Tập trung thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, sự phối hợp của các ngành và sự nỗ lực của Nhân dân, những năm qua, công tác dân tộc, chính sách dân tộc ở Quảng Trị được triển khai thực hiện tích cực và đạt được nhiều kết quả. Thông qua các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển, xây dựng công trình hạ tầng, an sinh, văn hóa, xã hội đã góp phần nâng cao đời sống, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, thúc đẩy phát triển KT - XH, giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở địa phương.

 Đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm hỗ trợ sản xuất, nâng cao đời sống và xóa đói giảm nghèo bền vững - Ảnh: K.S

Đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm hỗ trợ sản xuất, nâng cao đời sống và xóa đói giảm nghèo bền vững - Ảnh: K.S

76 năm qua, từ Nha Dân tộc thiểu số đến Ủy ban Dân tộc theo những mô hình tổ chức và tên gọi khác nhau, cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc luôn được củng cố, kiện toàn bộ máy hoạt động từ trung ương đến địa phương. Tại Quảng Trị, cơ quan công tác dân tộc cũng trải qua nhiều tên gọi khác nhau như: Ban Chỉ đạo miền núi, Ban Cán sự miền Tây ở Hướng Hóa, Ban Dân tộc trực thuộc Tỉnh ủy Bình Trị Thiên và Ban Dân tộc, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh hiện nay.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hồ Thị Lệ Hà cho biết: “Ban Dân tộc tỉnh đã thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong việc ban hành các nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động về công tác dân tộc và chức năng quản lý nhà nước trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, dự án, chính sách hỗ trợ đầu tư ở vùng DTTS phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương như: Chương trình 135 phát triển KT - XH các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn từ năm 1998 đến nay; chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; thực thi các chính sách hỗ trợ đối với cộng đồng các dân tộc thiểu số về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, chính sách về định canh định cư, trợ giá, trợ cước, hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo vùng khó, chính sách về y tế, giáo dục và phát triển nguồn nhân lực vùng DTTS; đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động người dân vùng DTTS và miền núi; hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới; quan tâm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; thực hiện chính sách đối với người có uy tín; hỗ trợ đồng bào DTTS tiếp cận các ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và đời sống… Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp về công tác dân tộc và chính sách dân tộc nên vùng DTTS ở Quảng Trị ngày càng phát triển nhiều mặt”.

Hiện nay, Quảng Trị có 31 xã thuộc vùng đồng bào DTTS, trong đó có 28 xã khu vực III, 2 xã khu vực II, 1 xã khu vực I; 187 thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc khu vực I, II, III và xã miền núi có đồng bào DTTS sinh sống. Đến nay, kết cấu hạ tầng miền núi được xây dựng tương đối đồng bộ phục vụ tốt đời sống dân sinh và sản xuất. Tất cả các xã đều đã có đường ô tô đến trung tâm; hệ thống điện lưới, thông tin, nước sinh hoạt, công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng khá đầy đủ đến các bản làng. 100% xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; 100% xã có trường tiểu học, 75% xã có trường THCS, 38 trường đạt chuẩn quốc gia; tỉ lệ học sinh DTTS đúng độ tuổi bậc tiểu học đạt 95, bậc THCS đạt 96%; tỉ lệ xã có nhà văn hóa 40,4%; tỉ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt 88%.

Đời sống kinh tế hộ gia đình người đồng bào DTTS ổn định và phát triển, không còn tình trạng du canh, du cư, tỉ lệ giảm hộ nghèo hằng năm luôn đạt chỉ tiêu đề ra. Mô hình kinh tế trang trại, gia trại ngày càng được nhân rộng với quy mô khá, hình thành các vùng chuyên canh phát triển sản xuất hàng hóa. An sinh phúc lợi xã hội được đảm bảo về các mặt y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội. Những đổi thay đi lên ở vùng đồng bào DTTS, những kết quả đạt được trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực dân tộc đã được các cấp, các ngành ghi nhận, khen thưởng: Ban Dân tộc tỉnh vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều cờ thi đua, bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Chủ tịch UBND tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, vùng đồng bào DTTS còn gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế như: Cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ. Nguồn vốn đầu tư hằng năm không nhiều, chủ yếu dựa vào ngân sách trung ương, trong khi đó nhu cầu đầu tư trên địa bàn còn quá lớn. Hệ thống cơ sở hạ tầng mặc dù được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, phục vụ dân sinh trên địa bàn các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Thu nhập bình quân đầu người của đồng bào DTTS còn thấp hơn nhiều so với bình quân thu nhập của cả tỉnh. Tỉ lệ hộ nghèo DTTS chiếm 63,41% so với hộ nghèo toàn tỉnh. Một số thôn, xã vẫn còn thiếu nước sinh hoạt; bị ảnh hưởng nặng bởi thiên tai. Chất lượng giáo dục, y tế vùng đồng bào DTTS vẫn còn ở mức thấp so với mặt bằng chung của tỉnh. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS tuy được quan tâm nhưng chưa có sức lan tỏa, có nguy cơ bị mai một...

Bà Hồ Thị Lệ Hà cho biết thêm: “Để từng bước nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tập trung thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Phát triển kết cấu hạ tầng cơ bản phục vụ sản xuất và dân sinh, trong đó ưu tiên kết nối các tuyến đường giao thông từ trung tâm xã đến thôn bản, tuyến đường liên kết với vùng sản xuất nông, lâm nghiệp. Duy tu, bảo dưỡng và khai thác tốt công năng sử dụng các công trình nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế... đáp ứng nhu cầu cơ bản về sản xuất và sinh hoạt cho người dân. Tuyên truyền, vận động, phát triển nguồn nội lực từ mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng thôn, bản bằng những việc làm cụ thể thiết thực, tạo hiệu ứng lan tỏa từ những nhân tố điển hình, mô hình điểm trong thực hiện đồng thời 3 chương trình mục tiêu quốc gia:

Phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào DTTS; giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, chính sách bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, tập quán, tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS. Phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng DTTS. Làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc. Thực hiện có hiệu quả các hoạt động đối ngoại, tập trung huy động nguồn vốn ODA, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế để hỗ trợ phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Kô Kăn Sương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=166901&title=tap-trung-thuc-hien-co-hieu-qua-chinh-sach-dan-toc