Tây Nguyên và khát vọng vươn xa

Tây Nguyên có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Các tỉnh Tây Nguyên đang phấn đấu trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững.

Tây Nguyên có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Các tỉnh Tây Nguyên đang phấn đấu trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững.

Vùng Tây Nguyên có 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng và Đắk Nông. Toàn vùng có diện tích khoảng 54.000 km2, chiếm 1/6 diện tích cả nước, lớn thứ 3 trong 6 vùng kinh tế - xã hội.

Tây Nguyên nằm ở điểm giao biên giới 3 nước: Việt Nam - Lào - Campuchia, tiếp giáp các vùng Duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ. Tây Nguyên được coi là “phên dậu phía Tây của Tổ quốc”, là “nóc nhà của Đông Dương”.

Một số thông tin sơ bộ về vùng Tây Nguyên tính đến năm 2022

Tây Nguyên là vùng giàu tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, trong đó có khoảng 2,5 triệu ha rừng; hệ động, thực vật phong phú, đa dạng. Đây được xem là đầu nguồn của 4 hệ thống sông lớn chảy về Duyên hải Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và Đông Bắc Campuchia.

Về nông nghiệp, Tây nguyên có nhiều loại cây trồng trở thành nông sản chủ lực trong vùng, cả nước như: cà phê 9654.000 ha; hồ tiêu 82.800 ha; cây ăn quả 117.000 ha; rau, hoa… Các loại cây trồng được canh tác trải dài ở các địa phương trong vùng.

Tây nguyên có nhiều loại cây trồng trở thành nông sản chủ lực trong vùng, cả nước

Về công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, Tây Nguyên có tiềm năng về khai tác, chế biến bô xít, alumin, nhôm. Toàn vùng hiện có 2 tổ hợp dự án bô xít - nhôm tại Lâm Đồng và Đắk Nông.

Công suất mỗi dự án vào khoảng trên 650.000 tấn/năm. Nhiều dự án điện gió, điện năng lượng mặt trời tại các tỉnh đã được đầu tư, đưa vào khai thác.

Tây Nguyên hiện có 2 tổ hợp dự án bô xít - nhôm tại Lâm Đồng và Đắk Nông.

Về du lịch, Tây Nguyên có tài nguyên du lịch sinh thái đặc sắc, đa dạng. Toàn vùng có 6 vườn Quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên như: Chư Mom Ray (Kon Tum); Kon Ka King (Gia Lai); Tà Đùng, Nam Nung (Đắk Nông); Yok Đôn (Đắk Lắk), Bi Đúp- Núi Bà (Lâm Đồng)...

Trong vùng có Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kon Hà Nừng (Gia Lai); Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Toàn vùng có hệ thống thác nước, hồ, cảnh quan kỳ vĩ trải đều khắp 5 tỉnh.

Hồ Tà Đùng được ví như "Vịnh Hạ Long của Tây Nguyên"

Những năm qua, các địa phương ở Tây Nguyên nhận thức rõ hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của vùng. Các tiềm năng, lợi thế vì vậy đã được phát huy. Bước đầu, vùng Tây Nguyên đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của khu vực và cả nước.

Quy mô kinh tế của vùng Tây Nguyên tăng nhanh. Đến năm 2022, quy mô kinh tế Tây Nguyên tăng hơn 14 lần so với năm 2002 và tăng 3,1 lần so với năm 2010.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng Tây Nguyên giai đoạn 2002 - 2022 đạt bình quân gần 8%/năm. Thu nhập bình quân đầu người của vùng năm 2022 đạt hơn 50 triệu đồng/người/năm, gấp hơn 11 lần so với năm 2002.

Vùng Tây Nguyên đã có nhiều bước tiến đáng kể về kinh tế - xã hội, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước

Tây Nguyên có nhiều sản phẩm nông sản chủ lực, quy mô lớn, chiếm tỷ trọng cao, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả. Lĩnh vực du lịch ở Tây Nguyên có bước phát triển khá, hình thành các chuỗi phát triển du lịch liên vùng.

