Tạp chí phương Tây đầu tiên 'chinh phục' phụ nữ Liên Xô

Tạp chí Burda đã gây tiếng vang lớn ở Liên Xô vào cuối những năm 1980. Ngay cả những phụ nữ bình thường lúc đó không chỉ có thể tạo ra một số bộ quần áo sành điệu mà còn có thể mang một số 'lối sống phương Tây' vào cuộc sống của họ.

Phụ nữ Liên Xô đọc tạp chí Burda Moden số đầu tiên. Ảnh: Sputnik

Phụ nữ Liên Xô đọc tạp chí Burda Moden số đầu tiên. Ảnh: Sputnik

Vào cuối những năm 1980, phụ nữ Liên Xô đã tìm thấy cánh cửa dẫn đến thế giới thú vị của sự phong phú phương Tây. Một tạp chí may vá và thủ công mỹ nghệ của Đức có tên là 'Burda Moden' bắt đầu được bán ở Liên Xô.

Với nó, ngay cả một phụ nữ thiếu kinh nghiệm may vá cũng có thể biến thành một người đẹp ăn mặc sành điệu như trên trang bìa tạp chí, ganh đua ngay cả với những phụ nữ thời trang tại những thành phố của Đức như Bonn và Berlin.

Nhưng tạp chí này không chỉ là về may vá và đan lát. Lời khuyên về cách trang hoàng nhà cửa, cách chế biến món ăn và về những điều nhỏ nhặt khác đã tạo cơ hội để phụ nữ Liên Xô hòa mình vào một phần thực tế Tây Âu và đưa nó vào cuộc sống của chính mình.

Tạp chí Liên Xô dành cho phụ nữ

Tất nhiên, theo trang Russia Beyond, Liên Xô cũng có tạp chí thời trang. Ngay sau Thế chiến II, các tạp chí như 'Modeli Sezona' ('Người mẫu của mùa'), 'Zhurnal Mod' ('Tạp chí thời trang') và 'Moda Stran Socializma' (Thời trang của các nước xã hội chủ nghĩa') bắt đầu "nở rộ" tại Liên Xô.

Trong các tạp chí đó, người ta có thể tìm thấy những mẫu quần áo phụ nữ, nam giới và trẻ em... mặc dù không quá nhiều nhưng vẫn giúp mọi người nhận biết về những gì đang là trào lưu thời trang ở các thủ đô châu Âu.

Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ chỉ có kiểu dáng hoặc thậm chí chỉ là đường viền của bộ quần áo được giới thiệu trong đó. Để làm được một bộ quần áo như thế, người ta cần một thợ may có trình độ cao. Tất nhiên, một số người biết những thợ may như vậy nhưng không nhiều.

Thời trang trên tạp chí 'Modeli Sezona' của Liên Xô những năm 1955-1956. Nguồn: Russia Beyond

Thời trang trên tạp chí 'Modeli Sezona' của Liên Xô những năm 1955-1956. Nguồn: Russia Beyond

Trên một số tạp chí thậm chí còn có các mẫu thiết kế quần áo nhưng không ở kích thước chuẩn và mức độ chi tiết thường không đạt yêu cầu. Bởi vậy, quần áo làm theo những mẫu thiết kế này thường không thể mặc được. Cuối cùng, quần áo thời trang vẫn là đặc quyền của những người có đủ khả năng sử dụng dịch vụ của một xưởng may cao cấp hoặc của những người thợ may lành nghề.

Bên cạnh đó, theo trang Russia Beyond, có một vấn đề khác với những tạp chí này: không rõ chúng được phát hành cho đối tượng nào. Có vẻ như không phải dành cho người nước ngoài nhưng chúng cũng không hẳn dành cho những phụ nữ đang sống ở Liên Xô.

Tạp chí Đức ở Liên Xô

Nhưng tạp chí 'Burda Moden' của Đức đã có nhiều kinh nghiệm để làm hài lòng độc giả mục tiêu của mình. Tạp chí này bắt đầu được phát hành ở Đức, Áo và Thụy Sĩ từ năm 1950 dưới sự lãnh đạo của Aenne Burda. Nó không chỉ giới thiệu các mẫu thiết kế quần áo mà còn có hướng dẫn từng bước rất chi tiết về cách biến những mẫu thiết kế trên giấy thành quần áo thật.

