Tập trung ôn tập và phòng dịch Covid-19 trước mùa thi

Tháng 6 tới đây sẽ diễn ra hai kỳ thi lớn là tuyển sinh lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT. Thời gian này, công tác ôn tập và phòng dịch Covid-19 đang được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tích cực triển khai.

Ưu tiên học sinh cuối cấp

Toàn tỉnh hiện có 26,3 nghìn học sinh lớp 9 và 20,8 nghìn học sinh lớp 12. Theo kế hoạch, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024 diễn ra vào ngày 3 và 4/6; kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tổ chức ngày 28 và 29/6. Đến nay, các trường THPT đã hoàn thành nội dung trọng tâm của chương trình. Tùy từng điều kiện mỗi nơi, các trường ưu tiên thời gian còn lại tổ chức ôn tập nhằm giúp các em hệ thống kiến thức, làm quen với các dạng câu hỏi và cấu trúc đề thi.

Giáo viên Trường THPT Ngô Sĩ Liên (TP Bắc Giang) hướng dẫn học trò lớp 12 A2 phương pháp làm bài thi môn Sinh học.

Trường THPT Ngô Sĩ Liên (TP Bắc Giang) năm học này có 534 học sinh lớp 12. Đa số có nguyện vọng sử dụng kết quả tốt nghiệp để dự tuyển vào trường đại học. Thầy giáo Lưu Văn Xuân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Phần lớn học sinh lớp 12 xác định mục tiêu tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học. Vì vậy, trong tháng 5 này, nhà trường tập trung cao cho công tác ôn tập, chú trọng hướng dẫn kỹ năng làm bài để giúp học trò đạt điểm cao. Trường sẽ tổ chức 2-3 lớp phụ đạo, bồi dưỡng kiến thức cho những trò có học lực trung bình”.

Tháng 3, Sở GD&ĐT tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT lần 1 dành cho học sinh lớp 12. Qua đây đã nhận diện được một số trường, môn học, lớp học có điểm trung bình các môn giảm so với năm trước. Ngay sau đó, ban giám hiệu các trường như: Trường THPT Yên Dũng số 1, THPT Phương Sơn (Lục Nam), THPT Nguyên Hồng (TP Bắc Giang), THPT Lục Ngạn số 3, THPT Việt Yên số 2… đã rút kinh nghiệm, bố trí lại giáo viên có kinh nghiệm phụ trách lớp. Các trường tạm gác lại kế hoạch sửa chữa cơ sở vật chất để không làm xáo trộn việc học tập. Ưu tiên bố trí lớp 12 học tại phòng có đầy đủ máy tính, máy chiếu, điều hòa, ánh sáng, ti vi có kết nối Internet...

Đối với các trường THCS, bước vào giai đoạn nước rút chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, công tác ôn tập được tổ chức thành các nhóm lớp phù hợp với nguyện vọng của học sinh. Trường THCS Thái Đào (Lạng Giang) có 128 học sinh lớp 9. Nhà trường chia nhỏ thành nhiều nhóm lớp để tổ chức giảng dạy tập trung vào 3 môn thi là: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh.

"Cách làm này giúp giáo viên tập trung truyền đạt, củng cố kiến thức, kỹ năng làm các dạng bài tập nâng cao, đòi hỏi khả năng tư duy logic cho học sinh có nguyện vọng thi vào lớp 10 THPT công lập. Còn với học sinh có định hướng học nghề, mỗi lớp bố trí từ 15-20 em. Hoạt động giảng dạy chú trọng phần kiến thức cơ bản trọng tâm của chương trình", thầy giáo Nguyễn Mạnh Hải, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Dự phòng các phương án tổ chức thi

Ông Bạch Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, trong tháng 6 Bắc Giang tổ chức hai kỳ thi lớn, mỗi kỳ thi chỉ diễn ra 2 ngày (không kể ngày làm thủ tục và dự phòng) nên công tác chuẩn bị phải tính toán kỹ lưỡng. Các kỳ thi đều có kế hoạch chuẩn bị chi tiết, dự báo các tình huống có thể xảy ra và biện pháp xử lý.

Trong tháng 5, Sở GD&ĐT sẽ tổ chức thi thử lần 2 cho học sinh lớp 12 để đánh giá kết quả ôn tập của học sinh, giúp các em làm quen với phòng thi, địa điểm thi khi đã có số báo danh chính thức.

Từ đầu tháng 4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ coi thi đối với hiệu trưởng, giám đốc các cơ sở giáo dục trực thuộc, yêu cầu thực hiện tốt nội dung “3 không” (không lơ là, chủ quan; không tự ý xử lý tình huống, sự cố bất thường; không gây áp lực cho thí sinh), “4 đúng” (đúng quy chế, hướng dẫn thi; đúng và đủ quy trình; đúng vị trí nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm) và “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ hiệu quả).

Các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên, trường nghề có học sinh bậc THPT tổ chức cho giáo viên, học sinh lớp 12 nghiên cứu, học tập quy chế thi.

Bắc Giang có 57 trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên. Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, các trường đáp ứng tốt về cơ sở vật chất, an ninh trật tự, bảo đảm tổ chức các kỳ thi. Sở GD&ĐT sẽ rà soát, lựa chọn những nơi có điều kiện tốt nhất, có vị trí thuận lợi để đặt địa điểm tổ chức thi. Dự kiến sẽ huy động khoảng 40 trường với hơn 900 phòng thi.

Bước vào giai đoạn cao điểm ôn thi cho học sinh cuối cấp thì dịch Covid-19 xâm nhập vào một số trường học. Sở GD&ĐT đã nhanh chóng yêu cầu các trường tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch. Cụ thể như củng cố hệ thống y tế, phòng cách ly, bổ sung thuốc, hóa chất, test xét nghiệm Covid-19. Khi phát hiện học sinh có dấu hiệu ốm, sốt, mệt mỏi, giáo viên, học sinh thông tin ngay với nhân viên y tế để được kiểm tra sức khỏe.

Qua theo dõi các ca bệnh, hầu hết ở thể nhẹ, được điều trị tại nhà và trở lại trường sau 5-7 ngày điều trị. Tính đến cuối tháng 4, toàn tỉnh có 222 học sinh và 79 giáo viên mắc Covid-19. Trong đó có 7 học sinh lớp 9 và 44 học sinh lớp 12. Bộ Y tế dự báo dịch Covid-19 chưa kết thúc, vì vậy các nhà trường tiếp tục tuyên truyền việc đeo khẩu trang, khử khuẩn lớp học; hạn chế đi đến nơi đông người.

Thầy giáo Hoàng Văn Thục, Hiệu trưởng Trường THPT Thái Thuận (TP Bắc Giang) cho biết: "Giữa tháng 4, Trường có nhiều giáo viên, học sinh mắc Covid-19. Ngay khi phát hiện, Ban Giám hiệu thông báo với Trung tâm Y tế TP lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc toàn trường, thực hiện ngay việc cách ly điều trị với ca mắc; tổ chức dạy và học trực tuyến kết hợp trực tiếp. Sau một tuần, sức khỏe của giáo viên, học sinh ổn định và đã trở lại trường".

Từ kinh nghiệm trải qua các đợt dịch trước, ngành giáo dục Bắc Giang đã chuẩn bị các biện pháp ứng phó chuyển trạng thái dạy và học, tổ chức kỳ thi nếu dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Bài, ảnh: Hải Vân - Hoài Thu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/giao-duc/403970/tap-trung-on-tap-va-phong-dich-covid-19-truoc-mua-thi.html