Tắt đèn một giờ, tiết kiệm gần 860 triệu đồng | Hà Nội tin mỗi chiều

Tắt đèn một giờ, tiết kiệm gần 860 triệu đồng; Hà Nội yêu cầu các trường không thu phí giữ chỗ vào lớp 10; Đề xuất học sinh, sinh viên làm thêm không quá 20 giờ/tuần… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Tắt đèn một giờ, tiết kiệm gần 860 triệu đồng

Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cho biết, sau một giờ tắt đèn hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2024 từ 20h30 đến 21h30 tối qua, cả nước đã tiết kiệm được sản lượng điện là 428.000 kWh - tương đương số tiền khoảng gần 860 triệu đồng.

Giờ Trái đất là một trong những sự kiện thường niên toàn cầu về bảo vệ môi trường với sự hưởng ứng của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Bắt đầu tại thành phố Sydney - Australia vào năm 2007 với hơn 2 triệu người tham gia, đến nay đã có gần 200 quốc gia/vùng lãnh thổ cùng hàng tỷ người trên thế giới hưởng ứng. Việt Nam tổ chức chương trình Giờ Trái đất từ năm 2009. Thông qua sự kiện, ban tổ chức mong muốn người dân hình thành thói quen tiết kiệm điện thà, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.

Áp lực thiếu điện đã được cảnh báo trong vài năm trở lại đây. Việc thiếu điện diện rộng ở khu vực miền Bắc đã xảy ra trong thời gian cao điểm mùa khô đầu tháng 6/2023 - với hàng loạt khó khăn cùng lúc như: nguồn thủy điện thiếu nước do khô hạn, nhiệt điện than chưa đáp ứng đủ nguồn năng lượng sơ cấp, một số tổ máy nhiệt điện công suất lớn gặp sự cố do phải huy động liên tục trong một khoảng thời gian dài và năng lực truyền tải điện còn hạn chế.

Giờ Trái đất năm 2024 tại Việt Nam diễn ra với thông điệp "Tiết kiệm điện – Thành thói quen". Ảnh: TTXVN

Ở Việt Nam, trong nhiều thời điểm để đảm bảo cung cấp điện cho sản xuất và đời sống, nguồn điện khai thác từ nhiệt điện than đã chiếm tới hơn 50% sản lượng điện tiêu thụ của toàn hệ thống điện. Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công Thương vừa đưa ra số liệu trong việc phát thải khí nhà kính của quốc gia, năm 2020 lĩnh vực năng lượng đóng góp khoảng 70% tổng phát thải khí nhà kính. Theo kịch bản phát triển thông thường thì tỷ trọng này có thể lên đến 80% vào năm 2030. Nếu chúng ta không có những hành động quyết liệt để giảm mức phát thải khí nhà kính sẽ không thể đạt được mục tiêu về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26. Trong các giải pháp để giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng ngoài phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng.

Dự báo, năm 2024 và các năm tới đây căng thẳng nguồn cung ứng điện vẫn tiếp tục diễn ra, nhất là vào các tháng cao điểm mùa khô ở khu vực miền Bắc. Nhiều công trình nguồn điện, lưới điện đang được gấp rút triển khai khi Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt. Trong bối cảnh đó, nguồn điện có được từ sử dụng hiệu quả và tiết kiệm là vô cùng quý giá.

Theo phân tích của chuyên gia năng lượng tiềm năng tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện ở nước ta còn rất lớn do là nước đang phát triển, trình độ công nghệ của nhiều lĩnh vực công nghiệp chưa cao, tiêu dùng năng lượng đặc biệt là tiêu dùng điện năng lớn. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một quá trình liên tục và lâu dài, đòi hỏi có những chính sách thực thi hiệu quả, tránh sự đứt gãy, gián đoạn. Phải coi công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chính là đảm bảo an ninh năng lượng cũng như góp phần bảo đảm cung ứng đủ năng lượng cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

Hà Nội yêu cầu các trường không thu phí giữ chỗ vào lớp 10

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã lên tiếng về việc nhiều trường thu phí ghi danh, mà có thể hiểu là phí đặt cọc hoặc giữ chỗ của học sinh vào lớp 10. Việc này xảy ra khi hiện nay, các trường dân lập, tư thục bắt đầu tuyển sinh và yêu cầu phụ huynh phải nộp khoản phí lên tới vài chục triệu đồng.

Theo thống kê sơ bộ của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, số học sinh lớp 9 trên địa bàn thành phố tham gia xét công nhận tốt nghiệp THCS năm học 2023 - 2024 khoảng 135.000 học sinh, tăng 5.000 học sinh so với năm học trước. Trong những năm qua, Hà Nội luôn có tình trạng căng thẳng trong tuyển sinh đầu cấp nhất là vào lớp 10. Vì hệ thống công lập chỉ đáp ứng nhu cầu học công lập cho trên 60% học sinh, do đó nhiều gia đình phải cho con học tư thục. Tuy nhiên, những năm gần đây để có chỗ học tư thục, nhiều phụ huynh phải xếp hàng để đăng ký học cho con và phải nộp tiền giữ chỗ.

