Tây Bắc vẫy gọi ta về-Bài 2: Điện Biên Phủ - máu và hoa

Đến TP Điện Biên Phủ, người ta nói là đã đến được với 'xứ Trời'. Mường Thanh hay Mường Then (theo tiếng dân tộc Thái có nghĩa là xứ Trời) là một đồng bằng nhỏ hẹp được tạo nên bởi phù sa của con sông Nậm Rốm khi chảy qua một đứt gãy sâu, nằm trên địa bàn TP Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên thuộc tỉnh Điện Biên. Nơi đây ghi dấu những chiến công hiển hách lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Lâng lâng mảnh đất “xứ Trời”

Anh bạn Phan Gia Hoài, phụ trách Tạp chí Cựu chiến binh TP Hồ Chí Minh đã đến Điện Biên rồi, nhưng vẫn ngỡ ngàng như lần đầu khi bước vào Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Mà không riêng Gia Hoài, tôi và gần 90 thành viên của đoàn cán bộ tuyên giáo, báo chí-xuất bản TP Hồ Chí Minh đều phải trầm trồ trước công trình nghệ thuật mang tính lịch sử này.

Được khởi công xây dựng từ tháng 10-2012 trên diện tích 22.000m2, chính thức mở cửa đón khách vào ngày 5-5-2014, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là công trình quy mô, hoành tráng và hiện đại nhất tỉnh Điện Biên. Khi bước vào bảo tàng, những vị khách từ Thành phố mang tên Bác vỡ òa cảm xúc như được bước vào quá khứ hào hùng của dân tộc 70 năm về trước. Ấn tượng mạnh mẽ nhất chính là bức tranh panorama hoành tráng, tái hiện chân thực những khoảnh khắc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là bức tranh được vẽ bằng chất liệu sơn dầu, bố cục hình tròn, dài 132m, cao 20,5m, đường kính 42m; tổng diện tích 3.225m² do gần 100 họa sĩ thể hiện. Bức tranh tái hiện toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ với khoảng 4.500 nhân vật và nhiều cảnh phục vụ chiến đấu, chiến đấu, chiến thắng của quân và dân ta. Để vận hành bức tranh hiện có 123 đèn chiếu sáng công suất 200W; 106 đèn rọi có tổng công suất 4,368kW/h và hệ thống điều hòa gồm 13 chiếc có tổng công suất 213,2kW/h.

Đoàn cán bộ tuyên giáo, báo chí-xuất bản TP Hồ Chí Minh tham quan di tích Đồi A1 (TP Điện Biên Phủ). Ảnh: PHÚ HƯNG

Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Biên Phủ (Nghĩa trang A1) luôn biểu hiện sự linh thiêng, tôn nghiêm cho bất cứ ai đến thăm viếng. Đã 70 năm trôi qua, nơi đây là ngôi nhà yên nghỉ của gần 650 liệt sĩ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Hầu hết các ngôi mộ chưa xác định được danh tính, 4 ngôi mộ có tên của các anh hùng liệt sĩ: Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn và Trần Can. Đi giữa những hàng mộ, nhiều người xúc động, nước mắt lưng tròng. Những giọt nước mắt ấy cũng chảy dài khi nghe hướng dẫn viên Ngô Thị Lai thuyết minh bao câu chuyện cảm động ở di tích Đồi A1. Chúng tôi nhè nhẹ bước chân trên di tích Đồi A1 và các di tích lịch sử khác. Ai cũng hiểu ở dưới lòng đất, vẫn còn hàng trăm, hàng nghìn hài cốt liệt sĩ đã hy sinh trong chiến thắng vĩ đại của dân tộc chưa được quy tập vào các nghĩa trang. Xương máu của họ đã hóa thành sự sống, sự sinh sôi, nảy nở và phát triển của Điện Biên, cũng như của cả miền Tây Bắc và Tổ quốc hôm nay.

Bông hoa của núi rừng Tây Bắc

Nhắc đến Điện Biên, chúng ta thường nhớ tới những chiến công hiển hách, đầy tự hào. Giờ đây, Điện Biên không chỉ là địa danh lịch sử tiêu biểu mà còn là một điểm đến tươi đẹp bởi sự hấp dẫn của núi rừng kỳ vĩ, với con đèo Pha Đin huyền thoại, cánh đồng Mường Thanh mộng mơ và phố thị ngày càng sầm uất dù vào bất cứ thời gian nào trong năm. Cũng bởi thế mà Điện Biên được gọi là “Bông hoa của núi rừng Tây Bắc”.

Theo cắt nghĩa của một số người cao niên sống ở đây, "Điện" nghĩa là vững chãi, "Biên" nghĩa là vùng biên giới, biên ải. Điện Biên biểu thị cho hình tượng một vùng đất vững chắc nơi biên cương của Tổ quốc. Vào dịp cuối năm, Điện Biên khoe sắc bởi những cánh đồng tam giác mạch tháng 11 và rực rỡ hoa dã quỳ vào tháng 12. Tháng 3 hằng năm là lúc hoa ban phủ trắng đất trời. Chỉ nghĩ về các loài hoa, tôi đã thấy Điện Biên đẹp và hấp dẫn đến nhường nào. Cách đây gần 10 năm, tôi được tham gia cuộc đua xe đạp chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Điện Biên do Báo Quân đội nhân dân tổ chức. Khi đi qua đèo Pha Đin, một trong “tứ đại đỉnh đèo” của Tây Bắc, tôi cứ ngỡ như mình đang bay cùng mây. Tuy chưa đến mùa hoa tam giác mạch hay cải trắng, nhưng hoa cúc vàng đã nở rực rỡ cả một góc núi rừng. Rồi ngọn đồi chong chóng, cầu tre chong chóng và chiếc xích đu đầy lãng mạn, khiến cho người ta phải ngất ngây. Từ đỉnh đèo Pha Đin, còn có thể nhìn được thung lũng Mường Quải đẹp như một bức tranh.

