Tập trung đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4.11.2013 của BCH T.Ư (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, chất lượng giáo dục, đào tạo của tỉnh ngày càng được nâng lên theo hướng toàn diện, thực chất, đóng góp quan trọng cho sự phát triển KT-XH của địa phương.

Chất lượng giáo dục các cấp học được khẳng định

Trường PTDTBT THCS Pố Lồ (Hoàng Su Phì) tổ chức các hoạt động ngoại khóa giúp trang bị thêm kỹ năng sống cho học sinh.

Với sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, ngành, sự nghiệp GD&ĐT ngày càng được đổi mới theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học, chất lượng các cấp học, bậc học được nâng lên rõ rệt. Tỉnh đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non đối với trẻ 5 tuổi vào năm 2015. Tính đến tháng 1.2023, tỷ lệ huy động trẻ 3 - 5 tuổi đi mẫu giáo đạt 98,38% (tăng 3,93% so với năm 2013); tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt 100% (tăng 0,72% so với năm 2013); tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi đi học lớp 1 đạt 99,88%.

Đối với giáo dục phổ thông, các trường học đã tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, định hướng nghề nghiệp cho học sinh; triển khai hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, văn hóa truyền thống, kỹ năng sống cho học sinh. Tỷ lệ thanh niên đạt trình độ giáo dục trung học phổ thông và tương đương năm 2020 là 82% (vượt chỉ tiêu Nghị quyết 29). Hình thành hệ thống giáo dục nghề nghiệp với nhiều phương thức và trình độ đào tạo kỹ năng nghề nghiệp theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động. Từ 2013 - 2023, đã đào tạo nghề cho 126.286 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo nâng từ 41% lên 56,6%.

Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT cũng tăng cường đổi mới các hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, giáo dục theo hướng phát triển năng lực của người học. Xây dựng hệ thống câu hỏi cho cả chương trình; trong kiểm tra chú trọng yêu cầu gắn lý thuyết với thực tiễn, vận dụng tích hợp nội dung các môn học trong mỗi đề kiểm tra, đánh giá, bảo đảm trung thực, khách quan. Kết quả tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2013 đạt 92,17%; đến năm 2022 đạt 94,45% (tăng 2,28%).

Hướng đến xây dựng xã hội học tập

Cùng với việc nâng cao chất lượng các cấp học, tỉnh đã hoàn thiện mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên và các hình thức học tập, thực hành phong phú, linh hoạt, tạo cơ hội để mọi người dân được nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn. Đến nay, 11/11 huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục - xóa mù chữ (đạt tỷ lệ 100%). Từ năm 2013 - 2023, số người trong độ tuổi 15 - 35 biết chữ đạt 97,87%; số người trong độ tuổi 15 - 60 biết chữ đạt 94,42%.

Hiện, trên địa bàn tỉnh có 11 cơ sở giáo dục thường xuyên; 193 trung tâm học tập cộng đồng ở 193 xã, phường, thị trấn. Hầu hết các trung tâm học tập cộng đồng đều có tủ sách với nhiều đầu sách phong phú, phục vụ nhu cầu tìm hiểu kiến thức của người dân; có máy tính, bàn ghế đầy đủ để mở các lớp tập huấn theo nhu cầu của người học. Các trung tâm học tập cộng đồng thường xuyên phối hợp tổ chức cho người dân tham gia học tập các chương trình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, khuyến công, kiến thức về pháp luật, các vấn đề về xã hội, sức khỏe, đời sống... Qua đó, giúp người dân nâng cao dân trí, biết vận dụng kiến thức vào lao động, sản xuất, tổ chức cuộc sống, xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, góp phần phát triển KT-XH, xây dựng Nông thôn mới; hướng người dân đến phong trào xã hội học tập và học tập suốt đời.

Đặc biệt, 10 năm qua, công tác xã hội hóa giáo dục được thực hiện hiệu quả, vận động được các tầng lớp nhân dân ủng hộ, đóng góp nguồn lực cho sự nghiệp giáo dục với tổng kinh phí trên 1.000 tỷ đồng. Nhờ đó, nhiều hạng mục, công trình của các cơ sở giáo dục được xây mới, cải tạo, sửa chữa; mua sắm trang thiết bị day học, đồ dùng, nhu yếu phẩm sinh hoạt cho học sinh; khen thưởng, động viên các tấm gương giáo viên, học sinh tiêu biểu, xuất sắc, các em học sinh nghèo vượt khó... Một số địa phương đã tích cực huy động nguồn lực xã hội hóa để phát triển các trường chất lượng cao như: Huyện Vị Xuyên vận động xã hội hóa mở rộng quy mô Trường THCS Lý Tự Trọng; huyện Quang Bình huy động đầu tư xây dựng Trường THCS Chu Văn An; huyện Xín Mần đầu tư xây dựng Trường THCS Liên Việt. Việc xây dựng các trường chất lượng cao nhằm góp phần xây dựng cơ sở giáo dục nòng cốt tại địa bàn với mục tiêu lớn nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương.

Có thể nói, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, sự nghiệp GD&ĐT tỉnh ta đã có những bước tiến quan trọng, chất lượng giáo dục ngày càng đổi mới theo hướng thực chất, hiệu quả. Qua đó, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương.

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202307/tap-trung-doi-moi-toan-dien-giao-duc-va-dao-tao-f000b2e/