Ảnh minh họa: Quỳnh Trang

Theo quy định của nhiều trường dân lập, tư thục, thí sinh khi trúng tuyển vào lớp 10 của trường, nếu xác nhận nhập học thì phải nộp luôn phí giữ chỗ. Mức phí này nếu ít là 2 triệu đồng, thậm chí có trường thu lên tới 23 triệu đồng. Nếu học sinh nộp phí giữ chỗ mà sau không học, hầu hết đều không được trả lại. Theo lý giải của các trường dân lập, tư thục việc yêu cầu đặt cọc là để các gia đình có trách nhiệm với lựa chọn của mình, hạn chế tỷ lệ trúng tuyển ảo. Trường sớm chốt được số lượng tuyển sinh thì mới đảm bảo cơ sở vật chất, nhân lực. Tuy nhiên, việc các trường thu phí tới vài chục triệu đồng là không phù hợp.

Ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Giám đốc sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội cho biết, Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội đã có văn bản gửi các đơn vị liên quan yêu cầu nghiêm túc thực hiện công tác tuyển sinh mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10 năm học 2024-2025 trên địa bàn thành phố. Sở yêu cầu các cơ sở giáo dục không thu (giữ) hồ sơ của học sinh nếu học sinh không có nguyện vọng theo học tại trường; không được yêu cầu học sinh hoặc cha mẹ học sinh nộp tiền giữ chỗ hay bất cứ khoản thu nào khác không đúng quy định gây khó khăn, bức xúc cho học sinh, cha mẹ học sinh và dư luận xã hội. Để triển khai công tác tuyển sinh bảo đảm nghiêm túc, công bằng, khách quan, minh bạch và đúng quy chế, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ phối hợp các đơn vị liên quan, UBND quận, huyện, thị xã tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.

Đề xuất học sinh, sinh viên làm thêm không quá 20 giờ/tuần

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến dư luận về dự thảo đề xuất quản lý việc làm bán thời gian của học sinh, sinh viên. Cụ thể, học sinh, sinh viên đủ tuổi lao động (tức đủ 15 tuổi trở lên) được làm việc bán thời gian nhưng không quá 20 giờ mỗi tuần trong kỳ học, không quá 48 giờ một tuần trong kỳ nghỉ. Dự thảo chỉ đưa ra giới hạn về giờ làm việc theo tuần, nếu áp dụng quy định làm việc 5 ngày mỗi tuần, trung bình các em được làm 4 tiếng mỗi ngày.

Ở Việt Nam chưa có nghiên cứu nào trên quy mô cả nước về việc học sinh, sinh viên làm thêm. Tuy nhiên, một số đề tài khảo sát ở cấp trường đại học cho thấy 70-80% sinh viên đang hoặc từng đi làm thêm. Với nhiều ngành nghề đa dạng như chạy xe ôm công nghệ, bán hàng online hoặc trong các cơ sở sản xuất kinh doanh du lịch, nhà hàng, khách sạn. Hiện nay, trên thế giới nhiều nước cũng quy định thời gian sinh viên, du học sinh được làm thêm. Tại Hàn Quốc, sinh viên chỉ được làm thêm 20 giờ/tuần. Ở Nhật Bản, học sinh, sinh viên chỉ được phép làm thêm từ 28 tiếng/tuần trở xuống. Đối với các kỳ nghỉ sẽ được phép làm nhiều giờ hơn khi có sự cho phép từ phía nhà trường, thường lên tới 40 giờ/tuần. Còn tại Austrailia, từ 1/7/2023 nước này tăng thời gian làm thêm cho học sinh, sinh viên lên 48 tiếng/2 tuần.

Ảnh minh họa

Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư Hà Nội, Bộ luật Lao động hiện hành quy định rất cụ thể về tiêu chuẩn lao động; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động. Nhưng những quy định này phần lớn là liên quan đến người lao động làm chính thức. Còn đối với lao động thời vụ thì chưa có quy định đầy đủ, cụ thể để đảm bảo quyền của người lao động nhất là những lao động là sinh viên đi làm thêm. Vấn đề sinh viên đi làm thêm gần như chưa có quy định cụ thể, trong khi nhu cầu làm thêm của sinh viên là tự phát nên cũng đồng nghĩa với việc quản lý thời gian và công việc làm thêm của các em hiện gần như đang bỏ ngỏ. Đây là những điểm bất lợi với sinh viên khi có tranh chấp lao động. Vì không có quy định cụ thể về việc sinh viên đi làm thêm dẫn tới xảy ra tranh chấp, khiếu kiện, gần như nhà trường đứng ngoài cuộc vì không quy định. Nhà trường không quản lý sinh viên đi làm thêm dẫn tới có những sinh viên mải mê làm thêm sao nhãng học hành.

Chính vì vậy cần có những quy định riêng về việc sinh viên đi làm thêm để xác định được trường hợp nào được đi làm thêm, trường hợp nào hạn chế đi làm thêm và mối quan hệ lao động giữa sinh viên với người chủ lao động như thế nào? Để quản lý, đảm bảo an toàn quyền lợi cho sinh viên khi đi làm thêm rất cần có những quy định cụ thể. Các trường đại học có những hướng nghiệp định hướng, hướng dẫn kỹ năng nhận diện những rủi ro gặp phải khi đi làm. Các tổ chức xã hội cần tạo ra nhiều loại hình tín dụng học tập cho sinh viên với lãi suất thấp nhất có thể. Khi đó, các sinh viên khó khăn có thể vay từ các quỹ tín dụng này để trang trải cho cuộc sống và việc học tập./.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/tat-den-mot-gio-tiet-kiem-gan-860-trieu-dong-ha-noi-tin-moi-chieu-228172.htm