Giá trị văn hóa các dân tộc Tây Nguyên được bảo tồn, kế thừa, phát huy. Trong đó, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Hệ thống giáo dục, đào tạo ở Tây Nguyên được quan tâm đầu tư. Mạng lưới y tế có bước phát triển mạnh. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt mục tiêu đề ra.

Voi và những nét văn hóa biểu tượng của Tây Nguyên luôn thu hút nhiều sự quan tâm

Nhiều lễ hội được tổ chức đã tạo được không gian để đồng bào các dân tộc Tây Nguyên giao lưu, giữ gìn văn hóa truyền thống

Cồng chiêng được gìn giữ, tái hiện ở những sự kiện văn hóa quan trọng

Ý thức học tập, trình diễn cồng chiêng thấm sâu vào lớp trẻ Tây Nguyên

Ẩm thực Tây Nguyên mang nhiều nét đặc sắc

Các lễ hội truyền thống được tái hiện, tạo không gian để người Tây Nguyên có cơ hội giao lưu

Nhiều cá nhân Tây Nguyên trở thành "điểm sáng" về sự nỗ lực, luôn giữ gìn những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình

Các chương trình mục tiêu Quốc gia được các tỉnh Tây Nguyên triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Chính sách dân tộc, tôn giáo được các tỉnh trong khu vực thực hiện tốt, qua đó, khơi dậy ý thức đoàn kết, tính tự lực trong việc phát triển kinh tế, giảm nghèo. Tình hình quốc phòng, an ninh ở Tây Nguyên được củng cố, nhất là trên tuyến biên giới và các địa bàn xung yếu.

Mặc dù, Tây Nguyên đạt nhiều kết quả, nhưng sự phát triển của vùng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Tăng trưởng kinh tế của vùng còn thiếu tính bền vững. Nhiều thời điểm còn có xu hướng chậm lại. Thu nhập bình quân đầu người vẫn còn ở mức thấp nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước.

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đến với Tây Nguyên còn thấp. Tỷ lệ giảm nghèo chưa thực sự bền vững. Hàng năm, số hộ nghèo, cận nghèo còn lớn, tỷ lệ tái nghèo còn cao.

Hạ tầng khu vực vùng sâu, vùng xa của Tây Nguyên còn nhiều thiếu thốn, hạn chế

Tình trạng dân di cư tự do vào Tây Nguyên ngày càng phức tạp. Vấn đề đất sản xuất, đất ở của đồng bào dân tộc thiểu số chậm được giải quyết. Nhiều giá trị di sản, bản sắc văn hóa dân tộc của vùng đang đứng trước nguy cơ bị mai một, hòa tan.

Công tác xử lý đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường còn nhiều bất cập. Tỷ lệ che phủ rừng giảm mạnh, không đạt mục tiêu đề ra. Nguồn nước có nguy cơ suy giảm, tình trạng khô hạn diễn biến bất thường.

Hoạt động liên kết nội vùng và liên vùng chưa chặt chẽ, hiệu quả, còn mang tính hình thức. Mạng lưới kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng còn thiếu thốn và xuống cấp, nhất là kết cấu hạ tầng chiến lược (giao thông, y tế, giáo dục, công nghệ thông tin,...) chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Bên cạnh đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, vấn đề tôn giáo, dân tộc... vẫn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, khó khăn.

