Tạo 'xương sống' cho hoạt động của hướng dẫn viên du lịch Đồng Nai

Đồng Nai hiện có hơn 160 hướng dẫn viên du lịch (HDVDL) được cấp thẻ, trong đó có 42 HDVDL được cấp thẻ quốc tế. Tuy nhiên, các HDVDL lâu nay hoạt động khá tự do, chưa có sự tập trung, kết nối vào các tổ chức chi hội theo quy định của pháp luật.

Hướng dẫn viên du lịch giới thiệu đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh đến du khách. Ảnh: N.Liên

Để khắc phục tình trạng trên, thời gian qua, Hiệp hội Du lịch Đồng Nai đã thành lập và kiện toàn một số chi hội du lịch trên địa bàn tỉnh. Tạo “xương sống” cho các HDVDL nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ HDVDL, góp phần quảng bá, phát triển du lịch Đồng Nai.

Đội ngũ HDVDL còn thiếu và yếu

Một số doanh nghiệp du lịch lữ hành trên địa bàn tỉnh nhận định, du lịch Đồng Nai tuy có sự phát triển khá nhanh trong những năm gần đây, nhưng hoạt động của HDVDL vẫn còn yếu và thiếu cả về chất lượng cũng như số lượng so với nhu cầu phát triển của ngành. Nhiều doanh nghiệp du lịch khi tổ chức tour cho khách phải đi thuê HDVDL từ các tỉnh, thành khác. Tại một số điểm đến mang ý nghĩa lịch sử cách mạng, văn hóa… vẫn còn thiếu HDVDL chất lượng để phục vụ du khách. Đặc biệt, đội ngũ HDVDL phục vụ các đoàn khách lớn, các điểm đến văn hóa, tâm linh còn thiếu và yếu.

Đồng Nai nổi tiếng với các vườn trái cây tại các địa phương như: Long Khánh, Xuân Lộc, Vĩnh Cửu, Tân Phú, Cẩm Mỹ… Hàng năm, vào mùa trái cây chín rộ (khoảng tháng 6 đến tháng 8), các nhà vườn tại Đồng Nai mở cửa đón khách tham quan. Tuy nhiên, hoạt động du lịch mới chỉ dừng ở việc thu tiền cổng, cho khách tham quan, ăn trái tự do và bán trái cây nếu khách muốn mua về làm quà. Các nhà vườn vẫn chưa xây dựng được những câu chuyện về vùng đất, các loại cây trái để hấp dẫn du khách hơn.

Chị Nguyễn Trần Huyền Thư (ngụ phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa) cho biết, chị từng đi vườn trái cây Long Khánh nhiều lần. Các vườn trái cây rất đẹp, nhưng để biết được thông tin về vườn cây như: tên, nguồn gốc cây, cách phân biệt giống, tuổi đời của cây, cách chọn trái cây chín… thì không được hướng dẫn, giới thiệu nên du khách chưa có cơ hội được hiểu biết về các loại cây, cách chăm sóc cho cây.

Anh Trương Đình Khánh, Chi hội trưởng Chi hội HDVDL thành phố Long Khánh (Chi hội Long Khánh) chia sẻ, gần một năm trước, Hiệp hội Du lịch tỉnh đã thành lập và ra mắt Chi hội Long Khánh với hơn 40 thành viên gồm các đoàn viên, lái xe taxi tại các xã, phường trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, thời gian qua, chi hội vẫn chưa phát huy hết chức năng của mình, sự kết nối, sẻ chia vẫn còn nhiều hạn chế.

Theo anh Khánh, dù là Chi hội trưởng nhưng anh cũng chưa có nhiều kinh nghiệm để duy trì các hoạt động của chi hội hiệu quả. Anh Khánh mong rằng, thời gian tới, khi hệ thống các chi hội được thành lập nhiều hơn, Hiệp hội Du lịch tỉnh sẽ hỗ trợ các chi hội có nhiều cơ hội học tập, phát triển các kỹ năng, nâng tầm cho HDVDL địa phương.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng Nai TRẦN ĐĂNG NINH nhấn mạnh, các chi hội HDVDL sẽ hoạt động theo khẩu hiệu “Thông tin - kết nối - chia sẻ”. Thời gian tới, các công ty du lịch, lữ hành sẽ không phải đi thuê HDVDL ở nơi khác mà có thể sử dụng được lực lượng HDVDL tại chỗ chất lượng và hiệu quả cao hơn.

Phát triển những “cánh tay nối dài” cho ngành du lịch

HDVDL chính là những cánh tay nối dài của điểm đến; đồng thời, là cầu nối quan trọng giữa điểm đến với du khách, là những người trực tiếp ảnh hưởng tới đánh giá của khách hàng về chất lượng các dịch vụ tại điểm đến. Do đó, người HDVDL có sứ mệnh rất lớn, quyết định uy tín, nâng tầm cho đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch.

Việc thành lập các chi hội HDVDL sẽ góp phần đưa hoạt động HDVDL vào quy củ và các HDVDL có cơ hội được đào tạo, nâng cấp chuyên nghiệp hơn. HDVDL Bùi Quốc Vỵ (ở Vườn quốc gia Cát Tiên, huyện Tân Phú) chia sẻ, chi hội HDVDL là những vệ tinh, chân rết tại cơ sở, có thể cung cấp thông tin về các điểm đến của Đồng Nai với du khách.

Ông Vỵ kỳ vọng khi lực lượng HDV hình thành, được đào tạo, trang bị những kỹ năng, kiến thức về du lịch, người HDVDL sẽ là những đại sứ du lịch, có thể trả lời cho du khách mọi thông tin về du lịch Đồng Nai khi khách yêu cầu. Ông Vỵ lấy ví dụ: một HDVDL tại huyện Tân Phú có thể giới thiệu với khách về Khu du lịch Bửu Long, Sơn Tiên của thành phố Biên Hòa, hay các điểm du lịch tại các huyện Nhơn Trạch, Xuân Lộc…

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng Nai Trần Đăng Ninh, hơn một năm qua, Hiệp hội Du lịch Đồng Nai đã nỗ lực củng cố, thành lập mới các chi hội HDVDL, đầu bếp… Đây là những mắt xích quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh du lịch địa phương mà lâu nay còn bỏ ngỏ, chưa có sự kết nối, phát triển trên địa bàn tỉnh.

Ông Ninh kỳ vọng, thời gian tới, đội ngũ HDVDL của Đồng Nai sẽ phát triển tốt cả về số lượng lẫn chất lượng. Để nâng chất cho HDVDL, ông Ninh yêu cầu các chi hội phải liên kết, phối hợp với hiệp hội ít nhất một năm tổ chức 2 lần sinh hoạt chuyên đề nhằm trao đổi, cập nhật những thông tin liên quan đến du lịch trên địa bàn tỉnh.

Ngọc Liên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202404/tao-xuong-song-cho-hoat-dong-cua-huong-dan-vien-du-lich-dong-nai-1055021/