Tên lửa đạn đạo RS-28 Sarmat 'quỷ Satan 2' chuẩn bị được sản xuất hàng loạt

Tên lửa đạn đạo RS-28 Sarmat (còn được gọi bằng cái tên Satan-2) đã hoàn thành đầy đủ các bài kiểm tra cần thiết.

"Việc bắt đầu sản xuất hàng loạt tên lửa đạn đạo xuyên lục địa siêu nặng mới nhất của Nga - RS-28 Sarmat sắp diễn ra", Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết bên lề cuộc họp của Câu lạc bộ Valdai.

Tổng thống Nga tuyên bố: “Chúng tôi đã hoàn tất công việc phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) siêu nặng RS-28 Sarmat".

"Vấn đề sắp tới là chúng ta chỉ cần hoàn thiện thủ tục một cách thuần túy hành chính, rồi tiến hành sản xuất hàng loạt và đưa vào trực chiến. Chúng tôi sẽ thực hiện việc này trong thời gian tới”.

Ông Putin nhấn mạnh thêm, Nga gần như đã hoàn thành việc phát triển các loại vũ khí chiến lược hiện đại được chính nhà lãnh đạo nước Nga tiết lộ trong thông điệp liên bang hồi năm 2018.

Phát biểu của Tổng thống Nga có phần trái ngược với ý kiến của ông Yury Borisov - người đứng đầu cơ quan Roscosmos. Vào đầu tháng 9/2023, ông Borisov cho biết tên lửa Sarmat đã được đưa vào làm nhiệm vụ chiến đấu nhưng không có thêm chi tiết nào được đưa ra.

Hãng thông tấn nhà nước TASS khi đó dẫn lời người đứng đầu Roscosmos cho biết: “Hệ thống tên lửa đạn đạo chiến lược Sarmat đã bước vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu”.

Hãng tin TASS nói thêm: “Dựa trên đánh giá của chuyên gia, RS-28 Sarmat có khả năng mang đầu đạn hạt nhân nặng 10 tấn tới bất kỳ điểm nào trên thế giới, cả ở Bắc Cực và Nam Cực”.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby hôm 29/9/2023 cho biết, ông không thể xác nhận thông tin Nga đã đặt tên lửa Sarmat trong tình trạng báo động.

Về vũ khí trên, Cục thiết kế tên lửa Makeyev chịu trách nhiệm sản xuất RS-28 Sarmat từ năm 2009, đây là một loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa siêu nặng sử dụng nhiên liệu lỏng.

Được nhiều phương tiện truyền thông gọi phổ biến bằng cái tên Satan II, mục tiêu chính của Sarmat là thay thế ICBM R-36M - thường được gọi là SS-18 Satan, trong kho vũ khí quân sự của Nga.

Vào tháng 3/2018, Sarmat đã chính thức được Tổng thống Nga Vladimir Putin giới thiệu là một trong 6 loại vũ khí chiến lược tiên tiến. Tới ngày 20/4/2022, RS-28 Sarmat đã xuất hiện trên bầu trời với chuyến bay thử nghiệm đầu tiên.

Một cột mốc quan trọng khác đã đạt được vào ngày 16/8/2022, khi hợp đồng nhà nước về sản xuất và cung cấp hệ thống tên lửa chiến lược Sarmat được thông qua.

Trong khi đó, tháng 9/2023 đánh dấu việc tên lửa Sarmat chính thức được đưa vào phục vụ chiến đấu (dựa trên tuyên bố của ông Borisov), biến nó trở thành hệ thống ICBM tầm xa nhất thế giới hiện đang được sử dụng.

Sarmat là tên lửa hạng nặng có khả năng mang nhiều đầu đạn và sở hữu tầm bắn lên tới 18.000 km. Đây là một trong những ICBM mạnh nhất trên thế giới, đảm bảo khả năng răn đe hạt nhân của Nga trong nhiều thập kỷ nữa.

Về đặc tính kỹ thuật, tên lửa RS-28 Sarmat sử dụng nhiên liệu lỏng, dài khoảng 35 mét và có đường kính khoảng 3 mét, trọng lượng ước chừng 200 tấn và có khả năng mang tải trọng lên tới 10 tấn.

Tên lửa có thể đạt tốc độ trên Mach 20, nó cũng được trang bị hệ thống dẫn đường tiên tiến cho phép điều hướng chính xác tới mục tiêu.

Đầu đạn của RS-28 Sarmat có thể thay đổi tùy theo yêu cầu nhiệm vụ, tên lửa có khả năng mang cả đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân. Cấu hình chiến đấu sẽ là 1 đầu đạn lớn hoặc 10 đầu đạn nhỏ.

Bên cạnh tốc độ lớn và khả năng vận động linh hoạt của đầu đạn, tên lửa Sarmat còn được tích hợp hệ thống phòng vệ bằng cách tung mồi bẫy nhằm đánh lừa hệ thống phòng thủ của đối phương.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ten-lua-dan-dao-rs-28-sarmat-quy-satan-2-chuan-bi-duoc-san-xuat-hang-loat-post553988.antd