Tạo xung lực mới cho sự phát triển của huyện Ngọc Hồi

Chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ nhất vừa diễn ra tại Kon Tum đã thành công tốt đẹp. Chương trình đã thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị giữa lực lượng quân đội và nhân dân ba nước anh em, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới của ba nước. Nhân dịp này, phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Chí Tường, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum.

Đồng chí Nguyễn Chí Tường. Ảnh: CTV

Đồng chí Nguyễn Chí Tường. Ảnh: CTV

- Thưa đồng chí, chương trình giao lưu vừa qua đã để lại dấu ấn như thế nào đối với nhân dân ở khu vực biên giới huyện Ngọc Hồi?

- Huyện Ngọc Hồi có vị trí địa lý, kinh tế, chính trị quan trọng, là địa phương có biên giới giáp với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia, nằm trong khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia và trên Hành lang kinh tế Đông-Tây. Nhân dân huyện Ngọc Hồi và các huyện giáp biên giới của Lào, Campuchia có quan hệ truyền thống lâu đời và ngày càng phát triển rất tốt đẹp. Có lẽ đây là một trong những lý do quan trọng mà Bộ Quốc phòng ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia chọn tổ chức nhiều hoạt động chính thức trong Chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ nhất.

Nhân dân huyện Ngọc Hồi rất vui mừng, phấn khởi và vinh dự vì huyện nhà được lựa chọn làm địa điểm tổ chức và được tham gia công tác chuẩn bị, phục vụ, cũng như chứng kiến các hoạt động ý nghĩa diễn ra trên quê hương mình. Các hoạt động giao lưu đã để lại dấu ấn sâu đậm, tốt đẹp trong lòng mỗi người dân và điều hết sức ý nghĩa là qua chương trình này, nhân dân huyện Ngọc Hồi đã nhận thức đầy đủ hơn về tình đoàn kết, hữu nghị của ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, thấy rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong việc vun đắp tình hữu nghị, đoàn kết đó, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển.

- Huyện Ngọc Hồi đã xây dựng công trình Vườn hữu nghị tại huyện Phouvong, tỉnh Attapeu, Lào, nhưng sau giao lưu này, chúng ta có thêm những công trình kết nghĩa khác và sẽ được duy trì như thế nào, thưa đồng chí?

- Công trình Vườn hữu nghị được chúng tôi triển khai cách đây 7 năm với nhiều hạng mục như: Đường giao thông, điện, nhà làm việc, nhà truyền thống, ruộng lúa, vườn cây ăn quả, ao cá... và tiếp tục được xây dựng hoàn thiện hằng năm. Trong điều kiện khó khăn nhưng hai bên đã rất nỗ lực, tích cực triển khai thực hiện. Đây là dự án được đầu tư nhằm mục đích xây dựng hình ảnh biểu tượng cho quan hệ hợp tác hữu nghị của hai huyện, đồng thời hỗ trợ, giúp đỡ huyện Phouvong nghiên cứu, ứng dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, do điều kiện xa cách về mặt địa lý và những khó khăn riêng của mỗi huyện nên kết quả thực hiện có mặt chưa đạt được như mong muốn. Do đó, Chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ nhất đã đầu tư một số công trình hữu nghị, trong đó có Nhà văn hóa hữu nghị biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia tại thôn Tà Ka (xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum). Ngoài ra, còn có doanh trại Đại đội Biên phòng 541, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Attapeu.

Các em học sinh Lào vui mừng khi nhận được học bổng do Bộ Quốc phòng Việt Nam tặng trong khuôn khổ Chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ nhất. Ảnh: Văn Chương

Các em học sinh Lào vui mừng khi nhận được học bổng do Bộ Quốc phòng Việt Nam tặng trong khuôn khổ Chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ nhất. Ảnh: Văn Chương

- Nhà văn hóa hữu nghị biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia vừa được Bộ Quốc phòng bàn giao cho địa phương, công trình này sẽ được đưa vào hoạt động như thế nào trong thời gian tới?

- Công trình Nhà văn hóa hữu nghị biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia từ lúc mới khởi công xây dựng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhân dân huyện Ngọc Hồi và chắc chắn đối với các địa phương của Lào và Campuchia cũng vậy. Đây là công trình có quy mô lớn, kiến trúc độc đáo, đặc biệt có ý nghĩa sâu sắc về tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Lào - Campuchia. Công trình không chỉ là nơi gặp gỡ, làm việc, giao lưu giữa cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân ở khu vực biên giới của ba nước, mà còn là hình ảnh, biểu tượng sinh động về tình đoàn kết, hữu nghị giữa ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia.

Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ có quy chế quản lý, sử dụng cụ thể để vừa bảo quản tốt, vừa phát huy hiệu quả của công trình. Nhà văn hóa hữu nghị biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia sẽ trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao thường ngày của nhân dân các địa phương của ba nước, đồng thời là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao lớn của huyện, là điểm gặp gỡ giao lưu giữa các đoàn công tác và nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Đây cũng là cam kết của lãnh đạo huyện Ngọc Hồi với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ba nước.

- Trong biên bản ghi nhớ giữa UBND huyện Ngọc Hồi và huyện Phouvong có đề cập đến 14 vấn đề cần quan tâm và thực hiện. Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ nhất đã góp phần thực hiện những vấn đề đó như thế nào?

- Các hoạt động trong Chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ nhất đều thuộc các lĩnh vực mà huyện Ngọc Hồi và huyện Phouvong đã ký kết hợp tác, cụ thể là hỗ trợ về phát triển nông nghiệp, y tế, giáo dục, văn hóa, quốc phòng, nhất là giáo dục truyền thống về tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước... Điều này không những cho thấy nội dung hợp tác giữa hai huyện là đúng đắn, phù hợp với chủ trương, chính sách đối ngoại giữa hai Đảng, hai Nhà nước, mà còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng như là sự định hướng, gợi mở, ủng hộ, để hai huyện vững tin trong quá trình hợp tác phát triển cấp địa phương. Chúng tôi thật sự trân trọng và cảm ơn về điều đó!

- Xin cảm ơn đồng chí!

Văn Chương (thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tao-xung-luc-moi-cho-su-phat-trien-cua-huyen-ngoc-hoi-post470524.html