Tây Ninh phải tự lực giải phóng địa phương mình

Đối với Tây Ninh, sự kiện 30.4.1975 là bước ngoặt quan trọng, ghi nhận những nỗ lực quan trọng của quân và dân tỉnh nhà trong cao trào cách mạng, liên tục tấn công và nổi dậy, tự lực giải phóng Tây Ninh, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Đó là chỉ đạo của cấp trên đối với tỉnh Tây Ninh trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đối với Tây Ninh, sự kiện 30.4.1975 là bước ngoặt quan trọng, ghi nhận những nỗ lực quan trọng của quân và dân tỉnh nhà trong cao trào cách mạng, liên tục tấn công và nổi dậy, tự lực giải phóng Tây Ninh, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam.

HUYỆN TỰ GIẢI PHÓNG HUYỆN, XÃ TỰ GIẢI PHÓNG XÃ

Ngày 31.3.1975, Hội nghị Bộ Chính trị nhận định, thời cơ giải phóng Sài Gòn – Gia Định đã hoàn toàn chính muồi: “Hiện nay ta có đầy đủ lực lượng và khả năng để giành thắng lợi hoàn toàn trong một thời gian ngắn hơn dự kiến rất nhiều”. Ngày 14.4.1975, Bộ Chính trị phê chuẩn đề nghị của Bộ chỉ huy chiến dịch, đặt tên chiến dịch tiến công giải phóng Sài Gòn – Gia Định là chiến dịch Hồ Chí Minh

Trong bối cảnh nhiệm vụ chung là tranh thủ giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa năm 1975, Quân ủy và Bộ chỉ huy Miền giao nhiệm vụ cụ thể cho Tây Ninh là:

1. Tây Ninh phải tự lực giải phóng địa phương mình

2. Phải tổ chức đánh địch liên tục để kìm chân Sư đoàn 25, liên đoàn biệt kích 81 và cả lực lượng địch ở địa phương không cho chúng rút chạy về Sài Gòn để góp phần tạo điều kiện cho lực lượng chủ lực của ta tấn công giải phóng Sài Gòn.

Chấp hành tinh thần Chỉ thị đó, Tỉnh ủy Tây Ninh đã đề ra nhiệm vụ: huyện tự giải phóng huyện, xã tự giải phóng xã, không để địch ở địa bàn này sang cố thủ ở địa bàn khác, vận động quần chúng đưa con em tham gia lực lượng vũ trang.

Tỉnh ủy quán triệt tinh thần chỉ đạo của Trung ương Cục là không để những phần tử phản động trong đạo Cao Đài lợi dụng chiến sự nóng bỏng, gây hoang mang trong dân chúng, cản trở bước tiến của quân giải phóng.

Nếu địch rút quân vào nội ô Tòa Thánh cố thủ chống trả lại, phải vừa bảo vệ được quần chúng tín đồ, vừa tiêu diệt sinh lực địch, vừa giữ nguyên được Đền Thánh, chợ Long Hoa và các công trình khác do Nhân dân ta xây đắp lên.

Tỉnh ủy quyết định phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Tỉnh ủy viên cùng một số cán bộ chủ chốt khác về hỗ trợ và chỉ đạo ở các huyện; điều động hầu hết lực lượng thanh niên trong khối cơ quan vào lực lượng bộ đội tỉnh, huyện.

Với khí thế vô cùng sôi nổi, chỉ trong vòng 20 ngày (kể từ ngày 04 đến nga2ty 24.4.1975), trên 3.000 thanh niên, trung niên tình nguyện lên đường tham gia lực lượng vũ trang. Ta tổ chức được 09 tiểu đoàn mới (trong đó có 02 đại đội là đồng bào đạo Cao Đài).

Các tiểu đoàn 20, 22, 24, 26 được tập trung bổ sung cho lực lượng chủ lực tỉnh; 05 tiểu đoàn còn lại của các địa phương gồm Tân Biên: 01 tiểu đoàn, Châu Thành: 02 tiểu đoàn, Trảng Bàng: 02 tiểu đoàn ở cánh Tây và Đông. Ngoài ra, Tân Biên còn thành lập thêm 13 đại đội độc lập.

Như vậy, ở thời điểm đó, toàn tỉnh có 12 tiểu đoàn. Du kích xã phát triển khá mạnh, có xã quân số lên đến đại đội, xã ít nhất cũng có 20 du kích. Nhân dân kết lòng ủng hộ bộ đội, tổ chức đón rước, bố trí bảo vệ địa bàn đứng chân của bộ đội, sẵn sàng tại mọi điều kiện để bộ đội giành chiến thắng.

