Tập trung phòng, trừ bệnh đạo ôn lúa

Khoảng 2 tuần gần đây, các trà lúa xuân xuất hiện nhiều loại bệnh và sinh vật gây hại, nhất là bệnh đạo ôn lá. Nếu bệnh đạo ôn lá phát triển mạnh, bùng phát trên diện rộng ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa. Vì vậy, ngành chuyên môn khuyến cáo, bà con nông dân cần triển khai ngay các biện pháp phòng, trừ trước khi cây lúa chuyển sang giai đoạn làm đòng, trổ bông.

Các trà lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ, đứng cái, làm đòng, tuy nhiên thời tiết diễn biến bất thường, dông kèm mưa đá, mưa phùn độ ẩm không khí cao tạo điều kiện thuận lợi để bệnh đạo ôn lá phát triển nhanh, gây hại trên nhiều diện tích lúa xuân. Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Trưởng phòng Bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, qua kiểm tra bệnh đạo ôn đã phát sinh và gây hại rải rác trên một số giống nhiễm như: BC 15, TBR 225, HT 1, Thiên ưu 8, J02, nếp... tập trung tại 2 huyện Yên Sơn và Lâm Bình, tỷ lệ bệnh nơi cao từ 8 - 10% số lá, cấp 1.

Anh Lương Văn Chi, cán bộ khuyến nông xã Lang Quán (Yên Sơn) hướng dẫnngười dân thôn 7 phòng trừ bệnh đạo ôn lúa.

Cánh đồng thôn 9, xã Lang Quán (Yên Sơn) có một số diện tích lúa xuân của bà con lá đỏ và lụi dần vì bệnh đạo ôn. Ông Lương Văn Đức, thôn 9 cho biết, gia đình có hơn 1 sào lúa, 1 tuần trước thăm đồng thấy lốm đốm những vết bệnh đạo ôn trên lá. Do gia đình có việc bận nên chậm phun khiến bệnh lan rộng, gây hại nặng. Giáp với ruộng gia đình ông Đức, thửa ruộng gia đình bà Lương Thị Cần lại không bị ảnh hưởng nhiều do bệnh đạo ôn. Bà Cần lý giải, bà thường xuyên thăm đồng khi phát hiện dấu hiệu bệnh là bà Cần cắt bỏ lá lúa nhiễm bệnh đồng thời thực hiện phun trừ bằng thuốc đặc trị, giữ ổn định mực nước trong ruộng nên cây lúa phát triển tốt, phòng, tránh được sâu bệnh.

Chị Lê Diệu Thúy, nhân viên khuyến nông huyện phụ trách xã Lang Quán (Yên Sơn) cho biết, nhiều năm trở lại đây lúa xuân trên cánh đồng thôn 9 thường bị nhiễm bệnh đạo ôn. Nguyên nhân là do mầm mống bệnh tồn tại trong môi trường sản xuất, lưu trú tại nguồn nước, đất đai, cỏ dại, khó khăn về nguồn nước sản xuất nên khi gặp điều kiện thuận lợi bệnh phát sinh, gây hại. Để ngăn chặn, loại trừ mầm bệnh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện làm việc với UBND xã tuyên truyền, khuyến cáo bà con không được sử dụng giống lúa nhiễm như: BC15, TBR 225 để gieo cấy trên cánh đồng; hướng dẫn các hộ có diện tích đất canh tác khó khăn về nguồn nước sản xuất chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng màu để hạn chế thiệt hại. Tuy nhiên, người dân không thực hiện theo đúng khuyến cáo của đơn vị dẫn đến diện tích lúa bị nhiễm đạo ôn. Ngoài xã Lang Quán, trên địa bàn huyện Yên Sơn, cơ quan chuyên môn cũng đã ghi nhận bệnh đạo ôn xuất hiện rải rác trên cánh đồng các xã Trung Môn, Thắng Quân, Hoàng Khai...

Huyện Lâm Bình đã thống kê được gần 1 ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn ở 2 xã Lang Can và Bình An. Ông Nguyễn Cao Kỳ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện lo ngại, thời tiết âm u, số giờ nắng ít như hiện nay sẽ khó có thể kiểm soát được bệnh. Vụ xuân năm 2019, huyện Lâm Bình đã có 500 ha nhiễm bệnh đạo ôn, chiếm 50% diện tích lúa của huyện. Ông Kỳ khẳng định, để kiểm soát bệnh ở phạm vi hẹp, trung tâm đã cho cán bộ xuống cơ sở, đôn đốc bà con khoanh vùng, thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng trừ, quyết không để bệnh lan rộng.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, trong thời gian tới thời tiết tiếp tục có mưa nhỏ, mưa phùn, ẩm độ không khí cao, số giờ nắng ít là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh, gây hại mạnh trên lúa đứng cái, làm đòng và có nguy cơ lây lan trên diện rộng, đặc biệt là trên các giống nhiễm và những ruộng gieo cấy dày, bón nhiều đạm.

Nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh đạo ôn gây ra, bảo vệ diện tích, năng suất lúa xuân, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đề nghị các phòng chuyên môn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố; các xã, phường, thị trấn phân công cán bộ bám đồng ruộng theo dõi sát, dự tính, dự báo, thông báo dịch hại, các diễn biến, xu hướng phát sinh của bệnh đạo ôn; hướng dẫn bà con thực hiện các biện pháp phòng trừ bệnh sớm, khi phát hiện bệnh thực hiện khoanh vùng ngay và hướng dẫn nhân dân xử lý dứt điểm những diện tích bị nhiễm bệnh. Lưu ý, lúa ở giai đoạn đẻ nhánh - làm đòng, đứng cái cần chăm sóc kịp thời, bón phân N - P - K cân đối; bón đạm theo nhu cầu của cây, không bón quá nhiều hoặc bón muộn.

Đối với những ruộng đã bị đạo ôn lá gây hại dừng ngay bón đạm, không phun các chất kích thích sinh trưởng, phân bón lá và giữ mực nước ổn định trên ruộng, tránh để ruộng bị khô hạn khi bệnh xảy ra. Với những ruộng sử dụng các giống nhiễm, ruộng vụ trước, năm trước đã bị bệnh, ruộng bón thừa phân đạm… thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nếu bệnh xuất hiện cần tiến hành phun phòng bệnh đạo ôn. Khi phun thuốc phải đảm bảo nguyên tắc 4 đúng, nếu bệnh nặng tiến hành phun kép 2 lần, lần 2 cách lần 1 từ 5 đến 7 ngày.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/tap-trung-phong-tru-benh-dao-on-lua-130157.html