Tàu cao tốc đầu tiên ở Đông Nam Á: 8 năm, 7,3 tỷ USD và 350km/h

Indonesia đã khai trương tuyến tàu cao tốc đầu tiên ở Đông Nam Á có thể đạt vận tốc lên tới 350 km/h, giúp kết nối giao thông vận tải giữa các thành phố lớn của nước này.

Tổng thống Joko Widodo thể hiện sự vui mừng và tự hào trước cột mốc lớn trong lĩnh vực giao thông vận tải của Indonesia. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Buổi lễ khánh thành ngày 1/10 có sự tham dự của Tổng thống Joko Widodo, Đệ nhất phu nhân Irana, các bộ trưởng nội các và một số đơn vị truyền thông.

Phát biểu khai mạc, ông Widodo bày tỏ niềm tự hào đối với chuyến tàu cao tốc đầu tiên ở Indonesia và Đông Nam Á có thể đạt vận tốc lên đến 350km/h, qua đó đánh dấu sự hiện đại hóa phương thức vận tải Indonesia.

Dự án tàu cao tốc Whoosh được xem là biểu trưng cho quan hệ song phương Indonesia-Trung Quốc và hứa hẹn mở ra cơ hội hợp tác mới cho hai bên. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Bộ trưởng Điều phối hàng hải và đầu tư Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan nhấn mạnh, với sự hợp tác đồng bộ giữa chính quyền các cấp, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, chính phủ Trung Quốc, dự án tàu cao tốc của Indonesia đã hoàn thành tốt đẹp và đi vào vận hành. Ngoài ra, Trung Quốc đã đồng ý chuyển giao công nghệ để trong tương lai, Jakarta có thể tự sản xuất các đoàn tàu cao tốc trong nước.

Tên chính thức của con tàu là Whoosh, trong tiếng Indonesia có nghĩa là nhanh chóng, hiệu quả và đáng tin cậy. Đáng chú ý, tàu chạy bằng điện và không phát thải carbon.

Con tàu có tổng cộng 8 toa với sức chứa lên đến 601 hành khách, được chia làm 3 hạng ghế gồm hạng nhất, hạng hai và hạng VIP. Tất cả các toa đều được lắp đặt đầy đủ wifi và ổ cắm USB. Từ ngày 3/10-16/10, hệ thống tàu sẽ đi vào vận hành và hành khách được phát vé miễn phí. Từ ngày 17/10 trở đi, người dân mới bắt đầu phải mua vé.

Tuyến đường sắt kéo dài 86 dặm (138km) và chỉ mất 1 giờ đồng hồ để di chuyển từ ga Halim ở Đông Jakarta tới ga Padalarang của thành phố Tây Bandung, Tây Java. Qua đó, tuyến đường sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động giao lưu nhân dân và phát triển các lĩnh vực quan trọng như thương mại, du lịch, giáo dục.

Nhiều người dân Indonesia háo hức tham gia trải nghiệm hành trình trên con tàu cao tốc nhanh nhất Đông Nam Á. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Là một phần trong Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) của Trung Quốc, dự án trị giá 7,3 tỷ USD được chính phủ hai bên ký kết vào năm 2015 và tiến hành xây dựng vào cuối năm đó, dự kiến hoàn thành vào năm 2019.

Tuy nhiên, do phải đối mặt với nhiều vấn đề, từ tranh chấp thu hồi đất, môi trường cho tới đại dịch Covid-19, dự án đã bị trì hoãn. Chi phí dự án đã tăng vọt từ 66,7 nghìn tỷ Rupiah (4,3 tỷ USD) lên 113 nghìn tỷ Rupiah (7,3 tỷ USD).

Công ty liên doanh nhà nước PT Kereta Cepat Indonesia Trung Quốc (PT KCIC) chịu trách nhiệm thi công dự án. Công ty đã áp dụng nhiều công nghệ nhằm giúp con tàu thích nghi với khí hậu nhiệt đới của Indonesia và có khả năng ứng phó với tình trạng khẩn cấp như động đất, lũ lụt. Do đó, đây có thể được xem như một thành tựu hợp tác nổi bật trong quan hệ Indonesia-Trung Quốc.

WHOOSH gây ấn tượng với thiết kế gọn gàng và sang trọng, mang lại cảm giác vừa an toàn vừa phấn khích cho hành khách. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Theo thông tin từ truyền thông nhà nước Trung Quốc, Indonesia và Trung Quốc đang đàm phán để mở rộng tuyến đường sắt tới thành phố Surabaya, tỉnh Đông Java. Theo đó, con tàu sẽ đi qua các thành phố lớn khác như Semarang, Yogyakarta.

Trung Quốc là một trong những nhà đầu tư lớn cho các nước Đông Nam Á. Bên cạnh Indonesia, Bắc Kinh cũng hợp tác với Lào nhằm thi công tuyến đường sắt bán cao tốc nối liền hai đất nước. Dự án đã hoàn thành vào tháng 12/2021.

Con tàu có tốc độ lên tới 160 km/h chạy trên tuyến đường dài 1.035 km (643 dặm) và giúp Vientiane kết nối vận tải với thành phố Côn Minh phía Đông Nam Trung Quốc.

(theo CNN, Tân Hoa xã)

Xuân Sơn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ta-u-cao-to-c-dau-tien-o-dong-nam-a-8-nam-73-ty-usd-va-350kmhh-244646.html