Tỉnh ủy triệu tập Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy mở rộng để quán triệt quyết tâm của Đảng và bàn kế hoạch cụ thể việc giải phóng tỉnh, giải phóng từng huyện và đặc biệt là giải phóng Thị xã – trung tâm đầu não của địch. Cùng thời gian đó, lực lượng vũ trang cách mạng đã áp sát Quốc lộ 22, các thị trấn, thị xã.

Ban Chỉ huy chiến dịch giải phóng tỉnh do đồng chí Nguyễn Thanh Dương – Tỉnh đội trưởng làm Chỉ huy trưởng; đồng chí Nguyễn Xuân Nhị và Nguyễn Thành Nghĩa – Tỉnh đội phó làm Chỉ huy phó; đồng chí Đặng Văn Lý (Mười Đôi) – Chính trị viên Tỉnh đội làm Chính trị viên.

Chấp hành Chỉ thị của Bộ Chỉ huy Miền, đêm 24.4.1975, Tây Ninh dùng 03 tiểu đoàn 14,18,20 tổ chức đánh chiếm cầu Bầu Nâu, cắt đứt Quốc lộ 22B không cho Trung đoàn 49 thuộc Sư đoàn 25 ngụy tháo chạy về Sài Gòn.

ĐỒNG LOẠT TIẾN CÔNG

17 giờ, ngày 26.4.1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn. Với tinh thần tự lực giải phóng quê hương, quân dân trong tỉnh đã đồng loạt tiến công và nổi dậy.

Tòa Thánh là địa bàn phức tạp, lực lượng quân sự của địch tập trung đông và bố trí từng khu vực để khống chế quần chúng. Số đông chức sắc trong Hội Thánh lừng chừng, ngán ngại tiếp xúc với cách mạng. Trước tình hình trên, Tỉnh ủy chỉ đạo dùng hai biện pháo chính trị và quân sự. Tăng cường cán bộ chính trị để vận động quần chúng đấu tranh, mũi quân sự phải đánh trúng đối tượng.

Đêm 26.4, thực hiện phương án đánh chiếm khu vực trung tâm huyện Tòa Thánh, ta đã triển khai địa bàn tấn công cho các tiểu đoàn gồm:

* Tiểu đoàn 20 đánh vào khu vực Long Hải

* Tiểu đoàn 22 chia làm 3 mũi đánh chiếm các khu vực Lò Than, Trường Xuân, Trường Lưu.

* Tiểu đoàn 24 đánh chiếm khu vực Quy Thiện.

Các đội biệt động mật, du kích mật và quần chúng được lệnh chuẩn bị nổi dậy phối hợp nhịp nhàng với lực lượng vũ trang để giáng đòn quyết định.

Thế trận đã bày sẵn nhưng do hợp đồng chiến đấu chưa đặt tên nên đêm 26.4.1975. Ban Chỉ huy chiến dịch phải ra lệnh tạm hoãn kế hoạch tấn công, các đơn vị vẫn đứng chân ở vị trí tập kết. Nhưng Tiểu đoàn 20 do tiếp nhận lệnh không kịp thời nên vẫn tiến hành tấn công đánh chiếm khu vực Trường Lưu, tiêu diệt tiểu đoàn 351, 01 đại đội bảo an của địch đóng tại đây và tổ chức bao vây đồn Trường Đức.

Cũng trong đêm đó, lực lượng Tiểu đoàn 26 của Tòa Thánh về Thị xã tiến đánh vào khu vực Ninh Thạnh, bắt gọn đội phòng vệ dân sự ở đây và đứng chân ở suối Bà Phụng, chuẩn bị tấn công vào trung tâm Thị xã.

Đêm 27.4.1975, thực hiện phương án đánh chiếm khu vực trung tâm huyện Tòa Thánh, Tiểu đoàn 24 đánh chiếm Quy Thiện và sáng 28.4.1975, các đơn vị đều đồng loạt nổ súng tấn công các mục tiêu. Lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân bao vây bứt rút, bức hàng…giải phóng hàng loạt đồn bót, dồn địch lui dần về khu vực trung tâm đầu não…

Ở Gò Dầu, ngày 26.4.1975, bộ đội huyện kết hợp với du kích và Nhân dân tấn công các đồn trong huyện. Đến ngày 29.4.1975, huyện Gò Dầu cơ bản giải phóng, quân địch chỉ còn 02 bót ở chi khu Gò Dầu và Bàu Đồn.

