Tàu ngầm hạt nhân Delta-IV gây ngạc nhiên khi 'đội mũ sắt' trên tháp chỉ huy

Tàu ngầm hạt nhân Delta-IV được bảo vệ giống như xe tăng khi bổ sung lồng thép trên tháp chỉ huy nhằm chống lại máy bay không người lái cảm tử.

Sau khi xe tăng và xe bọc thép của Nga được "đội mũ sắt", thì giờ đây đến cả tàu ngầm hạt nhân Delta-IV mang tên Tula của Hải quân Nga cũng được trang bị biện pháp bảo vệ vô cùng đặc biệt này.

Mặc dù không thể xác nhận một cách chính thức, nhưng hình ảnh mới rất có thể đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử hải quân cho thấy chiếc lồng thép đã được lắp đặt trên tháp chỉ huy của tàu ngầm.

Theo nhận xét khi nổi và đậu tại cảng, tháp chỉ huy lộ thiên của tàu ngầm, đặc biệt là loại tên lửa đạn đạo hạt nhân chiến lược với kích thước lớn luôn là mục tiêu hấp dẫn cho các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.

Hơn nữa tàu ngầm rất dễ bị tổn thương khi chúng ở trên mặt nước, khi vào hoặc ra khỏi cảng và đôi khi khi di chuyển một cách yên bình qua các tuyến đường biển đông đúc.

Trong thời gian này, khả năng cơ động của chúng bị tổn hại và thiếu khả năng phòng thủ tầm gần điển hình của tàu chiến mặt nước, được thiết kế để chống lại các mối đe dọa như máy bay không người lái, có lẽ vì vậy mà Nga đã trang bị một giải pháp tạm thời như trên.

Về phương tiện, tàu ngầm Tula lớp Delta-IV, còn gọi là Dự án 667BDRM Delfin - là loại tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân, được Hải quân Liên Xô và sau này là Hải quân Nga chế tạo cũng như vận hành.

Đây là một trong những lớp tàu ngầm tiên tiến nhất trong thành phần tác chiến của hạm đội Nga, được thiết kế để răn đe chiến lược và có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân.

Tàu ngầm Tula có lượng giãn nước khi lặn khoảng 18.200 tấn và lượng giãn nước khi nổi khoảng 11.700 tấn. Điều này khiến nó trở thành một trong những lớp tàu ngầm lớn hơn đang hoạt động.

Kích thước của lớp chiến hạm này cũng rất đáng kể, với chiều dài khoảng 167 mét, chiều rộng 11,7 mét và mớn nước 8,8 mét. Về đặc tính kỹ thuật, tàu ngầm Tula được trang bị hệ thống sonar, hệ thống tác chiến điện tử và hệ thống định vị tiên tiến.

"Con quái vật dưới lòng biển sâu" này có tốc độ tối đa 24 hải lý/giờ khi lặn và 14 hải lý/giờ khi nổi lên. Tàu ngầm có thể lặn tới độ sâu tối đa 400 mét và thời gian hoạt động liên tục 80 ngày.

Tàu ngầm Tula cần thủy thủ đoàn khoảng 135 người để hoạt động, bao gồm các sĩ quan chỉ huy, sĩ quan kỹ thuật và cả một số quân nhân nghĩa vụ, họ chịu trách nhiệm về mọi khía cạnh trên con tàu, bao gồm điều hướng, kiểm soát vũ khí và bảo trì.

Hệ thống động lực của tàu ngầm Tula là hạt nhân, gồm 2 lò phản ứng nước áp lực VM-4 và 2 turbine hơi nước dẫn động 2 trục. Điều này cho phép tàu ngầm có thể lặn dưới nước trong thời gian dài và di chuyển quãng đường xa mà không cần tiếp nhiên liệu.

Cuối cùng, tàu ngầm Tula là phương tiện tác chiến được trang bị vũ khí hạng nặng, đáng kể nhất là 16 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa R-29RMU Sineva, mỗi tên lửa có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân.

Ngoài ra, con tàu còn được trang bị 4 ống phóng ngư lôi 533 mm và mang theo nhiều loại ngư lôi, tên lửa chống hạm để tự vệ trước tàu chiến và tàu ngầm tấn công của đối phương.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tau-ngam-hat-nhan-delta-iv-gay-ngac-nhien-khi-doi-mu-sat-tren-thap-chi-huy-post570718.antd