Tên lửa hành trình siêu thanh Kh-90 tầm bắn 3.000 km đứng trước cơ hội 'hồi sinh'

Giới phân tích cho rằng Nga có thể sớm hồi sinh tên lửa hành trình siêu thanh Kh-90 Meteorit (NATO gọi là AS-21 Koala).

Chương trình nghiên cứu chế tạo tên lửa hành trình siêu thanh Kh-90 Meteorit có thể sẽ được Nga tái khởi động khi công nghệ hiện nay đã có sự tiến bộ vượt trội, đồng thời nhu cầu đối với vũ khí như vậy là rõ nét.

Quay lại quá khứ, các kỹ sư Liên Xô đã cố gắng tạo ra một tên lửa có tốc độ cận siêu thanh, hoặc thậm chí chạm tới tiêu chuẩn nói trên, tức là đạt tới ít nhất Mach 5, đó chính là thiết kế tên lửa Kh-90 được phát triển bởi Phòng thiết kế (KB) Raduga.

Raguda KB chính là nơi khai sinh hầu hết các tên lửa mà Nga hiện đang sử dụng trên chiến trường hiện nay bao gồm Kh-22, Kh-32, Kh-59, Kh-555 và cả mẫu Kh-101 tiên tiến nhất.

Theo nhiều nhà quan sát, trong bối cảnh các tên lửa Kalibr, R-500 cho Iskander-K và thậm chí cả Kinzhal đều là những dự án của Liên Xô trong những năm 1980, rất có thể Điện Kremlin đang có kế hoạch bổ sung Kh-90 vào danh sách này.

Lịch sử tên lửa Kh-90 bắt đầu trong thời kỳ Liên Xô, vào đầu những năm 1980, quá trình phát triển với mã số B-239 được tiến hành nhằm mục đích tạo ra sự thay thế cho loại Kh-55 cận âm.

Nhiệm vụ được đặt ra là chế tạo một tên lửa sử dụng động cơ phản lực dòng thẳng có tốc độ Mach 4,5 - 6, cho phép xuyên thủng các hệ thống phòng không "hiện tại và tương lai", đồng thời tầm bắn phải ở mức 3.000 km.

Nền tảng mang tên lửa Kh-90 dự kiến sẽ là Tu-160 khi chiếc oanh tạc cơ chiến lược siêu âm nói trên đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1981. "Thiên nga trắng" được cho là chỉ mang được 2 tên lửa như Kh-90, mỗi đạn trong một khoang vũ khí.

Số lượng nhỏ tên lửa phải được bù đắp bằng quyết định bố trí hai đầu đạn, có thể thả liên tiếp vào các mục tiêu khác nhau. Một kế hoạch tương tự đã được Nga đề xuất cho phiên bản mới của tên lửa Kh-101.

Tên lửa Kh-90 Meteorit có chiều dài 11 m, sải cánh 7 m, trọng lượng phóng 15 tấn. Hệ thống dẫn đường ngoài quán tính (INS) là một biến thể DSMAC của Liên Xô, đó là tiến hành so sánh hình ảnh radar về địa hình thực tế với những gì được lưu trong bộ nhớ.

Kế hoạch phóng thử nghiệm bao gồm việc máy bay thả tên lửa từ độ cao ít nhất 7 km, đạn bật tầng gia tốc nhiên liệu rắn, giúp đưa vận tốc đến mức động cơ phản lực có thể khởi động sau đó.

Các cuộc thử nghiệm với động cơ theo thông báo đã hoàn thành vào năm 1988 và bài kiểm tra đầu tiên đối với nguyên mẫu tên lửa bắt đầu một năm trước đó, tại căn cứ không quân Engels.

Nhưng khi đó Liên bang Xô Viết đã bắt đầu rơi vào tình trạng rạn nứt và sự phát triển này trở nên không cần thiết, và cuối cùng chương trình bị đóng cửa vào năm 1992.

Trong bối cảnh tìm kiếm nguồn tài trợ, Raduga KB đã công khai trình diễn một trong những nguyên mẫu Kh-90 tại Triển lãm Hàng không MAKS-1995 dưới tên gọi Gela - máy bay thử nghiệm siêu thanh.

Tại thời điểm này, dấu vết của sự phát triển tên lửa hành trình siêu thanh đã bị mất nếu không tính đến việc nguyên mẫu sau đó được trưng bày tại địa điểm trình diễn của Phòng thiết kế.

Nhưng vào năm 2012, khá bất ngờ, một nhân vật tại TsAGI (Viện Khí - Thủy động lực học Trung ương) - trung tâm nghiên cứu chủ chốt hàng đầu của Nga tiết lộ một thông tin đáng chú ý.

Đó là những lần phóng tiếp theo của tên lửa Kh-90 đã được lên kế hoạch diễn ra tại Trung tâm thử nghiệm số 929 của Bộ Quốc phòng Nga đặt tại Akhtubinsk, tuy vậy công việc đã bị gác lại trong hai năm.

Khi đó các kỹ sư cho biết họ đã không làm việc với dự án này trong 10 năm, tức là kể từ năm 2002, điều này cũng không tương ứng với thông tin liên quan đó là đóng cửa chương trình vào những năm 1990.

Tuy vậy tiếp theo tên lửa Kh-90 lại tiếp tục rơi vào tình trạng lãng quên cho đến khi chiếc Gela được trưng bày tại Triển lãm Army-2019, mặc dù tại đó chỉ rất ít người biết được thực tế nó là gì.

Tới năm 2023, báo chí Nga lại tích cực viết về một tên lửa được đặc biệt đi kèm lưu ý công việc đã được nối lại vào năm 2009 với mục đích "sở hữu vũ khí tấn công chiến lược mới nhất".

Hiện tại với sự ra đời của động cơ phản lực siêu thanh dòng thẳng trực tiếp và nhu cầu của Bộ Quốc phòng Nga, việc nối lại dự án tên lửa Kh-90 có vẻ là một kịch bản khá thực tế.

Tuy nhiên tên lửa siêu thanh Kh-90 được Liên Xô thiết kế từ những năm 1980 và thử nghiệm trong thập niên 1990 và 2000 bị cho là đã tụt hậu so với khả năng phòng thủ của phương Tây tới ít nhất khoảng 20 năm.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ten-lua-hanh-trinh-sieu-thanh-kh-90-tam-ban-3000-km-dung-truoc-co-hoi-hoi-sinh-post571835.antd