Tập đoàn Nam Long ôm nợ 3.100 tỷ đồng trái phiếu

Trước khoản nợ và tồn kho lớn, Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long chuyển hướng, không tập trung vào sản phẩm nhiều tiền, khó bán.

Theo báo cáo Bộ Tài chính gửi Bộ Xây dựng về quản lý, giám sát việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản, tính tới thời điểm 31/12/2023, tổng dư nợ phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp là 351.390 tỉ đồng. Trong số các "ông lớn" bất động sản, Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (Tập đoàn Nam Long) thuộc top nợ nhiều với khoảng 3.100 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của PV, Nam Long là một trong những doanh nghiệp bất động sản có tên tuổi khu vực phía Nam. Năm qua, trước những biến động của thị trường, doanh nghiệp này ghi nhận giảm mạnh về doanh thu.

Báo cáo tài chính quý IV/2023, kết thúc năm 2023, Nam Long (mã chứng khoán NLG) đạt doanh thu thuần hơn 3.181 tỷ đồng, đến từ bán nhà ở và căn hộ (chiếm 95% tổng doanh thu) dự án trọng điểm là Izumi và Southgate. Tuy nhiên, con số này giảm 27% so với năm trước đó. Doanh thu tài chính NLG ghi nhận 246 tỷ đồng, giảm 36% do không còn khoản lãi từ việc chuyển nhượng cổ phần Công ty TNHH Paragon Đại Phước.

Điểm tích cực là lãi từ công ty liên doanh, liên kết hơn 418 tỷ đồng, tăng 25 tỷ đồng cùng kỳ. Các chi phí bán hàng, quản lý ghi giảm so với năm 2022, lần lượt 17% và 14%. Kết quả, NLG đạt 484 tỷ đồng lãi ròng, hoàn thành 82% kế hoạch cả năm.

Dự án Khu đô thị Mizuki Park của Tập đoàn Nam Long.

Tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản NLG 28.600 tỷ đồng, tăng 6%. Song, chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là hàng tồn kho 17.300 tỷ đồng, tăng 17% và khoản phải thu 3.600 tỷ đồng, tăng nhẹ 2%. Trong cấu phần hàng tồn kho của NLG thì bất động sản dở dang của một số dự án có sự gia tăng đáng kể như dự án Izumi 8.551 tỷ đồng, tăng 3%; dự án Hoàng Nam (Akari) lên 1.667 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần; dự án Cần Thơ 1.281 tỷ đồng, tăng gấp đôi.

Cơ cấu tài chính, tổng nợ phải trả 15.100 tỷ đồng, tăng 9%, điểm tích cực so với bức tranh chung của ngành bất động sản là khoản người mua trả trước của NLG tăng hơn 17%, đạt hơn 3.810 tỷ đồng. Nợ vay của NLG cũng gia tăng, tổng cộng lên hơn 6.100 tỷ đồng với 3.032 tỷ đồng vay ngân hàng, còn lại là vay trái phiếu.

Trong Đại hội cổ đông vừa diễn ra, lãnh đạo Nam Long cho biết, năm 2024, Nam Long đặt kế hoạch doanh số 9.554 tỷ đồng, doanh thu thuần đạt 6.657 tỷ đồng, gấp 2 lần năm 2023; lợi nhuận sau thuế 821 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 506 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% so với năm ngoái...

Nam Long tiếp tục định hướng phát triển theo mô hình Tập đoàn Bất động sản tích hợp với các nhiệm vụ lõi ở 3 mảng kinh doanh chính, bao gồm: mảng phát triển đất, dự án nhà ở và khu đô thị; bất động sản thương mại; mảng đầu tư, huy động vốn.

Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Nam Long chia sẻ tại đại hội, công ty xác định chỉ bán và tập trung vào những gì thị trường cần, tránh việc đầu tư nhiều tiền nhưng không bán được hàng, dẫn đến tồn kho cao.

Ngoài Nam Long, Bộ Tài chính cũng điểm tên nhiều "ông lớn" khác đang ôm nợ trái phiếu như:

- Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Vạn Trường Phát khoảng 10.000 tỷ đồng.

- Công ty Cổ phần Bất động sản Hano-vid khoảng 9.500 tỷ đồng.

TheoGiao thông Copy link

Link bài gốcLấy link

https://www.baogiaothong.vn/nam-long-om-no-3100-ty-trai-phieu-192240422184025012.htm

Nam Việt

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/tap-doan-nam-long-om-no-3100-ty-dong-trai-phieu-post174480.html