Tập thể dục theo mốt

Nhiều người vốn dĩ không thích tập thể dục, nhưng lại sẵn sàng chạy theo các mốt luyện tập đang thịnh hành hoặc do người nổi tiếng giới thiệu.

“Thể dục giờ đây được xem như một sản phẩm tiêu dùng. Vì vậy, các quy tắc thị trường áp dụng cho việc luyện tập dường như nhiều hơn là các quy tắc về khoa học sức khỏe”, Natalia Mehlman Petrzela, giáo sư nghiên cứu lịch sử thể dục tại Đại học The New School (New York, Mỹ) nhận định.

Bà cho rằng xu hướng luyện tập thể dục luôn thay đổi chủ yếu là do nhu cầu tạo ra những sản phẩm và trải nghiệm mới lạ, hào nhoáng để người dùng chi tiền.

Sẽ luôn có một hình thức luyện tập mới thịnh hành, thay thế cho những bài tập trước đây.

“Chu kỳ làm mới liên tục này cũng như trong thời trang vậy”, Rina Raphael, một tác giả về lĩnh vực sức khỏe, nói với Vox.

Khoa học sức khỏe chậm chân hơn mốt tập luyện

Mehlman Petrzela giải thích rằng có những thay đổi trong việc luyện tập thể dục được định hướng bởi những nghiên cứu về khoa học sức khỏe.

Cụ thể, vào thập niên 60-70, cardio và thể dục nhịp điệu được khuyến khích luyện tập ở mọi lứa tuổi. Sau đó, vào những năm 1990, những bài luyện tập thể lực và cơ bắp được cho là tốt cho sức khỏe toàn diện.

Trong khi đó, trong vòng 20 năm trở lại đây, nhiều nghiên cứu được thực hiện về lợi ích của việc thực hành chánh niệm và thiền định. Tuy vậy, tốc độ phát triển của khoa học sức khỏe nhìn chung chậm hơn nhiều so với các hình thức tập luyện xuất hiện trên thị trường.

Nếu mục đích bạn luyện tập thể dục là để cải thiện và nâng cao sức khỏe, việc bạn chọn hình thức tập luyện nào cũng không có gì quá khác biệt. Bạn có thể tập trên máy chạy bộ hoặc khiêu vũ trong studio, chọn barre hoặc pilates cũng đều ổn như nhau.

“Vấn đề ở đây là các bài luyện tập được đóng gói dưới những hình thức khác nhau để mời chào người tập chi tiền”, Mehlman Petrzela nói.

 Hình thức luyện tập thể dục nào cũng có thể giúp bạn cải thiện và nâng cao sức khỏe. Ảnh minh họa: Kool Shooters/Pexels

Hình thức luyện tập thể dục nào cũng có thể giúp bạn cải thiện và nâng cao sức khỏe. Ảnh minh họa: Kool Shooters/Pexels

Các công ty và phòng tập liên tục cạnh tranh kinh doanh bằng các chiêu trò quảng cáo nhằm thu hút khách hàng. Vì vậy, đôi khi chúng ta thử những hình thức luyện tập mới nhất là do bị tiếp thị lôi kéo hơn là do chúng thực sự khác biệt hoặc đem lại lợi ích được khoa học khuyến nghị.

Người tập có những động cơ khác nhau để chạy theo các mốt luyện tập cũng sẽ có nhiều lý do để từ bỏ chúng. Họ cảm thấy chán và tìm đến những hình thức khác, hoặc nhận ra mình không thể theo đuổi một bài tập nào đó lâu dài…

Một vài xu hướng thể dục đang phổ biến

Sử dụng các thiết bị công nghệ (wearable tech)

..........................................................

Ngoài các dụng cụ tập thể dục, những người luyện tập dù chuyên nghiệp hay mới bắt đầu đang sử dụng ngày càng nhiều các thiết bị đeo công nghệ. Đây cũng là xu hướng đứng đầu trong khảo sát hàng năm của ACSM (Cao đẳng Y học Thể thao Mỹ) được công bố đầu năm nay.

Các thiết bị này bao gồm máy theo dõi tình trạng luyện tập, đồng hồ thông minh, máy theo dõi nhịp tim... thường được đeo ở tay.

Chúng thực hiện các chức năng như đếm số bước, đếm nhịp tim và hô hấp, lượng calo đốt cháy, thời gian ngồi và ngủ, huyết áp, độ bão hòa oxy, nhiệt độ cơ thể. Ngoài ra, công nghệ thể dục thông minh đang được tích hợp vào nhiều thiết bị khác như nhẫn hoặc tai nghe.

Nhờ các thiết bị này, người dùng dễ dàng thu thập các chỉ số sức khỏe quan trọng để thuận tiện thiết lập các mục tiêu ngắn hạn, dài hạn và theo dõi tiến trình luyện tập nhằm phát triển lối sống lành mạnh.

