việc trung đoàn Su-57 duy nhất của Nga đã được trang bị một loại tên lửa hành trình mới, tầm xa hơn.

Trong cuộc tấn công vừa qua, nếu tên lửa Kh-69 được sử dụng, không loại trừ khả năng tiêm kích Su-57 đã tham chiến, cho dù vũ khí này cũng có thể được phóng đi từ Su-34 hoặc Su-35.

Nhưng trên hết, nếu thực sự tên lửa Kh-69 đã bị bắn hạ, Nga sẽ cần tiến hành một số thay đổi để vũ khí tấn công chủ lực của tiêm kích Su-57 trở nên lợi hại hơn.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ten-lua-kh-69-bat-bai-van-co-the-bi-danh-chan-post573149.antd