Tập trung triển khai các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng

Chiều 5/5, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quản lý, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) năm 2023 và 4 tháng năm 2024. Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum. Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành T.Ư. Đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì tại điểm cầu Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Đồng chí Nguyễn Văn Thi, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.

Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và PCCCR luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Chủ trương, chính sách đối với công tác PCCCR tiếp tục được củng cố, tăng cường. Nhận thức về vai trò của rừng trong đời sống xã hội, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng của chính quyền các cấp, ngành và toàn xã hội ngày càng được nâng cao.

Đồng chí Trần Lưu Quang kết luận hội nghị.

Năm 2023, cơ quan chức năng đã phát hiện 3.327 vụ vi phạm ảnh hưởng đến rừng trên phạm vi cả nước, giảm 597 vụ so với năm 2022. Diện tích rừng bị tác động gần 1.048 ha. 4 tháng năm 2024, các cơ quan chức năng phát hiện 650 vụ phá rừng, diện tích bị tác động hơn 182 ha, giảm 75,7 ha so cùng kỳ năm trước. Các vụ phá rừng chủ yếu diễn ra tại vùng Tây Nguyên, miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ.

Nhìn chung, số vụ vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng đã giảm dần qua các năm song vẫn tiềm ẩn phức tạp. Việc chặt phá, khai thác rừng trái phép, cháy rừng, xâm lấn rừng, chống người thi hành công vụ còn xảy ra nghiêm trọng ở một số địa phương.

Nguyên nhân chủ yếu là nhu cầu lấy đất sản xuất nông nghiệp, tập quán du canh, nhu cầu khai thác gỗ làm nhà... của người dân. Diện tích rừng bị phá chủ yếu là rừng chưa được Nhà nước giao, cho thuê đang do UBND cấp xã quản lý; một số diện tích do các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ quản lý.

Quang cảnh tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.

Liên quan đến công tác PCCCR, năm 2023, cả nước xảy ra 310 vụ, diện tích rừng bị ảnh hưởng 674,5 ha. 4 tháng năm 2024, cả nước xảy ra 89 vụ cháy rừng với diện tích bị ảnh hưởng khoảng 498 ha, chủ yếu là rừng trồng, rừng tự nhiên nghèo và rừng non phục hồi, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm 2023.

Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nền nhiệt và số ngày nắng nóng cao hơn trung bình nhiều năm, nhất là trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 4, cộng với sự bất cẩn của người dân khi đốt nương làm rẫy, sử dụng lửa trong rừng, gần rừng dẫn đến các vụ cháy rừng.

Tại tỉnh Bắc Giang, từ năm 2023 đến nay xảy ra 23 vụ phá rừng, diện tích thiệt hại 22,4 ha; có 8 vụ cháy rừng, làm thiệt hại hơn 13,7 ha.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu nêu bài học kinh nghiệm, khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp phát huy hiệu quả đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng như: Thực hiện tốt việc giao, cho thuê rừng gắn với chính sách phát triển nông, lâm nghiệp dưới tán rừng; xây dựng, củng cố bộ máy quản lý, bảo vệ rừng đủ mạnh để thực hiện các nhiệm vụ được giao; tổ chức rà soát và giải quyết đất ở, đất sản xuất, chú trọng đào tạo nghề cho người dân; quan tâm bổ sung biên chế và chế độ ưu đãi đối với lực lượng bảo vệ rừng; ban hành hướng dẫn cụ thể về cơ chế mua bán, sử dụng nguồn kinh phí thu được từ bán tín chỉ Carbon; phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng…

Kết luận hội nghị, đồng chí Trần Lưu Quang đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách lâm nghiệp trên cơ sở Luật Lâm nghiệp để nâng cao năng lực về quản lý, bảo vệ và PCCCR, đáp ứng yêu cầu phát triển lâm nghiệp bền vững; nghiên cứu, xây dựng chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp đối với đội ngũ kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng.

Xây dựng cơ chế, chính sách để tạo điều kiện và khuyến khích sự tham gia của các cá nhân, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội trong quản lý, bảo vệ và PCCCR. Xây dựng các định mức kinh tế - kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình kỹ thuật trong quản lý, bảo vệ, PCCCR.

Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản liên quan đến công tác PCCCR. Tăng cường kiểm tra, giám sát quản lý, bảo vệ, PCCCR; chỉ đạo các địa phương phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi chặt phá, khai thác rừng trái pháp luật. Quyết liệt, tập trung xử lý các điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng, nhất là tại các khu vực giáp ranh.

Duy trì ứng trực PCCCR 24/24 giờ tại cục kiểm lâm và chi cục kiểm lâm vùng; thường xuyên dự báo, cảnh báo về nguy cơ cháy rừng... để các địa phương, chủ rừng xác minh, phát hiện sớm cháy rừng. Chỉ đạo cục kiểm lâm, chi cục kiểm lâm các vùng tiếp tục tăng cường nhân lực, trang thiết bị PCCC sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khi có cháy rừng lớn xảy ra.

Các tỉnh, TP chỉ đạo cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng; ngăn chặn hành vi phá, khai thác rừng trái pháp luật; xử lý nghiêm các vụ vi phạm pháp luật. Rà soát, điều chỉnh phương án PCCCR tại các địa phương cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng; tạm thời ngừng các hoạt động đốt nương làm rẫy trong những thời điểm, khu vực có nguy cơ cháy cao.

Chủ động và khẩn trương rà soát kế hoạch, phương án PCCCR tại địa phương với phương châm “bốn tại chỗ”; bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí phục vụ công tác PCCCR.

Ứng dụng nền tảng chuyển đổi số quốc gia, công nghệ 4.0 để thực hiện giám sát, theo dõi diễn biến rừng. Sử dụng kết hợp các nền tảng công nghệ thông tin trong công tác giám sát, PCCCR tiến tới phát hiện sớm diện tích rừng bị mất, suy thoái, cháy cũng như cảnh báo nguy cơ cháy rừng… Ngoài ngân sách T.Ư, các địa phương cần quan tâm chăm lo hơn nữa đến đời sống của lực lượng quản lý, bảo vệ rừng.

Liên quan đến một số kiến nghị, đề xuất tại hội nghị, đồng chí Trần Lưu Quang giao các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ quyết định trong thời gian tới.

Tin, ảnh: Nguyễn Hưởng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/tap-trung-trien-khai-cac-bien-phap-quan-ly-bao-ve-rung-171051.bbg