Tạo thế đứng vững chắc cho xuất khẩu trái xoài gia tăng kim ngạch

Từ những tín hiệu tích cực trong xuất khẩu xoài ở một địa phương của vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào 2 tháng đầu của năm 2024, được kỳ vọng sẽ là động lực để tạo thế đứng vững chắc cho trái xoài xuất ngoại trong thời gian tới khi mà còn nhiều dư địa để tăng giá trị kim ngạch. Nhất là việc liên kết sản xuất, tiêu thụ xoài theo chuỗi giá trị, thâm nhập sâu vào những thị trường có lợi thế cạnh tranh cao…

Câu chuyện ở huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) ngay sau dịp Tết Nguyên đán vừa mới xuất khẩu (XK) 13 tấn xoài hạt lép sang Hàn Quốc đang cho thấy tính hiệu quả vững chắc của việc liên kết sản xuất, tiêu thụ xoài theo chuỗi giá trị.

Thành quả của liên kết chuỗi

Đây là thành quả từ sự hợp tác liên kết tiêu thụ xoài giữa bà con nông dân cùng Hợp tác xã GAP Cù Lao Giêng với Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit. Không chỉ vậy, đó còn là sự nỗ lực phát triển vùng xoài chất lượng cao, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, XK bền vững, đáp ứng nhu cầu XK xoài chất lượng cao của huyện Chợ Mới - là địa phương có diện tích trồng xoài lớn nhất tỉnh An Giang.

Một khi tạo được thế đứng vững chắc từ chuỗi giá trị thì XK xoài hoàn toàn có thể sớm gia tăng kim ngạch so với mục tiêu đề ra.

Nên nhắc thêm, hồi đầu tháng 1/2024, cũng ở huyện Chợ Mới, lần đầu tiên Công ty Vina T&T đã xuất thành công 7 tấn xoài tượng xanh sang thị trường Australia và Mỹ. Tính đến nay huyện này đã cấp được 41 mã số vùng trồng trên xoài tượng da xanh, với diện tích 6.149ha XK sang các thị trường: Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia.

Có thể nói việc liên tiếp xuất những lô hàng xoài vào những thị trường lớn khó tính như Mỹ, Australia, Hàn Quốc trong hai tháng đầu của năm 2024 tại một địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long là tín hiệu tích cực cho hoạt động XK xoài. Điều này càng thêm động lực để các chủ thể có liên quan tiếp tục tạo thế vững chắc cho trái xoài trong thời gian tới.

Đơn cử như với Hợp tác xã GAP Cù Lao Giêng vừa tham gia vào việc XK xoài hạt lép. Xét về khâu quy trình kỹ thuật chăm sóc, theo ông Nguyễn Minh Hiền, Giám đốc HTX, tất cả các thành viên của HTX sản xuất theo quy trình VietGap, còn bao trái thì hiện tại các thành viên làm theo nhu cầu của nhà XK. Về lợi ích của việc bao trái là không còn dư lượng của thuốc bảo vệ thực vật và chống được các côn trùng chích, hút. Từ đó sản phẩm thu hoạch đẹp hơn và đạt tiêu chuẩn của XK.

Từ cách đây 2 năm, HTX này đã liên kết với các công ty để XK xoài sang thị trường Mỹ loại xoài 3 màu VietGAP và xoài hạt lép. Riêng với xoài hạt lép, HTX chỉ thu mua hàng bao trái trọng lượng 230g trở lên, da sạch, giá thu mua cao gấp đôi, gấp 3 lần so với giá thị trường tùy vào từng thời điểm.

Đây được xem là bước tiến mới của Hợp tác xã GAP Cù Lao Giêng trong sản xuất xoài sạch, chất lượng. Bởi vì đa phần nông dân quan niệm chỉ bao xoài lớn còn xoài hạt lép đậu trái nhiều và kết dính thành chùm, khó bao trái, chi phí cao....Tuy nhiên khi mà thị trường XK ưa chuộng xoài hạt lép và số lượng xoài hạt lép mỗi mùa vụ thu hoạch chiếm phần lớn thì việc bao trái xoài hạt lép để đáp ứng thị trường XK là điều tất yếu.

Nói về tầm quan trọng của HTX trong XK xoài nói riêng và XK rau quả nói chung, qua trao đổi với VnBusiness, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhấn mạnh HTX chính là hạt nhân, là tế bào rất quan trọng trong hoạt động XK này.

