Tập đoàn Masan (MSN): Mục tiêu lãi năm nay tăng gấp đôi, sở hữu 6 thương hiệu tỷ USD

Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan (mã cổ phiếu MSN) cho biết đang cân nhắc IPO Masan Consumer và sẽ đẩy mạnh chiến lược 'Go Global' với mục tiêu sở hữu 6 thương hiệu ngành hàng tiêu dùng nhanh có quy mô 1 tỷ USD trở lên.

Mục tiêu lãi năm nay tăng gấp đôi, tập trung vào ngành hàng tiêu dùng

Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của Tập đoàn Masan.

Sáng nay ngày 25/4, Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (mã cổ phiếu MSN - sàn HoSE) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024.

Báo cáo với cổ đông tại Đại hội, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Masan cho biết, bất chấp những khó khăn vĩ mô và nhu cầu tiêu dùng suy yếu, doanh thu thuần của Tập đoàn trong năm 2023 vẫn ghi nhận tăng trưởng dương 2,7%, đạt 78.252 tỷ đồng.

Đáng chú ý, EBIT (lợi nhuận trước lãi vay và thuế) năm 2023 của mảng kinh doanh tiêu dùng cốt lõi tăng tới 40,1% so với năm 2022, nhờ mức lợi nhuận cao kỷ lục của Masan Consumer Holdings (MCH) và lợi nhuận ổn định từ chuỗi siêu thị Wincommerce. Bên cạnh đó, việc đổi mới mô hình cửa hàng thành công của Wincommerce đang tạo nền tảng vững chắc cho việc mở rộng mạng lưới và sẽ là động lực tăng trưởng chính cho năm 2024.

Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan phát biểu tại Đại hội.

Theo đó, Tập đoàn Masan lập kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất nằm trong khoảng từ 84.000 - 90.000 tỷ đồng, tăng trưởng từ 7% - 15% so với năm 2023; lợi nhuận sau thuế 2.250 - 4.020 tỷ đồng. Trong kịch bản tích cực, lợi nhuận Masan dự kiến tăng gấp đôi so với mức 1.950 tỷ đồng của năm 2023.

Ban lãnh đạo Tập đoàn Masan cho biết sẽ tập trung vào các trụ cột chiến lược khi tiếp tục tập trung tăng trưởng lợi nhuận của các công ty thuộc mảng kinh doanh tiêu dùng cốt lõi.

Cụ thể, tại Masan Consumer, đơn vị này sẽ tiếp tục phấn đấu đạt mức tăng trưởng doanh thu hai con số, đồng thời duy trì mức lợi nhuận cao để nâng tổng lợi nhuận của Tập đoàn Masan.

Đối với WinCommerce, đơn vị này tập trung vào tăng trưởng lợi nhuận bằng cách thúc đẩy tăng trưởng LFL (like for like) và cải thiện hơn nữa biên lợi nhuận gộp thông qua việc đẩy mạnh chiến lược nhãn hàng riêng, tối ưu hóa chi phí logistics và giảm hao hụt hàng hóa. Ngoài ra, chương trình hội viên WIN giúp tạo giá trị cho hệ sinh thái của tập đoàn và các nhãn hàng đối tác.

Cân nhắc IPO Masan Consumer, hướng đến thị trường toàn cầu

Masan Consumer hiện có 5 tương hiệu có doanh thu 150 - 250 triệu USD hàng năm.

Về định hướng kinh doanh chiến lược, ông Nguyễn Đăng Quang tiết lộ việc Tập đoàn Masan sẽ cân nhắc việc IPO Masan Consumer (MCH) và hướng đơn vị này tới các thị trường quốc tế với mục tiêu 10-20% doanh thu sẽ đến từ thị trường toàn cầu.

Chia sẻ với cổ đông, Chủ tịch Tập đoàn Masan nói: “Masan Consumer là Viên kim cương gia bảo, đầy niềm tự hào của Tập đoàn Masan. Đó còn là đại sứ ẩm thực Việt Nam nâng hành trình đi ra thế giới của Tập đoàn Masan với các nhãn hiệu mạnh”.

Thông tin thêm về chiến lược trên, ông Trương Công Thắng - Tổng giám đốc của Masan Consumer cho biết, đơn vị đang nỗ lực hiện thực hóa tầm nhìn: “Mỗi gia đình Việt Nam, mọi sản phẩm Masan. Mỗi gia đình thế giới, ít nhất một sản phẩm Masan”.

Masan Consumer hiện có 5 thương hiệu có doanh thu 150-250 triệu USD gồm Kokomi, Omachi, Chinsu, Nam Ngư và Wakeup 24/7, đóng góp khoảng 80% tổng doanh thu công ty.

Tập đoàn Masan cho biết, Masan Consumer đã tăng trưởng với tốc độ gấp 2,2 lần thị trường chung trong giai đoạn 2017-2023, và đặt mục tiêu tăng trưởng hơn nữa thông qua việc tham gia vào thị trường tiêu dùng bên ngoài, cung cấp các sản phẩm cao cấp thay thế bữa ăn tại nhà và thay thế bữa ăn tại nhà hàng.

“Mục tiêu chiến lược của Masan Consumer là sở hữu 6 thương hiệu tỷ USD, cao cấp hóa sản phẩm và mở rộng phạm vi sản phẩm cho từng thương hiệu, mở rộng thị trường có thể tiếp cận từ 100 triệu người tiêu dùng tại Việt Nam lên 8 tỷ người trên toàn cầu”, ông Trương Công Thắng nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Trương Kim Phượng, Giám đốc Marketing Cấp cao - Ngành hàng Thực phẩm Tiện lợi (Masan Consumer) chia sẻ về chiến lược mở rộng quy mô thương hiệu Omachi.

Bà Nguyễn Trương Kim Phượng, Giám đốc Marketing Cấp cao - Ngành hàng Thực phẩm Tiện lợi (Masan Consumer) cho biết thêm, thương hiệu Omachi hiện đặt mục tiêu mở rộng thị trường mục tiêu từ 1 tỷ USD của ngành hàng mì ăn liền lên 17 tỷ USD của ngành hàng thay thế bữa ăn tại nhà hàng (Restaurant meal replacement, RMR) với việc ra mắt sản phẩm lẩu tự sôi, cơm tự chín… và tiến hành các bước để cao cấp hóa thương hiệu.

Từ năm 2017 đến năm 2023, Omachi đã tăng gấp đôi số lượng bữa ăn phục vụ lên 544 triệu mỗi năm, thể hiện sức hấp dẫn đối với người tiêu dùng về trải nghiệm cao cấp, Omachi kỳ vọng sẽ tăng gấp đôi bữa ăn phục vụ và giá trị trên mỗi khẩu phần ăn trong tương lai.

Thương hiệu Chinsu cũng đặt mục tiêu cao cấp hóa để phục vụ hơn 30 triệu chén nước chấm mỗi ngày, chiếm hơn 65% lượng tiêu thụ nước mắm của Việt Nam. Thương hiệu này đã phát triển danh mục sản phẩm gia vị cao cấp, hướng tới tiếp cận người tiêu dùng toàn cầu, bà Nguyễn Trương Kim Phượng cho biết.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.com.vn/bai-viet/tap-doan-masan-msn-muc-tieu-lai-nam-nay-tang-gap-doi-so-huu-6-thuong-hieu-ty-usd-120180.htm