Tập đoàn sở hữu hãng hàng không hàng đầu châu Âu đạt lợi nhuận kỷ lục

Tập đoàn sở hữu hãng hàng không British Airways (BA) nhận định, lợi nhuận hoạt động nửa năm đạt 1,1 tỷ bảng (1,4 tỷ USD) sau khi lỗ 383 triệu bảng vào nửa đầu năm 2022.

Máy bay của hãng hàng không British Airways tại sân bay Heathrow ở London (Anh). Ảnh: AFP/TTXVN

Máy bay của hãng hàng không British Airways tại sân bay Heathrow ở London (Anh). Ảnh: AFP/TTXVN

Tập đoàn International Airlines Group (IAG) thông báo đạt lợi nhuận kỷ lục trong nửa đầu năm 2023, khi giá vé máy bay tăng gần 10% trong năm ngoái. Tập đoàn sở hữu hãng hàng không British Airways (BA) nhận định công suất chuyến bay của hãng sẽ phục hồi về mức trước đại dịch COVID-19 vào cuối năm, khi nhu cầu "bùng nổ" đã đưa lợi nhuận hoạt động nửa năm đạt 1,1 tỷ bảng (1,4 tỷ USD) sau khi lỗ 383 triệu bảng vào nửa đầu năm 2022.

Giám đốc điều hành BA, Sean Doyle, cho biết hãng đã vững vàng hơn nhiều so với năm ngoái. Các cuộc đình công của nhân viên kiểm soát không lưu Pháp vẫn đang gây những gián đoạn, khiến BA đặc biệt chịu tác động do các chuyến bay khởi hành từ các sân bay Heathrow và Gatwick phần lớn bay qua không phận Pháp.

Mùa Hè năm 2022 ghi nhận sự xáo trộn lớn, khi BA buộc phải hủy hàng nghìn chuyến bay do thiếu lo động, đặc biệt là tại sân bay chính là Heathrow. Hãng đang tăng cường khả năng ứng phó với những gián đoạn với việc tuyển dụng 4.000 nhân công kể từ đầu năm, chủ yếu trong các hoạt động mặt đất và cho thuê thêm máy bay cùng phi hành đoàn.

Ông Doyle cho biết hãng vẫn chưa chịu bất kỳ tác động nào từ các đợt nắng nóng mùa Hè tại Nam Âu và Mỹ đến lượng đặt chỗ. Ông nói các thị trường truyền thống ở Nam Âu vẫn rất mạnh.

Kể từ khi các nước rút bỏ hầu hết lệnh hạn chế đi lại trên toàn cầu, các hãng hàng không đã chạy đua để khởi động lại các tuyến bay, đặc biệt là để đáp ứng nhu cầu tăng vọt trong các ngày lễ và hoạt động đi công tác cũng phục hồi, mặc dù chậm hơn.

BA được hưởng lợi từ nhu cầu du lịch giải trí mạnh mẽ trên cả các tuyến bay đường dài và ngắn. IAG đã làm ăn có lãi trở lại trong cả năm 2022 sau khi ghi nhận khoản lỗ gần 11 tỷ euro vào giai đoạn năm 2020-2021. IAG cảnh báo rằng tập đoàn này vẫn phải đối mặt với những triển vọng không chắc chắn trong thời gian tới.

Đặc biệt, giá nhiên liệu có thể bị ảnh hưởng bởi “sự biến động liên tục trong môi trường bất ổn địa chính trị và kinh tế vĩ mô”, sau một năm thị trường năng lượng bị xáo trộn bởi cuộc xung đột Nga-Ukraine.

IAG cho biết họ đã “hạn chế khả năng hiển thị đặt chỗ của khách hàng trong nửa cuối năm”, với hy vọng tránh lặp lại tình trạng hỗn loạn như mùa Hè năm 2022, khi các hãng hàng không buộc phải hạn chế lưu lượng do sân bay lớn nhất Vương quốc Anh quá tải bởi số lượng hành khách quá cao.

Trong khi đó, hãng hàng không Air France-KLM của Pháp và Hà Lan ngày 28/7 thông báo đã tăng gấp đôi lợi nhuận ròng trong quý II/2023, khi nhu cầu lớn dù lạm phát tăng làm tăng chi phí. Hãng đạt lợi nhuận ròng 604 triệu euro (662 triệu USD) trong nửa đầu năm.

Trước nhu cầu gia tăng từ các hãng hàng không, hai công ty sản xuất máy bay hàng đầu thế giới Airbus của châu Âu và Boeing của Mỹ đều đang đẩy mạnh việc giao máy bay thương mại trong nửa đầu năm nay, qua đó thúc đẩy doanh thu.

Airbus ghi nhận lợi nhuận ròng 1,06 tỷ euro (1,17 tỷ USD), trong khi Boeing lỗ 149 triệu USD do những chậm trễ và vấn đề chi phí trong mảng sản phẩm và dịch vụ quốc phòng và hàng không vũ trụ.

Doanh thu hai hãng đều tăng khi số máy bay giao cho khách hàng gia tăng. Trong đó, Doanh thu của Boeing tăng 18% lên 19,8 tỷ USD, còn doanh thu của Airbus tăng 24% lên 17,6 tỷ USD.

Cũng trong quý II, số lượng máy bay thương mại bàn giao của Boeing tăng 12% lên 136 chiếc, trong khi con số này của Airbus tăng 6,4% lên 316 chiếc trong nửa đầu năm nay.

Trong bối cảnh các hãng hàng không đưa ra các đơn đặt hàng lớn để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng mạnh sau đại dịch COVID-19, Airbus và Boeing đều đang gặp khó khăn trong việc gia tăng sản lượng.

Hai doanh nghiệp này đều phải cắt giảm sản lượng và nhân sự trong đại dịch COVID-19 khi du lịch hàng không toàn cầu gần như ngừng hoạt động. Việc phục hồi sản lượng đang diễn ra chậm chạp và khó khăn cho cả Airbus và Boeing, cũng như các nhà cung cấp.

Trong một thông cáo báo chí, Giám đốc điều hành của Boeing Dave Calhoun khẳng định hãng này đang có "những bước tiến vững chắc" trong quá trình phục hồi nhờ nhu cầu mạnh mẽ.

Những năm gần đây, chương trình máy bay thương mại của Boeing gặp phải một số vấn đề trong sản xuất và kiểm soát chất lượng, khiến việc bàn giao các dòng máy bay bán chạy nhất 737 và 787 Dreamliner bị hạn chế, dẫn đến tình trạng thua lỗ.

Lê Minh (Theo The Guardian)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tap-doan-so-huu-hang-hang-khong-hang-dau-chau-au-dat-loi-nhuan-ky-luc/301107.html