Nhiều dư địa để tăng kim ngạch

Theo ông Nguyên, người nông dân không thể làm ăn riêng lẻ mà phải gắn kết với nhau bằng cách tham gia HTX, để từ đó xin mã số vùng trồng được thuận lợi nhằm phục vụ cho XK. Hơn nữa, khi tham gia HTX thì nông dân sẽ có điều kiện vay vốn để cải thiện, nâng cao cơ sở vùng trồng và được tham gia vào các chương trình tập huấn nâng cao kỹ thuật canh tác.

Và để hoạt động XK của ngành hàng này có bước phát triển vững chắc cho các chủ thể tham gia (gồm nông dân, doanh nghiệp, HTX, nhà khoa học), như lưu ý của ông Nguyên, khi họ đóng góp vào chuỗi giá trị thì họ phải có lợi ích tương đối hài hòa, nếu chỉ một bên hưởng lợi thì chắc chắn chuỗi giá trị đó sẽ gãy, gập ghềnh và không phát triển bền vững.

Cần nhắc lại, hồi năm rồi kim ngạch XK xoài đạt khoảng 370 triệu USD từ việc xuất sang 40 quốc gia trên thế giới. Giới quan sát cho rằng kim ngạch XK xoài như vậy vẫn chưa tương xứng với tiềm lực mặt hàng xoài của Việt Nam với tổng diện tích hiện có trong cả nước là trên 87.000 ha và có sản lượng đứng thứ 13 trên thế giới.

Trong khi đó, mục tiêu của ngành đến năm 2030 diện tích trồng xoài của Việt Nam đạt 140.000 ha, sản lượng đạt 1,5 triệu tấn, giá trị XK đạt 650 triệu USD (năm 2030).

Thực ra, giá trị kim ngạch XK xoài hoàn toàn có thể sớm tăng lên và rút ngắn thời gian như mục tiêu đề ra nếu như mặt hàng trái cây này có được thế đứng vững chắc trong chuỗi giá trị và đẩy mạnh XK sang những thị trường có lợi thế cạnh tranh.

Chẳng hạn như với thị trường Hàn Quốc. Mặc dù Việt Nam là thị trường cung cấp xoài lớn thứ 3 cho nước ngày, nhưng như Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) từng lưu ý tại thị trường Hàn Quốc trái xoài của Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng chưa cao, do đó vẫn còn nhiều dư địa để đẩy mạnh XK mặt hàng này tới Hàn Quốc trong thời gian tới.

Hoặc như với thị trường kề cận như Trung Quốc được cho là có nhu cầu tiêu thụ nội địa rất lớn nên nước này phải nhập khẩu xoài và sản phẩm từ xoài. Trong khi mùa thu hoạch xoài Trung Quốc diễn ra từ tháng 4 đến giữa tháng 9 hàng năm, thì xoài của Việt Nam được thu hoạch quanh năm và thu hoạch rộ vào dịp cuối năm. Ngoài nhập khẩu xoài tươi, lượng nước ép xoài nhập khẩu của Trung Quốc lớn hơn nhiều so với lượng XK của nước này.

Chính vì vậy, Việt Nam vẫn xác định Trung Quốc là thị trường XK trái xoài trọng điểm. Ngoài ra còn có các thị trường khác như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…

Do đó, các doanh nghiệp XK xoài của Việt Nam nên cân nhắc phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ sản xuất, thu mua, sơ chế, đóng gói và bảo quản. Điều này nhằm đáp ứng các quy định của thị trường về truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh để tăng xuất khẩu xoài sang Trung Quốc và giữ vững vị thế.

Mặc khác, để tăng sản lượng xoài XK, các cơ sở sản xuất xoài của Việt Nam phải tính tới phát triển theo chuỗi giá trị, từ sản xuất, thu mua, sơ chế, đóng gói, bảo quản…

Nói chung, với tiềm lực hiện có, so với mục tiêu đến năm 2020 là đạt kim ngạch 650 triệu USD, một khi tạo được thế đứng vững chắc thì mặt hàng xoài hoàn toàn có thể sớm vượt được mục tiêu đề ra, thậm chí là làm nên những điều bất ngờ như một số loại trái cây chủ lực khác.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/tao-the-dung-vung-chac-cho-xuat-khau-trai-xoai-gia-tang-kim-ngach-1098350.html