Tàu đổ bộ InSight của NASA phát hiện thiên thạch đâm vào Sao Hỏa

Hình minh họa tàu vũ trụ InSight với các thiết bị được triển khai trên bề mặt sao Hỏa. Nguồn: NASA

* Bức ảnh đầu tiên của James Webb về hình ảnh và quang phổ Sao Hỏa

Sao Hỏa, với bầu khí quyển mỏng và ở vị trí gần vành đai tiểu hành tinh của Hệ mặt trời, dễ bị thiên thạch tấn công hơn nhiều so với Trái Đất. Các nhà khoa học đang có được những hiểu biết đầy đủ hơn về đặc điểm này của Sao Hỏa với sự hỗ trợ từ tàu đổ bộ tự động InSight của Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA).

Các nhà nghiên cứu vừa cho biết InSight đã phát hiện các sóng địa chấn và sóng âm thanh từ những va chạm của 4 thiên thạch và sau đó tính toán vị trí của miệng hố mà chúng để lại.

Nhà địa vật lý hành tinh Bruce Banerdt của NASA cho biết các số đo địa chấn này cung cấp một công cụ hoàn toàn mới để nghiên cứu Sao Hỏa hay bất kỳ hành tinh nào khác mà chúng ta có thể đưa địa chấn kế đến.

Các thiên thạch mà InSight theo dõi nói trên gồm 1 thiên thạch rơi năm 2020 và 3 thiên thạch khác rơi năm 2021, ước tính nặng khoảng 200 kg với đường kinh khoảng 50 cm và để lại hố rộng 7,2m. Các thiên thạch này đã rơi cách vị trí của InSight từ 85 km đến 290 km.

Theo nhà khoa học hành tinh thuộc Đại học Brown, Ingrid Daubar, Sao Hỏa giống như Trái Đất, có khoảng 2 lần bị thiên thạch đâm vào bầu khí quyền. Tuy nhiên Trái Đất có bầu khí quyền dày hơn 100 lần bầu khí quyển Sao Hỏa nên thiên thạch thường vỡ và phân rã trong bầu khí quyển của Trái Đất, hiếm khi đến được bề mặt Trái Đất để tạo ra các hố. Trái lại, trên Sao Hỏa, mỗi năm có hàng trăm hố va chạm hình thành trên bề mặt hành tinh này.

Địa chấn kế của InSight ghi nhận Sao Hỏa có hoạt động địa chấn, phát hiện hơn 1.300 chấn động. Theo nghiên cứu đăng tải năm ngoái, các sóng địa chấn được InSight phát hiện đã giúp giải mã cấu trúc bên trong của Sao Hỏa, gồm các ước tính sơ bộ kích thước lõi kim loại lỏng của hành tinh này, độ dày của lớp vỏ và tính chất của lớp phủ bề mặt.

* Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) ngày 20/9 thông báo vị trí và độ nhạy hồng ngoại của kính viễn vọng James Webb đã ghi lại được những hình ảnh độc đáo về các hiện tượng xảy ra trong thời gian ngắn trên Sao Hỏa, như bão bụi, thời tiết và những thay đổi theo mùa.

Theo NASA, camera cận hồng ngoại của James Webb (NIRCam) chụp phần Sao Hỏa được Mặt Trời chiếu sáng và đối diện với kính viễn vọng vào ngày 5/9, từ vị trí cách "Hành tinh Đỏ" khoảng 1,6 triệu km. Hình ảnh mới cho thấy bán cầu Đông của Sao Hỏa ở các bước sóng hồng ngoại khác nhau.

Những hình ảnh mới có thể cung cấp cho các nhà khoa học cái nhìn độc đáo về Sao Hỏa, mang đến dữ liệu bổ sung bên cạnh những quan sát do robot ở bề mặt và tàu trên quỹ đạo gửi về. Các nhà thiên văn sẽ phân tích những đặc điểm của quang phổ cận hồng ngoại đầu tiên của sao Hỏa nhằm thu thập thêm thông tin về bề mặt và bầu khí quyển của hành tinh này.

Bức ảnh do NASA công bố cho thấy bên trái là bản đồ tham chiếu của bán cầu Đông do tàu Mars Global Surveyor chụp (tàu vũ trụ này dừng hoạt động vào năm 2006).

Phía trên bên phải là ảnh chụp của James Webb, thể hiện ánh sáng Mặt Trời phản chiếu trên bề mặt sao Hỏa và nhiều cấu trúc như hố trũng Huygens, đá núi lửa sẫm màu và lòng chảo Hellas - hố va chạm dài tới 2.000 km.

Hình ảnh phía dưới bên phải thể hiện sự phát nhiệt của sao Hỏa hay ánh sáng do Hành tinh Đỏ phát ra khi mất nhiệt. Các khu vực sáng nhất là những nơi ấm nhất.

Với kính viễn vọng James Webb, các nhà thiên văn cũng phát hiện ra rằng khi đi qua khí quyển Sao Hỏa, một phần ánh sáng nhiệt bị các phân tử CO2 hấp thụ. Hiện tượng này khiến lòng chảo Hellas có vẻ tối hơn.

Chuyên gia Geronimo Villanueva thuộc Trung tâm Bay Vũ trụ Goddard của NASA cho biết: "Lòng chảo Hellas có độ cao thấp hơn, do đó chịu áp suất không khí cao hơn. Áp suất cao hơn dẫn đến triệt tiêu sự phát nhiệt ở dải bước sóng này do hiệu ứng giãn nở áp suất. Việc phân tách những hiệu ứng cạnh tranh này trong dữ liệu mới sẽ rất thú vị".

Nhờ James Webb, các nhà khoa học cũng đã thu được quang phổ cận hồng ngoại đầu tiên của Sao Hỏa. Quang phổ cho thấy những khác biệt tinh tế hơn về độ sáng trên khắp "Hành tinh Đỏ," giúp giới khoa học hiểu thêm về bề mặt và khí quyển tại đây.

Phân tích sơ bộ đã hé lộ thông tin về những đám mây băng giá, bụi, các loại đá trên bề mặt và thành phần của khí quyển trong quang phổ. Ngoài ra, nhóm chuyên gia còn phát hiện dấu hiệu của nước, CO2 và CO. Là công trình hợp tác quốc tế giữa NASA, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) và Cơ quan Vũ trụ Canada, James Webb được đánh giá là kính viễn vọng có chất lượng cao nhất được phát triển cho đến nay và dự kiến sẽ hoạt động trong khoảng 20 năm.

NASA kỳ vọng rằng James Webb sẽ giúp tìm ra những thiên hà đầu tiên hình thành trong vũ trụ sơ khai, nhìn xuyên qua các đám mây bụi để khám phá quá trình các ngôi sao hình thành hệ hành tinh, đồng thời tìm ra sự khác biệt giữa các khu vực trên "Hành tinh Đỏ" và tìm kiếm các loại khí như methane và HCl trong khí quyển.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/286191/tau-do-bo-insight-cua-nasa-phat-hien-thien-thach-dam-vao-sao-hoa.html