Tên lửa chống tăng Kornet của Nga thể hiện ra sao tại Ukraine?

Tên lửa chống tăng có điều khiển Kornet của Nga hiện đã phá hủy tất cả các xe tăng hiện đại nhất của khối phương Tây, từ Challenger 2 của Anh, Leopard 2 của Đức, Abrams của Mỹ và Merkava IV của Israel.

Sau khi được xác nhận vào ngày 5/9 rằng, Quân đội Nga đã phá hủy xe tăng Challenger 2 của Anh ở Ukraine, các nguồn tin Nga đã đưa tin rộng rãi rằng, chính tên lửa chống tăng Kornet, là vũ khí tiêu diệt “Kẻ thách thức 2” của người Anh.

Việc công bố đoạn video về cuộc tấn công, do máy bay không người lái ghi lại cho thấy, chiếc xe tăng Challenger 2 bị trúng tên lửa có điều khiển và dẹp tan mọi nghị ngờ trước đây là chiếc Challenger 2 này, bị UAV tự sát Lancet 2 của Nga phá hủy.

Đoạn video cũng bác bỏ nhưng tin đồn rằng, chiếc Challenger 2 đã bị đòn tấn công trực tiếp của pháo binh Nga. Đoạn video cũng khẳng định, tên lửa chống tăng Kornet đã được sử dụng phù hợp với cảnh quay cũng như tốc độ và quỹ đạo của quả tên lửa.

Sau khi bị bắn trúng, người ta thấy chiếc Challenger 2 của Ukraine phát ra một đám khói lớn dường như tên lửa gây ra vụ cháy xe. Do xe tăng Challenger 2 thiếu tấm giảm áp (tấm giảm áp tự động mở khi có vụ nổ bên trong, giúp làm giảm thiệt hại), khiến tháp pháo bị phá hủy hoàn toàn.

Việc chiếc Challenger 2 bị phá hủy tháp pháo, tương tự như các vụ nổ bên trong đã phá hủy nhiều xe tăng thế hệ cũ của Nga và Ukraine do Liên Xô sản xuất, do thiếu các biện pháp tương tự, để tách đạn pháo với khoang chiến đấu.

Xe tăng Challenger 2 nằm trong số những xe tăng bọc thép nặng nhất thế giới của phương Tây và được lấy trực tiếp từ kho dự trữ của Quân đội Anh; nghĩa là chúng không bị hạ cấp giáp như xe tăng Abrams, mà Mỹ cung cấp cho Ukraine. Nhưng thực tế chúng vẫn bị tên lửa Kornet phá hủy dễ dàng.

Sự kiện tên lửa chống tăng Kornet tiêu diệt chiếc Challenger 2 của Ukraine, tiếp tục ghi thêm “một sao” chiến thắng nữa cho loại tên lửa vác vai này. Nên nhớ Kornet là hệ thống tên lửa vác vai hạng nhẹ, tổng trọng lượng chiến đấu cả hệ thống chỉ 28kg và được đưa vào sử dụng từ năm 1998.

Mặc dù xuất hiện trên chiến trường chưa lâu, nhưng tên lửa Kornet đã tiêu diệt được nhiều loại xe tăng hiện đại, hơn bất kỳ hệ thống nào khác cùng loại. Kornet lần đầu tiên được sử dụng trong cuộc xâm lược Iraq, do Mỹ dẫn đầu vào năm 2003.

Lúc này một số đơn vị Vệ binh Cộng hòa Iraq, được cho là đã có được tên lửa Kornet thông qua mua bán ở chợ đen, bất chấp lệnh cấm vận vũ khí đối với Iraq của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tên lửa Kornet tỏ ra có hiệu quả cao, khi chống lại xe tăng Abrams và xe chiến đấu Bradley của Mỹ.

Ba năm sau cuộc chiến tranh Iraq, vào năm 2006, tên lửa Kornet lại được lực lượng du kích Hezbollah sử dụng, để chống lại xe tăng Merkava của Israel, bao gồm cả biến thể Merkava IV cải tiến, xuyên thủng lớp giáp của ít nhất hai chục xe tăng của Israel.

