Tập trung phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm giết người

Để ngăn chặn tội phạm giết người, lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, gọi hỏi, răn đe các nhóm đối tượng thuộc diện quản lý.

Hiện trường một vụ án giết người. Ảnh T.N

Năm 2023, tội phạm giết người xảy ra 56 vụ, so với năm 2022 tăng 43%, trong đó 39 vụ do phát sinh mâu thuẫn trong sinh hoạt hằng ngày, thiếu kiềm chế như: hát karaoke di động làm ồn, mâu thuẫn khi sử dụng rượu bia, bênh vực người thân, mâu thuẫn khi đánh bạc; mâu thuẫn tình ái xảy ra 9 vụ; ảo giác do sử dụng ma túy 4 vụ…

Theo phân tích của cơ quan Công an, đối tượng phạm tội có độ tuổi từ 18 - 30 chiếm 51%; trên 30 tuổi chiếm 28% và dưới 18 tuổi là 21%. Về phương thức phạm tội, trường hợp sử dụng hung khí nguy hiểm (dao, rựa, mã tấu, hung khí tự chế) xâm hại tính mạng, sức khỏe của nạn nhân 50 vụ; sử dụng súng 2 vụ và sử dụng xăng để đốt 3 vụ…

Căn cứ vào tình hình thụ lý và xét xử tội phạm giết người, phía Tòa án nhân dân tỉnh cho rằng, tội phạm giết người mà nguyên nhân xã hội ngày càng tăng do ảnh hưởng của mặt trái nền kinh tế thị trường làm phát sinh những tiêu cực trong xã hội như game, phim ảnh bạo lực làm một bộ phận thanh thiếu niên bị ảnh hưởng; đạo đức xã hội của một bộ phận nhân dân xuống cấp; sử dụng rượu bia không kiểm soát, làm phát sinh mâu thuẫn, dẫn đến hành vi giết người bộc phát hoặc do mâu thuẫn từ trước.

Trên địa bàn thị xã Trảng Bàng, năm 2023, tội phạm giết người xảy ra 7 vụ. Cơ quan Cảnh sát điều tra thị xã thụ lý, khởi tố 7 vụ với 7 đối tượng. Qua theo dõi hầu hết các vụ án đã xảy ra, người phạm tội có trình độ văn hóa tương đối thấp ảnh hưởng đến nhận thức về pháp luật hạn chế và không kiềm chế được bản thân nên thực hiện hành vi phạm tội.

Để ngăn chặn tội phạm giết người, lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, gọi hỏi, răn đe các nhóm đối tượng thuộc diện quản lý; tiếp nhận, xác minh, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, không để tồn đọng, kéo dài gây bức xúc trong quần chúng.

Để góp phần ngăn ngừa tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội, MTTQ các cấp tập trung xây dựng nhiều mô hình về bảo đảm an ninh trật tự, như: “Phát huy vai trò của tôn giáo, dân tộc trong vận động chức sắc, chức việc, tín đồ, người uy tín đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng chống tội phạm, ma túy”; “Tổ tự quản về an ninh trật tự”; “Cà phê pháp luật”; “Nhà trọ văn minh, không có tội phạm, không có tệ nạn xã hội”… Việc thực hiện các mô hình đã từng bước nâng cao nhận thức của người dân, vận động tham gia tố giác, truy bắt tội phạm, giữ an ninh trật tự ở địa phương.

Hoạt động hòa giải ở cơ sở được nâng cao về chất lượng, tổ chức và hoạt động hiệu quả. Riêng năm 2023, MTTQ tham gia hòa giải thành 526 vụ mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân, kịp thời giải quyết các tranh chấp nhỏ, góp phần duy trì, gắn kết tình làng nghĩa xóm, hạn chế hành vi giết người.

Lực lượng chức năng tăng cường hoạt động tuần tra, bảo đảm an ninh trên địa bàn.

Dự báo tình hình kinh tế - xã hội còn khó khăn, nạn thất nghiệp, áp lực kinh tế phát sinh mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân, đáng chú ý là mâu thuẫn láng giềng, tình cảm, vay mượn tiền không có khả năng chi trả, tệ nạn ma túy còn phức tạp, số lượng người sử dụng trái phép chất ma túy ở mức độ cao, một số có biểu hiện loạn thần, ngáo đá nếu không quản lý chặt sẽ tiềm ẩn nguy cơ xảy ra án giết người.

Mâu thuẫn tình cảm, ghen tuông tình ái cũng đáng báo động trước thực trạng ly hôn hiện nay. Tình trạng thanh thiếu niên bỏ học, bị ảnh hưởng các trang mạng xã hội, hay tụ tập làm phát sinh mâu thuẫn giữa các nhóm, thích thể hiện bản thân bằng bạo lực ngày càng phổ biến...

Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở xã, phường, thị trấn tập trung nắm tình hình, làm tốt công tác hòa giải từ ban đầu. Các đơn vị tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức cho người dân; phối hợp gia đình quản lý, giáo dục con em, thanh thiếu niên tránh tụ tập, uống rượu bia gây rối trật tự công cộng phát sinh mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau gây thương tích hoặc giết người.

Công an xã, phường, thị trấn làm tốt việc nắm tình hình địa bàn, rà soát, quản lý đối tượng có tiền án, tiền sự liên quan đến gây rối, xâm hại về nhân thân, liên quan đến tệ nạn xã hội (ma túy, mê tín dị đoan) để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ quản lý, phòng ngừa chung.

An Đông

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/tap-trung-phong-ngua-dau-tranh-co-hieu-qua-voi-toi-pham-giet-nguoi-a171730.html