Tàu thăm dò NASA tiết lộ bằng chứng mới về các phân tử hữu cơ trên Sao Hỏa

Những phát hiện mới từ tàu thăm dò Perseverance của NASA cho thấy sự hiện diện của các phân tử hữu cơ trong đá, tại một địa phương từng là hồ nước trên Sao Hỏa.

Bằng chứng mới nhất đến từ một thiết bị có tên là SHERLOC được đặt trên xe tự hành, cho phép lập bản đồ chi tiết và phân tích các phân tử hữu cơ. Các nhà nghiên cứu đang báo cáo những phát hiện của SHERLOC từ 10 địa điểm.

Tàu Perseverance của NASA. Ảnh: Reuters

Họ đã thu được bằng chứng cho thấy sự hiện diện của các phân tử hữu cơ trong nhiều mẫu đá, bao gồm một số mẫu được thu thập nhằm đưa trở lại Trái đất để phân tích trong tương lai.

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng bằng chứng về các phân tử như vậy không phải là bằng chứng về sự sống trong quá khứ hay hiện tại trên sao Hỏa. Các quá trình phi sinh học hiện vẫn đang là một lời giải thích hợp lý hơn.

"Các chất hữu cơ là các khối cấu tạo phân tử của sự sống như chúng ta biết, nhưng chúng cũng có thể được hình thành từ các quá trình địa chất không liên quan trực tiếp đến sự sống”, nhà sinh vật học vũ trụ Sunanda Sharma thuộc Phòng thí nghiệm của NASA, tác giả chính của nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature trong tuần này, cho biết.

Tàu Perseverance, với sứ mệnh tìm kiếm bằng chứng về sự sống cổ đại trên Sao Hỏa và thu thập các mẫu đất đá để có thể quay trở lại Trái đất, đã hạ cánh vào tháng 2/2021 tại miệng núi lửa Jezero, một khu vực ở bán cầu bắc của Sao Hỏa, nơi từng bị ngập nước.

Sao Hỏa không phải lúc nào cũng là nơi khắc nghiệt như ngày nay. Các nhà khoa học nghi ngờ rằng từng có vi sinh vật sinh sống trong miệng núi lửa Jezero. Họ tin rằng các dòng sông đã tràn qua vách miệng núi lửa và tạo ra một hồ nước hơn 3,5 tỷ năm trước.

Tín hiệu của các phân tử hữu cơ đã được phát hiện ở tất cả 10 địa điểm mà SHERLOC đã nghiên cứu quanh miệng núi lửa Jezero.

SHERLOC sử dụng máy ảnh, tia laser và dụng cụ quang phổ kế phân tích bước sóng ánh sáng để tìm kiếm các phân tử hữu cơ. SHERLOC được hỗ trợ bởi WATSON, một máy ảnh màu để chụp cận cảnh các hạt đá và kết cấu bề mặt.

Các nhà nghiên cứu không biết chính xác các hợp chất hữu cơ cụ thể mà SHERLOC đã phát hiện, nhưng vẫn có một số manh mối. Đồng tác giả của nghiên cứu, ông Ryan Roppel, cho biết các dấu hiệu hóa học có thể đến từ các hợp chất như benzen hoặc naphthalene.

"Trên Trái đất, những chất này khá phổ biến trong dầu thô, có nguồn gốc sinh học, nhưng chúng ta cũng có thể hình thành những chất này một cách tổng hợp thông qua các phản ứng hóa học khác nhau", ông nói. "Nồng độ của chúng khá thấp, nhưng chúng tôi đã quan sát thấy các tín hiệu liên quan đến chất hữu cơ trên hầu hết các loại đá mà chúng tôi đã lấy mẫu".

Dấu hiệu của các phân tử hữu cơ lần đầu tiên được phát hiện trên sao Hỏa vào năm 2015 bởi một xe tự hành khác có tên là Curiosity.

Quốc Thiên (theo NASA, Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tau-tham-do-nasa-tiet-lo-bang-chung-moi-ve-cac-phan-tu-huu-co-tren-sao-hoa-post256159.html