Ở Trảng Bàng, khi lực lượng chủ lực và xe tăng của ta đi qua để xuống Củ Chi và sang Hậu Nghĩa, trong tình hình địch hoang mang dao động cao độ, Huyện ủy hạ quyết tâm dồn hết lực lượng đồng loạt tấn công đều khắp địa bàn huyện. Ngày 27.4, lực lượng địa phương tấn công chiếm lĩnh Gia Huỳnh.

Ngày 28.4, Tiểu đoàn 01 cánh Đông của huyện dùng 02 đại đội đánh vào chi khu Trảng Bàng và 01 đại đội kết hợp với du kích và nhân dân ở Gia Lộc, Lộc Hưng bao vây bức hàng đồn Rừng Cầy, Láng Liêm, Chùa Đá, Hốc Nai, Gia Tân, Bàu Hai Năm, Cầu Ván, Đồng Ớt và Chùa Mọi. Ngày 29.4, du kích An Tịnh với sự hỗ trợ của Nhân dân, bao vây các đồn Suối Sâu, Biện Sen, Bàu Tràm, Cây Dương, An Thới, buộc địch phải đầu hàng và nộp súng.

Cùng ngày 29.4, quân địch ở 02 đồn Gia Bình và Tha La, trước sức ép của ta cũng buông súng đầu hàng. Đúng 16 giờ ngày 29.4, quân dân Trảng Bàng đã cắm lá cờ giải phóng lên nóc dinh quận trưởng ngụy quyền Trảng Bàng, cửa ngõ phía Bắc Sài Gòn trên quốc lộ 1 làm cho liên đoàn 33 biệt động quân của địch từ Gò Dầu chạy về Sài Gòn đến Trảng Bàng không có lối thoát buộc phải đốt xe, vất súng và đầu hàng. Trảng Bàng là huyện thứ hai của tỉnh được giải phóng.

Tại huyện Dương Minh Châu, lực lượng huyện cùng Nhân dân bức hàng đồn Bàu Năng, Bàu Cóp, Chà Là trên tỉnh lộ 26, bọn lính ở các đồn này đầu hàng và được gom về tập trung tại trường học Ninh Hưng. Sau đó, bọn lính được thả về, chờ ngày ra trình diện. Đến 19 giờ, ngày 29.4.1975, huyện Dương Minh Châu cơ bản được giải phóng.

Ở huyện Châu Thành, ngày 29.4.1975, hai tiểu đoàn bộ đội địa phương huey65n tiến vào khu tam giác Thanh Điền, Cao Xá, Thái Bình, hình thành thế bao vây Thị xã. Trong khi đó, một bộ phận chủ lực của tỉnh áp sát phía Nam Thị xã và một bộ phận Công an vũ trang đã lọt được vào trung tâm Thị xã.

ĐẦU HÀNG VÔ ĐIỀU KIỆN

Tại Thị xã, vào lúc 9 giờ 30 phút ngày 30.4.1975, qua máy bộ đàm, đại diện Ban Chỉ huy chiến dịch giải phóng Tây Ninh đã điện gọi Tỉnh trưởng Bùi Đức Tài buộc phải ra lệnh cho binh lính buông súng đầu hàng. Cùng lúc pháo binh của ta từ Núi Bà liên tục bắn vào Tiểu khu, Tòa hành chính ngụy.

10 giờ 30 phút, Tỉnh trưởng Bùi Đức Tài tuyên bố đầu hàng và ra lệnh cho các địa phương trong tỉnh hạ vũ khí đầu hàng quân cách mạng. Đúng 11 giờ ngày 30.4.1975, Thị xã Tây Ninh được hoàn toàn giải phóng) trước khi Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn là Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện 30 phút).

Trước tình thế nguy khốn, Trung đoàn 49, Sư đoàn 25, Biệt kích dù 81, Biệt động quân 33 và phần lớn thiết kỵ binh 3 tan rã đầu hàng; các tiểu đoàn địa phương tinh thần rệu rã, không còn ý chí chiến đấu, cộng thêm kho vũ khí lớn nhất của Tiểu khi bị cháy, nổ (ngày 29.4) do pháo ta bắn trúng. Không chịu nổi những trận bão lửa của pháo binh ta, đến 10 giờ ngày 30.4.1975, Bùi Đức Tài – đại tá, Tỉnh trưởng Tây Ninh buộc phải qua máy bộ đàm liên lạc với ta và cử người ra gặp để xin đầu hàng.

