Cần trang bị 'vaccine số' cho trẻ em

Đây là nhấn mạnh của Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam tại cuộc tập huấn về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng do Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với UNICEF Việt Nam tổ chức ngày 29.3.

Khoảng 24.000 người tham gia tập huấn

Cuộc tập huấn trực tuyến về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng dành cho đội ngũ những người làm công tác giáo dục, bảo vệ trẻ em cấp tỉnh, huyện, xã của các ngành: lao động, thương binh và xã hội; công an; giáo dục và đào tạo; thông tin và truyền thông. Đây là hoạt động nhằm thực hiện Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 1.6.2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”. Cuộc tập huấn đã thu hút khoảng 24.000 người tham gia ở 62/63 tỉnh, thành phố với hơn 20.000 điểm truy cập.

Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em Nguyễn Thị Nga tại cuộc tập huấn

Từ khi Việt Nam chính thức hòa mạng Internet toàn cầu vào ngày 1.12.1997, Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và truyền thông và trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng internet nhanh nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Các đại biểu dự buổi tập huấn

Theo báo cáo của DataReportal về việc áp dụng và sử dụng kỹ thuật số tại Việt Nam vào đầu năm 2024: có 78,44 triệu người dùng Internet ở Việt Nam vào đầu năm 2024, tỷ lệ sử dụng Internet ở mức 79,1%; có 72,70 triệu người dùng mạng xã hội vào tháng 1.2024, tương đương 73,3% tổng dân số. Tổng cộng có 168,5 triệu kết nối di động đã hoạt động ở Việt Nam vào đầu năm 2024, con số này tương đương với 169,8% tổng dân số.

Kỹ năng, kiến thức - quyết định bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Nhấn mạnh vấn đề xâm hại trẻ em trên môi trường mạng ngày càng được quan tâm của các cấp, các ngành, Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cho rằng, để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cần trang bị "vaccine số" cho trẻ em 3 trong 1:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế. Theo đó, sửa đổi, bổ sung văn bản để bảo vệ trẻ em, giải quyết vấn đề trẻ em xâm hại trẻ em môi trường mạng; thực thi pháp luật, xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi xâm hại trẻ em.

Quang cảnh cuộc tập huấn

Thứ hai, các đơn vị cung cấp thông tin, giải pháp công nghệ, theo dõi chặn lọc gỡ bỏ, cũng rất quan trọng không thể thiếu trong việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Thứ ba "vaccine" mang tính chất quyết định đó là "vaccine kỹ năng, kiến thức". Vaccine này có được từ tập huấn, truyền thông kiến thức, kỹ năng cho trẻ em, cha mẹ, giáo viên, cán bộ và các dịch vụ bảo vệ trẻ em. Đây cũng là việc mà chúng ta đang làm hiện nay.

"Khi có 'vaccine số' thì chúng ta sẽ tiêm chủng mở rộng, thực hiện chiến dịch phổ cập 'vaccine số' mở rộng - ông Đặng Hoa Nam nói.

Ở góc độ là chuyên gia về trẻ em, bà Lê Hồng Loan, Trưởng Chương trình bảo vệ trẻ em, tổ chức UNICEF chia sẻ: xâm hại trẻ em trên môi trường mạng ảnh hưởng đến trẻ em, có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng đến cuộc sống của các em, đặc biệt là sức khỏe tâm thần. Những hình ảnh, clip được phát tán tác động tiêu cực đến tâm lý trẻ em, gây tổn thương nghiêm trọng và dai dẳng cho các em.

Xâm hại và bóc lột tình dục trẻ em trực tuyến và ngoại tuyến có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Nhấn mạnh điều này, bà Loan cho rằng, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cần có sự vào cuộc của các cơ quan của chính phủ, nhà trường, các bậc phụ huynh và toàn thể xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ thông tin.

Hà An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song/tap-huan-ve-bao-ve-tre-em-tren-moi-truong-mang-i364679/