Trong buổi làm việc với đoàn chúng tôi sáng 14-12-2023, đồng chí Lò Thị Minh Phượng, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên đã nói rằng: “Điện Biên đẹp xinh, giàu giá trị lịch sử nhưng vẫn cần được tuyên truyền, quảng bá để nhiều người dân trong nước và bạn bè quốc tế biết đến. Đó cũng là cách để chia sẻ cùng Điện Biên trên con đường phát triển”. Quả thật, Điện Biên không chỉ có đèo Pha Đin, cánh đồng Mường Thanh với các di tích lịch sử tiêu biểu, mà còn có cực Tây A Pa Chải là cột mốc số 0, nằm tại ngã ba biên giới Việt Nam-Trung Quốc-Lào. Nơi đây được mệnh danh là điểm đến mà “một con gà gáy cả ba nước cùng nghe tiếng”; là Pá Khoang được ví như vịnh Hạ Long trên cạn ở Tây Bắc; là những điệu xòe Thái với men rượu cần nghiêng ngả đất trời...

Khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Điện Biên vào đầu tháng 4-2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn địa phương phát huy tối đa truyền thống cách mạng và khí thế của chiến thắng Điện Biên Phủ để phát triển kinh tế-xã hội. Là tỉnh có vị trí chiến lược rất quan trọng ở vùng biên giới phía Bắc, Điện Biên cần tận dụng tốt tiềm năng phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch đan xen, phải nâng tầm quy mô kinh tế, chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế rõ nét hơn, thu ngân sách nhiều hơn, bảo đảm tốt quốc phòng, an ninh trong mọi tình huống... Ngày 24-12-2023, khi dự Lễ khánh thành Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa đề nghị địa phương chú trọng phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ, liên kết mời gọi đầu tư để phát triển công nghiệp, logistics, năng lượng tái tạo và kinh tế quốc tế để Điện Biên đột phá đi lên.

Xứng đáng với truyền thống hào hùng

Đi tới một số địa phương của tỉnh Điện Biên, chúng tôi thường nghe người dân bảo ban con cháu phải chịu khó học hành, lao động sản xuất, làm giàu cho quê hương, xứng đáng với lịch sử hào hùng của địa phương. Thực tế, không phải người Điện Biên không có ý chí vươn lên, nhưng do địa hình núi rừng hiểm trở, xa xôi ngăn cách với các trung tâm kinh tế-chính trị của đất nước, nên việc phát triển kinh tế-xã hội không phải dễ dàng. Vừa qua, tỉnh Điện Biên đã đề nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan hỗ trợ về kinh phí để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại biên giới trên địa bàn tỉnh; điều chỉnh, bổ sung công suất quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh; đầu tư tuyến đường kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm kinh tế động lực dọc Quốc lộ 279, Quốc lộ 12 tỉnh Điện Biên; xây dựng đường cao tốc Sơn La-Điện Biên-Cửa khẩu Tây Trang; hỗ trợ tỉnh thực hiện chương trình đưa điện về các hộ đồng bào dân tộc thiểu số và xóa nhà dột nát cho các hộ nghèo...

Nhiệm vụ trước mắt của Điện Biên là chuẩn bị thật tốt cho kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Đây chính là dịp để giáo dục truyền thống cho các thế hệ người Việt Nam nói chung, bà con các dân tộc ở Điện Biên nói riêng. Nó cũng là cơ hội để quảng bá hình ảnh, con người Điện Biên và thu hút khách du lịch quốc tế đến với núi rừng Tây Bắc.

Vẫn biết dù ở đâu, địa phương nào cũng phải phát huy tốt tinh thần tự lực, tự cường mới đi lên được, nhưng Điện Biên cần lắm sự chung tay, góp sức của các bộ, ngành Trung ương và của cả nước. Hiện nay, nhiều tập đoàn kinh tế đã và đang đầu tư công sức, trí tuệ, của cải vào Điện Biên. Chúng ta có thể thấy những khách sạn hiện đại, khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu thương mại ngày càng sầm uất, phố xá ngày càng đông vui ở TP Điện Biên Phủ. Nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao, thủy điện, logistics cũng được khảo sát và triển khai, nhưng như thế vẫn chưa đủ. Điện Biên cần nhiều trường học, cơ sở y tế, nơi sinh hoạt cộng đồng cho các xã vùng sâu, vùng biên giới; bà con nghèo đang khát khao được vay vốn để phát triển kinh tế gia đình... Nếu cả nước chung tay cùng Điện Biên, nơi đây sẽ bớt khó khăn hơn, sẽ giàu mạnh và tươi đẹp hơn. Nói như đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên: “Điện Biên mong mỏi sự hỗ trợ, giúp đỡ, đầu tư hiệu quả của Trung ương, các địa phương bạn, cùng các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Có như vậy, chúng tôi mới được học hỏi, giao lưu và hội nhập phát triển kinh tế bền vững trong giai đoạn hiện nay”.

(còn nữa)

Ghi chép của LÊ PHI HÙNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/tay-bac-vay-goi-ta-ve-bai-2-dien-bien-phu-mau-va-hoa-762110