Thêm vào đó, bằng cách nhận thông báo theo thời gian thực về hoạt động thể chất, các thiết bị này cũng đóng vai trò như một nguồn động lực thúc đẩy người tập.

Tuy nhiên, các thiết bị này cũng có một số hạn chế nhất định.

Thứ nhất, dữ liệu không phải lúc nào cũng được đo lường chính xác do lỗi thiết kế hoặc sử dụng chưa đúng cách.

Điều này có thể khiến người dùng đọc sai thông tin, dẫn đến tình trạng vận động quá sức hoặc gặp các rủi ro sức khỏe khác, đặc biệt đối với những người mắc bệnh về tim mạch và hô hấp.

Bên cạnh đó các thiết bị thông minh thường có giá tương đối cao, đặc biệt khi đi kèm với các ứng dụng và chương trình phụ trợ khác để giúp tăng hiệu quả và độ chính xác.

Luyện tập cơ bắp (strength training)

..........................................................

Luyện tập thể lực, hay cụ thể hơn là tập trung phát triển sức mạnh cơ bắp, được nhiều người ưa chuộng vì giúp người tập cảm thấy dễ dàng hơn khi thực hiện các vận động hàng ngày.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những lợi ích của việc phát triển cơ bắp mạnh mẽ thông qua luyện tập thể lực như giúp giảm mỡ tăng cơ, giúp xương cứng chắc, giảm huyết áp, tăng cường trao đổi chất và sức khỏe tim mạch, cải thiện khả năng nhận thức...

Tùy thuộc vào mục tiêu, thể chất và sở thích, người tập có thể luyện tập thể lực dưới nhiều hình thức:

Luyện tập độc lập sử dụng trọng lượng cơ thể: với các bài tập như squat, plank, gập bụng, chống đẩy… phù hợp cho những người thường xuyên di chuyển, thích luyện tập tại nhà thay vì đến các phòng gym.
Luyện tập với các dụng cụ tạ (free weights): như tạ tay, tạ đòn, tạ chuông… Đây là hình thức tập luyện linh hoạt giúp tăng cơ với giá thành rẻ, phù hợp tập tại nhà, giúp tập cơ ổn định trước khi bắt đầu với máy tập
Luyện tập với máy tập: giúp tập trung vào các nhóm cơ nhất định theo mong muốn

Những bài tập này có thể gây chấn thương nếu luyện tập không đúng kỹ thuật, dùng sai dụng cụ, hay không có sự hướng dẫn của huấn luyện viên chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, không biết cách nghỉ ngơi có thể khiến những chấn thương nhỏ trở nên nặng hơn. Ngoài ra, một số bài tập nhất định có thể yêu cầu các điều kiện ban đầu về tim mạch.

Pilates

..........................................................

Pilates là một bài tập thể dục nhẹ nhàng tập trung vào hình thức và sự liên kết để tăng cường sức mạnh cũng như sự linh hoạt của cơ thể. Pilates có thể được thực hành trên thảm hoặc các máy tập kháng lực ở studio để hỗ trợ cột sống và tập trung cải thiện một số nhóm cơ cụ thể.

Nhiều năm trước, việc luyện tập pilates có xu hướng giảm sút. Tuy nhiên, kể từ đại dịch, các bài vận động nhẹ nhàng thúc đẩy sự kết nối giữa tâm trí và cơ thể được ưa chuộng và "hot" trở lại.

Bài tập khuyến khích người tham gia tập trung vào hơi thở và mối liên hệ giữa tâm trí và cơ thể, đồng thời chú ý đến khởi nguồn của các chuyển động cơ thể.

Pilates giúp tăng cường cơ bắp, cải thiện độ linh hoạt, cải thiện tư thế và cách hít thở. Nhiều nghiên cứu cho thấy pilates giúp người tập tăng độ bền bỉ và tính linh hoạt của cơ, giảm các cơn đau mãn tính, cũng như giảm lo âu và trầm cảm.

Tuy nhiên, pilates không phù hợp cho mục đích tăng sức bền và giảm cân, vì vậy cần kết hợp cùng các bài tập giúp cải thiện sức khỏe tim mạch khác như cardio.

Bên cạnh đó, đây cũng là bộ môn đòi hỏi sự tập trung và tính chính xác cao độ, nếu tập sai kỹ thuật và không kiểm soát tốt sức mạnh có thể gây căng cơ và một số chấn thương khác. Vì vậy, người tập thường được khuyến nghị nên có giáo viên hướng dẫn. Tuy nhiên, học phí các lớp pilates thường không hề rẻ.

Phương Huy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tap-the-duc-theo-mot-post1353098.html