Năm 1986, nhà xuất bản 'Aenne Burda' và Ủy ban Xuất bản Nước ngoài của Nhà nước Liên Xô đã ký một thỏa thuận: tạp chí sẽ được dịch ở Liên Xô, nhưng được in ở Đức.

Ngày 3/3/1987, 100.000 cuốn tạp chí 'Burda Moden' đã được mang đến Moscow cùng với các thiết bị và trang phục cho một buổi trình diễn thời trang vào đúng dịp ra mắt tạp chí. Sự kiện này nhằm mục đích chúc mừng tất cả phụ nữ Liên Xô trước Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.

Tạp chí 'Burda Moden' nhanh chóng trở thành một mặt hàng khan hiếm tại Liên Xô. Các chị em phải thỏa thuận riêng với những người bán báo tại ki-ốt để có thể mua được tạp chí 'Burda Moden'. Những người khác thì mượn tạp chí của người quen hoặc từ thư viện.

Trang bìa của tạp chí 'Burda Moden' số đầu tiên xuất bản ở Liên Xô. Ảnh: Sputnik

Trang bìa của tạp chí 'Burda Moden' số đầu tiên xuất bản ở Liên Xô. Ảnh: Sputnik

"Kim chỉ nam" cho cuộc sống

Theo trang Russia Beyond, ấn phẩm đầy màu sắc này với những bức ảnh màu về những người phụ nữ nổi bật, mặc trang phục hàng ngày sành điệu, phần nào đã trở thành "kim chỉ nam" cho cuộc sống của phụ nữ Liên Xô. Việc cắt may một mẫu quần áo từ tạp chí không đòi hỏi bất kỳ kỹ năng đặc biệt nào, nhưng thành phẩm lại trông rất bắt mắt.

"Tôi có một chiếc váy hoa tulip mà mình yêu thích, tôi thậm chí còn nghĩ đến việc may lại nó - nó được làm bằng lụa xanh đậm, dày và nặng. Các nếp gấp rủ xuống từ eo và váy bó lại ở phần dưới. Nó trông thật tuyệt, nhưng để làm ra thì thật đơn giản - chỉ cần hai đường may!", Marina - một người đã đọc tạp chí 'Burda Moden' vào cuối những năm 1980, nhớ lại.

Mặc dù thiếu quần áo may sẵn đẹp, người ta có thể tìm thấy nhiều loại vải chất lượng ở Liên Xô. Mặc dù, đôi khi chúng cần được chỉnh sửa lại. Ví dụ, để tạo hiệu ứng quần jean sờn rách, người ta đã sử dụng bàn chải cứng và thuốc tẩy 'Belizna'. Các phụ kiện quần áo cũng thường được "chế lại", vì những chiếc khuy tiêu chuẩn có thể tìm thấy trong cửa hàng trông rất xa lạ so với các mẫu quần áo trên tạp chí 'Burda Moden'.

Ấn phẩm đã giới thiệu cho người đọc về lối sống hoàn toàn khác với lối sống của họ, vì vậy 'Burda Moden' đã trở nên phổ biến ngay cả với những người không biết may vá và không sử dụng dịch vụ của xưởng may. Họ chỉ cần đọc nó để nắm bắt một phần của thế giới phương Tây.

Chẳng mấy chốc, thế giới đó bắt đầu ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày ở Liên Xô.

"Tôi làm việc tại một xưởng may. Khách hàng của chúng tôi thường xuất hiện với tạp chí và cho chúng tôi xem một hình mẫu mà họ thích để chúng tôi có thể làm ra một bộ quần áo. Đôi khi, thiết kế được thay đổi một chút… Ngoài ra, mọi người cũng bắt chước các kiểu tóc; kiểu tóc của Công nương Diana đặc biệt phổ biến. Mọi người mang tạp chí đến tiệm làm tóc và chỉ vào thứ họ muốn", Alena - một thợ may và là độc giả của 'Burda Moden' - nhớ lại.

Nguồn: Russia Beyond

Hữu Hiển

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tap-chi-phuong-tay-dau-tien-chinh-phuc-phu-nu-lien-xo-20230703120258199.htm