Đường giao thông nhiều đoạn chưa được đầu tư khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn

Đời sống người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều thiếu thốn

Việc sinh con đông đang tạo ra "lực cản" phát triển kinh tế ở vùng dân tộc thiểu số

Tỉ lệ con em đến trường cao nhưng vẫn còn nhiều nơi trẻ em trong độ tuổi chưa được đến trường

Việc tuyên truyền pháp luật về khu vực vùng sâu, vùng xa gặp không ít trở ngại

Vẫn còn nhiều hủ tục lạc hậu còn tồn tại trong đời sống người Tây Nguyên

Việc ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp chưa được chú trọng nhiều. Tỷ số phát triển con người tại vùng Tây Nguyên đang thấp nhất cả nước. Mạng lưới hạ tầng vùng, liên vùng còn thiếu và yếu, nhất là các hạ tầng chiến lược như: giao thông, y tế, giáo dục, hạ tầng số…

Nguyên nhân được xác định là do một số cấp ủy, chính quyền nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của vùng. Chất lượng các quy hoạch còn thấp, thiếu sự liên kết, đồng bộ. Nhiều địa phương còn thiếu cơ chế, chính sách đặc thù để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Tây Nguyên trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Tây Nguyên phải được xây dựng và phát triển hài hòa giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên…

Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra nhiều mục tiêu. Nghị quyết 23 nhằm định hướng, nhận diện thời cơ và thách thức để thúc đẩy xây dựng vùng Tây Nguyên phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.

TP. Buôn Ma Thuột được ví là "thủ phủ" của Tây Nguyên. Đây là nơi diễn ra nhiều sự kiện đặc biệt quan trọng với kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên

Hạ tầng khu vực Tây Nguyên ngày càng có sự thay đổi tích cực (Trong ảnh: Một góc đô thị Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông)

Đường Hồ Chí Minh - tuyến giao thông huyết mạch của Tây Nguyên - được nâng cấp, sửa chữa, góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân

Nhiều dự án lớn như Nhà máy Alumin Nhân Cơ (trong ảnh) được Trung ương triển khai, tạo sự thay đổi tích cực cho kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên

Hạ tầng khu vực vùng sâu từng bước được cải thiện

Học sinh khu vực vùng sâu, vùng xa được đến trường, góp phần từng bước nâng cao trình độ dân trí

Các sự kiện quan trọng được tổ chức, tạo sân chơi để đồng bào các dân tộc Tây Nguyên biểu diễn, giao lưu văn hóa

Trung ương tổ chức các sự kiện xúc tiến đầu tư vào khu vực Tây Nguyên

Cụ thể, đến năm 2030, Tây nguyên là vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên nền kinh tế xanh, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Toàn vùng phát triển nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số. Trong vùng hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn có thương hiệu quốc tế.

Tây Nguyên cơ bản hình thành hạ tầng giao thông quan trọng, hạ tầng số. Vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản được giải quyết. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện.

Đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP Tây Nguyên đạt 7-7,5%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 130 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 37,2%- 40,7%. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 85%, trong đó, số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao khoảng 50%.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25-30%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều duy trì giảm từ 1-1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm.

Tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 47%. Tỷ lệ gia đình sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư đô thị đạt 100%....

Đến năm 2045, Tây Nguyên trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn. Một số tỉnh trong vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước.

Hệ sinh thái rừng trong vùng được bảo tồn. Toàn vùng hình thành các vùng sản xuất lớn về cây công nghiệp, cây ăn quả, rau, hoa… Hệ thống kết cấu hạ tầng được xây dựng hiện đại, đồng bộ. Tất cả hướng tới sự phát triển hài hòa giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng, an ninh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm 1 gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp của Tây Nguyên

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu này, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành Trung ương, địa phương quyết tâm xây dựng, phát triển vùng, nhất là liên kết vùng. Các cơ chế đặc thù, phân bổ nguồn lực, nguồn nhân lực phải được quan tâm hơn nữa.

Toàn vùng đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong đó, phát triển nông, lâm nghiệp là trọng tâm, làm bệ đỡ. Tây Nguyên ưu tiên phát triển công nghiệp khai thác, chế biên bô xít, alumin. Các ngành du lịch, dịch vụ, logistics phát triển theo hướng nâng cao chất lượng….

Nội dung: Nguyễn Lương
Ảnh, đồ họa: Lê Phước
Trình bày: Lê Phước

Lê Phước

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/tay-nguyen-va-khat-vong-vuon-xa-161897.html