Tàu vũ trụ Luna-25 bị phá hủy sau khi va chạm với bề mặt Mặt trăng

Khi ở giai đoạn cuối trong quá trình đáp xuống Mặt trăng, tàu vũ trụ Luna-25 đã chuyển sang quỹ đạo lệch so với thiết kế và bị phá hủy do va chạm với bề mặt của Mặt Trăng.

Hôm 20/8, dịch vụ báo chí của Cơ quan vũ trụ Nga (Roscosmos) cho biết, tàu vũ trụ Luna-25 (được phóng hôm 11/8 trong sứ mệnh tìm kiếm nước đóng băng ở cực Nam Mặt trăng), đã chuyển sang quỹ đạo ngoài thiết kế ở giai đoạn cuối trong quá trình đáp xuống và va chạm với bề mặt Mặt Trăng, không còn tồn tại.

“Theo kết quả phân tích sơ bộ, do sai lệch của các thông số xung lực thực tế so với thông số tính toán, tàu vũ trụ Luna-25 đã chuyển sang quỹ đạo lệch thiết kế và không còn tồn tại do va chạm với bề mặt của Mặt trăng.”, thông báo của Roscosmos nói.

Tàu vũ trụ Luna-25 đã chuyển sang quỹ đạo lệch thiết kế và không còn tồn tại do va chạm với bề mặt của Mặt trăng. Nguồn: Roscosmos.

Trong một thông báo trước đó, Roscosmos cho biết một tình huống khẩn cấp đã xảy ra trên tàu Luna-25, ngăn cản quá trình chuyển đổi sang quỹ đạo trước khi hạ cánh với các thông số đã cho.

“Theo chương trình bay của Luna-25 đã phát lệnh xung kích chuyển trạm về quỹ đạo chuẩn bị hạ cánh. Trong quá trình vận hành, trên trạm tự động đã xảy ra một tình huống khẩn cấp, điều này đã ngăn việc điều động từ các tham số đã cho.”, thông báo viết.

Hình ảnh miệng núi lửa Zeeman ở cực Nam Mặt trăng do Luna-25 chụp trong quá trình bay quanh Mặt trăng. Nguồn: Roscosmos.

Trước đó trong quá trình bay quanh Mặt trăng, Luna-25 đã thực hiện một số hoạt động đo lường bằng các thiết bị khoa học trên tàu và nhận được kết quả nghiên cứu đầu tiên, theo Roscosmos.

Roscosmos cũng đã công bố hình ảnh đầu tiên về bề mặt Mặt trăng do Luna-25 chụp bằng camera truyền hình tổ hợp STS-L.

Hình ảnh cho thấy miệng núi lửa Zeeman, miệng núi lửa sâu thứ ba ở cực Nam, phía mặt sau Mặt trăng, có đường kính của nó vào khoảng 190 km.

Với góc chiếu thấp của Mặt trời, đáy các miệng núi lửa lớn ở cực Nam Mặt trăng không bao giờ nhận được ánh sáng Mặt trời, nơi được cho có nguồn nước đóng băng. Nguồn: Roscosmos.

“Hình ảnh được chụp cho thấy miệng núi lửa Zeeman ở cực Nam, phía mặt sau Mặt trăng. Tọa độ của tâm miệng núi lửa tương ứng với 75 độ vĩ độ nam và 135 độ kinh độ tây.”, Roscosmos cho biết.

Miệng núi lửa Zeeman có bờ bao quanh cao 8 km so với bề mặt đáy tương đối bằng phẳng của nó và được các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm.

Văn Phong/Sputnik, TASS

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/quoc-te/tin-tuc/tau-vu-tru-luna-25-bi-pha-huy-sau-khi-va-cham-voi-be-mat-mat-trang-144492.html