Tiếp sau đó, các lực lượng nhóm khủng bố của Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng, cũng đã tiếp nối truyền thống, sử dụng những tên lửa Kornet thu được của quân đội Iraq một cách hiệu quả, để vô hiệu hóa nhiều xe tăng Abrams của Quân đội Iraq từ năm 2014.

Cơn ác mộng với xe tăng phương Tây chưa dừng ở đó, một số thông tin cũng cho biết, tên lửa Kornets cũng được lực lượng dân quân người Kurd sử dụng, để bắn cháy nhiều xe tăng Leopard 2 của Thổ Nhĩ Kỳ ở chiến trường Syria.

Một đặc điểm đáng chú ý của tên lửa Kornet là sử dụng đầu đạn nổ lõm song song (Tandem), với hai khối thuốc nổ mạnh hình nón, được ngăn cách bởi một vách nhôm mỏng, cho phép tăng khả năng phá hủy mục tiêu của khối thuốc nổ lõm thứ hai.

Thiết kế đầu đạn sử dụng đầu đạn lõm song song, có tác dụng cải thiện đáng kể khả xuyên phá của đầu đạn. Kích thước đặc biệt lớn của đầu đạn thứ hai, góp phần nâng cao khả năng xuyên phá của đầu đạn trước các biện pháp đối phó như giáp phản ứng nổ (ERA).

Các biến thể nâng cao của tên lửa chống tăng Kornet tiếp tục được phát triển, đáng chú ý nhất là Kornet-EM; ngoài tầm bắn được mở rộng, hệ thống còn có khả năng theo dõi mục tiêu tự động và các biện pháp đối phó tiên tiến hơn, chống lại giáp phản ứng nổ.

Mặc dù đến nay có rất ít thông tin liên quan đến việc sử dụng tên lửa Kornet ở chiến trường Ukraine (vì Nga còn có nhiều hệ thống tên lửa tiên tiến khác), nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 6 vừa qua đã ca ngợi hiệu suất của hệ thống này và nói rằng, cần phải sản xuất số lượng lớn hơn.

Việc chiếc “siêu tăng” Challenger 2 tiếp tục là “nạn nhân” của Kornet, đã tiếp tục bổ sung vào “bộ sưu tập” đáng nể của Kornet, bao gồm Leopard 2, M1/M2 Abrams và Merkava IV. Kornet đã chứng tỏ mình là một tên lửa chống tăng có khả năng “sát thủ”.

Mặc dù Kornet chỉ là tên lửa chống tăng thế hệ 2, chưa có khả năng “bắn và quên” như các loại tên lửa chống tăng Javelin của Mỹ, Spike của Israel hay Hồng Tiễn HJ-12 của Trung Quốc. Tuy nhiên với kíp trắc thủ được huấn luyện tốt, tên lửa Kornet có độ tin cậy trên chiến trường cao hơn các loại tên lửa chống tăng thế hệ 3 như Javelin của Mỹ.

Khả năng Kornet vô hiệu hóa hoàn toàn các loại xe tăng phương Tây được cho là “hiện đại nhất”, đã gây ra mối lo ngại của các quốc gia thành viên NATO. Tuy nhiên khả năng xuyên thấu của tên lửa Kornet, còn kém xa so với vũ khí chống tăng hàng đầu, trong kho vũ khí của Nga,

Ví dụ loại tên lửa chống tăng Vikhr-1 mới, nặng hơn nhiều tên lửa Kornet, được phóng bởi trực thăng tấn công Ka-52, đã gây ra mối đe dọa lớn hơn nhiều đối với các phương tiện thiết giáp hạng nặng và có khả năng dễ dàng xuyên thủng giáp xe tăng Challenger 2 từ phía trước, nơi vốn được coi là bảo vệ tốt nhất của xe.

Tiến Minh (theo Military Watch)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/ten-lua-chong-tang-kornet-cua-nga-the-hien-ra-sao-tai-ukraine-1905845.html