Bùi Đức Tài cử 2 sĩ quan là Tạ Kim Lời – Tham mưu phó tiểu khu và Tô Minh Trưởng – Trưởng ban I đến gặp đại diện Sở chỉ huy của ta ở Bến Kéo báo cáo việc chấp hành lệnh hạ vũ khí đầu hàng vô điều kiện.

10 giờ 30 phút, Tỉnh trưởng Bùi Đức Tài tuyên bố đầu hàng và ra lệnh cho các địa phương trong tỉnh hạ vũ khí đầu hàng quân cách mạng. Đúng 11 giờ ngày 30.4.1975, Thị xã Tây Ninh được hoàn toàn giải phóng) trước khi Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn là Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện 30 phút).

11 giờ 30 phút, ngày 30.4.1975, toàn bộ Ban chỉ huy Tiểu khu Tây Ninh, 13 tên tiểu đoàn trưởng, 2 quận trưởng Phú Khương – Phước Ninh và các trưởng ty, do Bùi Đức Tài – Tỉnh trưởng dẫn đầu tập trung tại trụ sở xã Long Thành (Báo Quốc Từ, đối diện sân vận động Long Hoa) nhận quy chế đầu hàng do đồng chí Nguyễn Thanh Dương – Chỉ huy trưởng chiến dịch giải phóng Tây Ninh công bố. Thị xã Tây Ninh được tiếp quản hoàn toàn. Trung tâm Tòa Thánh được bảo vệ nguyên vẹn.

Trong lúc lực lượng vũ trang tiến công giải phóng Thị xã, công nhân, nhân viên các nhà máy điện, nhà máy nước, bệnh viện, bưu điện…đã bảo vệ tại chỗ toàn bộ máy móc và các tài sản khác. Nhờ đó, khi Thị xã được giải phóng, các cơ sở phục vụ sinh hoạt công cộng đều hoạt động bình thường. Đó cũng là một thắng lợi lớn cua chiến dịch, là kết quả tốt đẹp của sự kết hợp giữa tiến công vũ trang và nổi dậy của quần chúng nhân dân tại chỗ.

Bằng sức mạnh tổng hợp được phát huy cao độ trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, quân dân Tây Ninh đã tự lực giải phóng tỉnh nhà, đồng thời góp phần xứng đáng vào công cuộc giải phóng Sài Gòn – hang ổ cuối cùng của ngụy quyền, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được cấp trên giao, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc kéo dài 21 năm.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân Tây Ninh diễn ra dưới hình thái một cuộc chiến tranh nhân dân, là một quá trình đấu tranh liên tục, từ đấu tranh chính trị, tiến tới khởi nghĩa, rồi kết hợp khởi nghĩa của quần chúng với chiến tranh cách mạng, kết hợp tiến công và nổi dậy, nổi dây và tiến công. Tiêu diệt và làm tan rã sinh lực địch, đánh bại từng bước tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn.

Thành quả cách mạng to lớn đó do nhiều nhân tố tạo nên, trong đó quan trọng nhất là đường lối chính trị và đường lối quân sự sáng suốt, đúng đắn của Đảng, là lòng yêu nước, ý chí kiên cường bất khuất, tinh thần hy sinh vô bờ bến của Nhân dân và lòng tin sắt đá vào Đảng, vào sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo.

Thắng lợi của Nhân dân Tây Ninh đã góp phần cùng Nhân dân cả nước quét sạch quân xâm lược Mỹ ra khỏi bờ cõi, lật đổ ngụy quyến Sài Gòn, công cụ của chủ nghĩa thực dân mới, giải phóng hoàn toàn miền Nam, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đến ngày 5.5.1975, ở Tây Ninh cơ bản đã kết thúc trình diện, theo danh sách đăng ký, tổng số có 30.503 tên, trong đó có 23.078 ngụy quân, 640 viên chức ngụy quyền, 1.543 cảnh sát, 111 đảng viên Dân chủ của Thiệu; chiến lợi phẩm thu được gồm có: 79.969 súng các loại, 30 khẩu pháo 105 li, 7 khẩu pháo 155 li, 197 xe quân sự, 18 xe thiết giáp, 630 máy truyền tin, 3 tổng đài siêu tầng số, 21 máy phát điện, 181 tấn đạn, 45 tấn gạo và nhiều nguyên vật liệu khác. Tài chính thu được 19.852.200 đồng tiền mặt, 36.930.000 tiền trưng thu của Ngân hàng cva2 348.426.000 tiền quỹ giá trị bằng phiếu.

Thanh Hà

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/tay-ninh-phai-tu-luc-giai-phong-dia-phuong-minh-a172073.html