Tàu hộ vệ tên lửa tàng hình Dự án 20386 Derzky đã bị Nga hủy bỏ

Tàu hộ vệ tên lửa tàng hình Dự án 20386 Derzky của Nga đã kết thúc như một chương trình nghiên cứu khoa học.

Nga đã quyết định kết thúc chương trình chế tạo tàu hộ vệ tên lửa tàng hình Dự án 20386 Derzky, sau 10 năm đầu tư mạnh mẽ nhưng không mang lại kết quả.

Dự án 20386 thực sự là quá trình hiện đại hóa tàu hộ vệ tên lửa Dự án 20380, bản thân con tàu đã được đặt đóng vào năm 2016 và chi phí của nó được ước tính vào thời điểm đó là khoảng 0,45 tỷ đô la (khoảng 30 tỷ rúp theo tỷ giá hối đoái khi đó).

"Việc chế tạo tàu hộ vệ tên lửa Dự án 20386 không được lên kế hoạch. Chương trình chế tạo chúng sẽ bị đóng lại", tờ TASS trích dẫn nguồn tin riêng trong ngành công nghiệp quân sự Nga cho biết.

Đáng chú ý là cách đây một thời gian đã xuất hiện thông tin cho biết con tàu cần phải thiết kế lại sau khi phát hiện ra quá nhiều sai sót, nhưng việc sửa chữa xem chừng là nhiệm vụ bất khả thi.

"Yếu tố mới lạ và chi phí cao của Dự án 20386" là trở ngại chính.

Cần nói thêm là bản thân Dự án 20386 Derzky, theo truyền thống, được giới chức quân sự Liên bang Nga gọi sản phẩm mang tính "đột phá" và "độc nhất vô nhị".

Nhưng thực tế con tàu chỉ ứng dụng công nghệ giảm phản xạ tín hiệu radar, trang bị động cơ turbine khí mới, số hóa các hệ thống kiểm soát và thông tin chiến đấu (BICS), đây là những thứ không còn xa lạ với thế giới.

Để biến chiếc Derzky thành một "tàu hộ vệ tàng hình", các kỹ sư đã lên kế hoạch sử dụng không chỉ các giải pháp phù hợp liên quan đến hình dạng của cấu trúc thượng tầng, mà còn chế tạo bằng vật liệu composite và sơn có đặc tính hấp thụ sóng vô tuyến.

Theo tuyên bố của nhà sản xuất, con tàu dài 136 mét này sẽ trông không khác gì một "chiếc thuyền đánh cá nhỏ" trên radar.

Chiếc Derzky lên kế hoạch sử dụng GTD M90FR - đây là bản sao dựa trên động cơ có xuất xứ từ SE NVKG Zorya - Mashproekt của Ukraine, vẫn được cung cấp cho đến năm 2014.

Và một "tính năng" khác của Dự án 20386 là thiết kế theo kiểu module, khi con tàu có thể được trang bị nhiều hệ thống vũ khí bổ sung khác nhau tùy theo nhu cầu.

Đối với BICS, thành phần chính - tổ hợp radar Zaslon bị xem như thất bại lớn, đây là sự tiếp nối sai lầm trên những chương trình trước kia - tàu hộ vệ tên lửa Dự án 20380 và 20385.

Ví dụ tiêu biểu là tất cả các tàu hộ tống đầu tiên của Dự án 20380 đều được trang bị radar Furke-2 và Monument-A, chúng không thể cung cấp tham số mục tiêu cho tổ hợp tên lửa phòng không Redut khi bắn ở cự ly vài chục km.

Sau đó Nga đã chế tạo 6 tàu hộ tống Dự án 20380 nâng cấp với hệ thống radar Zaslon. Họ bắt đầu cài đặt trên chiến hạm Dự án 20385 và muốn trang bị nó cho Dự án 20386.

Nhưng vụ kiện của Bộ Quốc phòng Liên bang Nga chống lại Công ty cổ phần Zaslon và việc ngừng cung cấp các tổ hợp radar mới cho thấy rõ ràng có điều gì đó không ổn đối với hệ thống này.

Nhưng toàn bộ vấn đề liên quan tới sự thất bại trong việc tạo ra một con tàu thế hệ mới thậm chí trông còn "hoành tráng" hơn nếu quay lại nơi tất cả bắt đầu.

Sau khi các tàu hộ vệ Dự án 20380 được trang bị kém với vũ khí chống hạm chính là tên lửa Kh-35, Nga đã tiến hành hiện đại hóa dưới dạng Dự án 20385 khi trang bị bệ phóng thẳng đứng tương thích tên lửa Kalibr và Oniks.

Nhưng cùng với thiết bị vô tuyến mới, việc chế tạo tàu hộ vệ Dự án 20385 với các bệ phóng thẳng đứng trở nên vô cùng khó khăn, tốn kém và tốn thời gian. Trên thực tế, mỗi con tàu cần đến 8 - 9 năm để hoàn thành.

Đó là lý do tại sao Dự án 20386 được yêu cầu phải rẻ và dễ chế tạo. Nhưng kết quả là Liên bang Nga phải chấm dứt chương trình khi hai yếu tố trên không đạt được.

Và cùng với đó, họ còn đang loay hoay với các tàu hộ vệ Dự án 20380 và 20385 đã bàn giao, cũng như những con tàu được đặt hàng đóng mới.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tau-ho-ve-ten-lua-tang-hinh-du-an-20386-derzky-da-bi-nga-huy-bo-post545169.antd