Tempest vượt FCAS trong cuộc đua chế tạo tiêm kích thế hệ sáu

Chuyến bay đầu tiên của Tempest - được tạo ra theo chương trình Global Combat Air Platform (GCAP) sẽ diễn ra vào năm 2028 và những chiếc đầu tiên sẽ đi vào hoạt động trong năm 2035.

Chương trình chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ sáu chung của châu Âu hiện đã bị tách thành hai dự án có tên Tempest và Hệ thống không chiến tương lai (FCAS), cuộc đua thực sự đã bắt đầu.

Xin nhắc lại rằng Tempest, đã đổi tên thành Nền tảng không chiến toàn cầu (GCAP), hiện do Anh, Ý và Nhật Bản lãnh đạo, và có thể có sự tham gia của Thụy Điển và thậm chí cả Saudi Arabia.

Trong khi đó dự án FCAS là của Pháp, Đức và Tây Ban Nha. Sự thành công của từng cỗ máy thế hệ mới sẽ phụ thuộc vào việc bên nào đưa tiêm kích của mình vào sản xuất hàng loạt trước.

Đặc biệt là khi các dự án cạnh tranh không chỉ với nhau, mà còn với Nền tảng chiếm ưu thế trên không thế hệ tiếp theo của Mỹ (NGAD), với xác suất tối đa sẽ trở thành máy bay chiến đấu đầu tiên thuộc thế hệ thứ sáu.

Và đó là lý do tại sao việc Tempest (GCAP) vượt qua FCAS là cực kỳ quan trọng, bởi vì nếu không có tiềm năng xuất khẩu, việc phát triển một phương tiện tác chiến thế hệ mới sẽ khó lòng tự trang trải được chi phí.

Nhưng BAE Systems - đơn vị thực hiện chính của dự án GCAP lại tỏ ra khá bình tĩnh trước thực tế này.

Theo người đứng đầu dự án - ông Herman Klasen, kế hoạch đưa những chiếc Tempest đầu tiên vào hoạt động trong lực lượng không quân của các nước tham gia phát triển là vào năm 2035, trong khi chuyến bay đầu tiên sẽ diễn ra vào năm 2028.

Đối với dự án FCAS, hồi năm 2021, chuyến bay đầu tiên được ấn định vào năm 2026, nhưng tới tháng 2/2023, giám đốc điều hành của Dassault Aviation - ông Eric Trappier đã dời thời hạn đến năm 2029 và thời gian vận hành đầy đủ sẽ là năm 2040.

Hiện tại Dassault Aviation bắt đầu nói rằng dự án đang tiến triển chậm hơn dự kiến. Và một trong những lý do là sự phân chia vai trò trong việc thực hiện chương trình tạo ra chiếc tiêm kích tương lai.

Chúng ta đang nói về một "chiếc bánh" có giá 100 tỷ euro, cuộc ganh đua đang diễn ra chủ yếu giữa Dassault và Airbus, khi cả hai muốn trở thành "đối tác chính" chứ không chỉ là "nhà cung cấp".

Trong tình huống này, dự án Tempest có vẻ thuận lợi hơn do BAE Systems - về mặt khách quan, trông giống như một nhà lãnh đạo kỹ thuật chi phối toàn bộ chương trình.

Theo người đứng đầu chương trình GCAP - ông Herman Klasen, vấn đề tương tác giữa tất cả những người tham gia dự án thể hiện “sự tích cực và sẵn sàng làm việc với cường độ cao”.

Có vẻ như trong khi lục địa châu Âu đang quyết định đâu là dự án quan trọng nhất, thì Tempest thực sự có thể tung cánh sớm hơn.

Sự thành công của chiếc tiêm kích trong lĩnh vực xuất khẩu sẽ phụ thuộc vào điều này, bởi vì hiện nay, kinh nghiệm trên thị trường quốc tế chứng minh rằng khoảng trống đối với vũ khí mới phải được lấp đầy càng sớm càng tốt.

Cụ thể, BAE Systems thông báo, ngoài những khách hàng cơ bản, họ hy vọng Tempest sẽ được bán với số lượng vài trăm chiếc trên khắp thế giới. Và trong điều kiện cạnh tranh không chỉ với FCAS mà còn với NGAD của Mỹ, chỉ số này có thể được coi là khá quan trọng.

Hơn nữa, thị trường máy bay thế hệ thứ sáu thực sự khá hạn hẹp, bởi vì hiện nay phần lớn các quốc gia đang nâng cao tiềm năng chiến đấu cho không quân của họ bằng cách đặt hàng F-35.

Đến thập niên 2040, những chiếc tiêm kích F-35 này mới chỉ bước vào "độ tuổi trung niên", bởi vì tổng thời gian sử dụng hữu ích của chúng dự kiến phải tới tận thập niên 2080.

Do vậy, một số lượng đáng kể khách hàng tiềm năng có thể chọn F-35 đã được chứng minh năng lực và đã trở nên phổ biến vào thời điểm đó, thay vì đặt niềm tin vào tiêm kích thế hệ sáu còn xa lạ như Tempest hay FCAS.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tempest-vuot-fcas-trong-cuoc-dua-che-tao-tiem-kich-the-he-sau-post545170.antd