Tập đoàn Thang máy Thiết bị Thăng Long: Trúng loạt gói thầu lớn sát giá

Công ty TNHH Tập đoàn Thang máy Thiết bị Thăng Long đã sở hữu hàng loạt gói thầu có giá trị lên lớn với tỷ lệ 'siêu tiết kiệm'.

Từ dữ liệu từ hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia, những năm gần đây, Công ty TNHH Tập đoàn Thang máy Thiết bị Thăng Long (TLE) đã tham gia hàng trăm gói thầu lớn, nhỏ. Tính đến đầu năm 2023, tổng giá trị trúng thầu của TLE đạt 4.785 tỷ đồng, trong đó chỉ có 12,2 tỷ đồng là các gói chỉ định thầu.

Tỷ lệ trung bình giá trúng thầu so với giá dự toán lên tới 95,65%, đồng nghĩa với việc có nhiều gói thầu đạt tỷ lệ tiết kiệm thấp. Trong đó nhiều gói có giá trị hàng trăm tỷ nhưng tiết kiệm “nhỏ giọt” chỉ vài chục đến vài trăm triệu đồng.

Có thể kể đến như, tại Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam năm 2018, TLE cùng Công ty Cổ phần Eco - Fire trúng gói thầu Cung cấp thiết bị, lắp đặt và thi công xây lắp công trình với giá 125,1 tỷ đồng. Số tiền tiết kiệm cho ngân sách chỉ vỏn vẹn hơn 18 triệu đồng, tỷ lệ tiết kiệm chỉ ở mức “tượng trưng” 0,01%.

Tiếp đến, tại Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, trong 2 năm 2020-2021, Phó tổng giám đốc Đinh Như Hạnh đã phê duyệt 2 gói thầu với tổng giá trị gần 300 tỷ đồng. Đáng chú ý ở gói thi công xây dựng năm 2020, liên danh TLE - Công ty Cổ phần xây dựng C BHI trúng thầu với giá trị hơn 215 tỷ đồng nhưng chỉ tiết kiệm được 1,3 tỷ đồng, tương ứng 0,62%.

Thực trạng trên cũng xuất hiện tại các gói thầu khác như: gói thầu thi công xây dựng tại Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam có giá trúng thầu 75,9 tỷ đồng, tiết kiệm 172,4 triệu đồng (tương đương 0,23%); gói thi công xây lắp tại ban QLDA ĐTXD tỉnh Quảng Nam có giá 129,3 tỷ đồng, tiết kiệm 663 triệu đồng (0,51%); gói xây dựng nhà làm việc tại Tổng cục thuế có giá 201,1 tỷ đồng, tiết kiệm 1,9 tỷ đồng (0,95%)…

Về tình hình tài chính của TLE, việc liên tiếp trúng thầu cùng các hoạt động kinh doanh khác đã đem lại cho công ty nguồn doanh thu “khủng” lên tới cả nghìn tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại rất “mỏng”, chỉ vỏn vẹn vài tỷ đến hơn chục tỷ đồng.

Cụ thể, năm 2018, TLE ghi nhận doanh thu thuần lên tới 1.893 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ ở mức 15,2 tỷ đồng, tương ứng 0,8%. Năm 2019, doanh thu thuần giảm nhẹ còn 1.607 tỷ đồng, doanh nghiệp báo lãi sau thuế chỉ 12,09 tỷ đồng.

Năm 2020, doanh thu thuần đạt mức 1.146 tỷ đồng, lợi nhuận ròng chỉ bằng 47,3% cùng kỳ, tương đương 5,7 tỷ đồng. Năm 2021, doanh thu thuần đạt 1.010 tỷ đồng, lãi ròng ghi nhận 5,36 tỷ đồng, tương ứng 0,53%.

Tính đến cuối năm 2021, tài sản ngắn hạn của TLE ở mức 1.244 tỷ đồng, bao gồm 21,5 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền.

Bên cạnh đó, tổng nợ phải trả của công ty là 943,9 tỷ đồng, gấp 2,4 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó 100% là nợ ngắn hạn. Hệ số thanh toán tức thời chỉ đạt 0,02.

Công ty TNHH Tập đoàn Thang máy Thiết bị Thăng Long (TLE) được thành lập từ năm 2001 với mã số thuế 0101130774, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực cung cấp thiết bị tòa nhà, lắp đặt thang máy, thang cuốn.

Trụ sở công ty được đặt tại số 44 phố Hào Nam, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội. Người đại diện là ông Lê Minh Hùng - Tổng giám đốc công ty.

VD

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/tap-doan-thang-may-thiet-bi-thang-long-trung-loat-goi-thau-lon-sat-gia-d38657.html