Tạo sự thống nhất để phát triển vùng Đông Nam Bộ

Ngày 31/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp chi nhánh Nhà Xuất bản Chính trị Sự thật tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo 'Giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về Đông Nam Bộ'.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ cho biết, Đông Nam Bộ là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước.

Vùng còn là trung tâm công nghiệp, cảng biển, logistics lớn nhất cả nước, hàng năm đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam.

Vùng Đông Nam Bộ có sự thay đổi tích cực ở hầu hết các ngành, các lĩnh vực. Cụ thể như ngành công nghiệp công nghệ cao, du lịch, viễn thông, tài chính, ngân hàng, ứng dụng và triển khai, đào tạo nguồn nhân lực… với tứ giác động lực Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, cùng sự năng động kinh tế và vai trò ngày càng cao của Bình Phước, Tây Ninh.

Tuy nhiên, vùng còn nhiều hạn chế, yếu kém và khó khăn thách thức lớn như phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước; đóng góp vào tổng thu ngân sách nhà nước giảm, tốc độ tăng năng suất lao động thấp; công tác quy hoạch và triển khai thực hiện các quy hoạch còn chậm.

Quang cảnh hội thảo.

“Mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển và sức lan tỏa của vùng”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng nhấn mạnh.

Thể chế liên kết vùng chưa đồng bộ, chưa hiệu lực, hiệu quả; thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích, huy động hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kết nối vùng quan trọng, quy mô lớn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ

Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng, một số công trình trọng điểm của vùng còn chậm tiến độ; chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn; khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa đóng góp nhiều vào đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển nhà ở xã hội cho công nhân làm việc tại khu công nghiệp, khu chế xuất chưa đáp ứng nhu cầu…

Những hạn chế, yếu kém trên chủ yếu là do nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng Đông Nam Bộ và liên kết vùng chưa đầy đủ. Một số mục tiêu đề ra khá cao trong khi huy động và sử dụng nguồn lực còn hạn chế, phân bổ nguồn lực còn thiếu trọng tâm, trọng điểm.

Phân cấp, phân quyền chưa tạo được sự chủ động cho các địa phương; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, khả năng hấp thụ, làm chủ công nghệ cao còn thấp. Năng lực quản lý của bộ máy còn hạn chế, năng lực cán bộ các cấp, nhất là cấp cơ sở về quản trị xã hội, xử lý tình huống bất thường chưa đáp ứng được yêu cầu…

Đại biểu phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia tập trung thảo luận, phân tích các vấn đề cấp thiết để phát triển vùng Đông Nam Bộ hiện nay; đánh giá thực trạng, nhận diện các vấn đề tồn tại của vùng Đông Nam Bộ trong bối cảnh mới; dự báo xu hướng, xây dựng luận điểm và đề xuất giải pháp để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị cho vùng Đông Nam Bộ…

Theo Nghiên cứu sinh Lê Thị Mỹ, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, thực tế cho thấy, hệ thống giao thông vùng hiện đang quá tải, phát triển kém. Các dự án được quy hoạch mang tính kết nối liên vùng như cao tốc, đường vành đai đều triển khai chậm.

Để phát triển vùng Đông Nam Bộ thì cần giải quyết cấp thiết rào cản về hạ tầng giao thông kết nối trong vùng, kết nối vùng Đông Nam Bộ với các vùng lân cận và cảng biển, sân bay thông qua các tuyến đường bộ cao tốc...

Qua thảo luận, các đại biểu đề xuất các địa phương trong vùng, các ban, ngành trung ương cần tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng.

Vấn đề quan trọng nhất chính là tạo sự thống nhất cao ở tất cả các cấp, các ngành về yêu cầu cấp bách phải đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng, tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh vùng.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tao-su-thong-nhat-de-phat-trien-vung-dong-nam-bo-post780356.html