Tàu vũ trụ của Trung Quốc trở về Trái đất sau 9 tháng làm nhiệm vụ

Các nhà chức trách trong ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc cho biết, một phương tiện vũ trụ không người lái có thể tái sử dụng của nước này đã quay trở lại Trái đất vào sáng thứ Hai (8/5) sau 276 ngày trên quỹ đạo.

Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không vũ trụ Trung Quốc đã ca ngợi nhiệm vụ bí mật này là “thành công hoàn toàn”, nói rằng nó “đánh dấu một bước đột phá quan trọng” trong nghiên cứu của Trung Quốc về công nghệ không gian. Cơ quan này cho biết tàu vũ trụ tái sử dụng “thuận tiện và tiết kiệm chi phí hơn”.

 Các chuyên gia tin rằng tàu vũ trụ không người lái tái sử dụng của Trung Quốc có thể có kích thước tương tự tàu vũ trụ X-37B của Mỹ trong hình này. Ảnh: AP

Các chuyên gia tin rằng tàu vũ trụ không người lái tái sử dụng của Trung Quốc có thể có kích thước tương tự tàu vũ trụ X-37B của Mỹ trong hình này. Ảnh: AP

Người ta biết rất ít về con tàu - đã trải qua hai ngày trên quỹ đạo trong sứ mệnh đầu tiên vào tháng 9 năm 2020 - và các cơ quan vũ trụ của Trung Quốc trước đây không công bố bất kỳ hình ảnh hoặc dữ liệu kỹ thuật nào về con tàu.

Dựa trên khả năng tải trọng của tên lửa Trường Chinh 2F đã phóng tàu vũ trụ có thể tái sử dụng, các chuyên gia cho rằng tàu vũ trụ này có thể có kích thước và thiết kế tương tự như tàu vũ trụ Boeing X-37B của Mỹ.

Tàu vũ trụ của Mỹ năm ngoái đã trải qua 908 ngày kỷ lục trên quỹ đạo trong chuyến bay thứ năm kể từ khi nó được giới thiệu vào năm 2010. Với chiều dài khoảng 9 mét và cao 3 mét, X-37B có khối lượng khoảng 5.000 kg.

Thiết kế nhỏ gọn và hợp lý này cho phép X-37B hoạt động hiệu quả trong không gian đồng thời phù hợp với những hạn chế của các phương tiện phóng hiện có.

Trung Quốc và Mỹ đã chạy đua phát triển tàu vũ trụ nhỏ, không người lái có thể tái sử dụng kể từ năm 2011. Tàu vũ trụ không người lái rẻ hơn và hiệu quả hơn để thiết kế và vận hành, không cần hệ thống hỗ trợ sự sống hoặc các thiết bị ở khác.

Kích thước nhỏ của chúng cũng có nghĩa là chúng có thể được phóng bằng tên lửa nhỏ hơn, thường ít tốn kém hơn so với các phương tiện phóng lớn hơn, giống như phương tiện được sử dụng phóng tàu con thoi.

Có nhiều thách thức trong việc phát triển tàu vũ trụ có thể tái sử dụng, bao gồm nhu cầu che chắn nhiệt tiên tiến để bảo vệ nó trong quá trình quay trở lại, cũng như có hệ thống hạ cánh chắc chắn và đáng tin cậy.

Thời gian kéo dài trên quỹ đạo có thể gây thêm nhiều phức tạp, chẳng hạn như duy trì nguồn cung cấp năng lượng cho tàu vũ trụ, vốn yêu cầu các tấm pin mặt trời tiên tiến hoặc các hệ thống phát điện khác có thể hoạt động đáng tin cậy trong không gian.

Môi trường nhiệt của tàu vũ trụ phải có khả năng chịu được những dao động nhiệt độ khắc nghiệt khi nó di chuyển giữa ánh sáng mặt trời và bóng tối. Tiếp xúc lâu dài với bức xạ cũng có thể làm hỏng các linh kiện điện tử nhạy cảm của tàu.

Hoàng Anh (theo SCMP, AP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tau-vu-tru-cua-trung-quoc-tro-ve-trai-dat-sau-9-thang-lam-nhiem-vu-post246839.html