Tạo sự thoải mái cho không gian bếp

Người dân ngày càng có xu hướng lựa chọn những không gian đa năng có thể thích nghi với các chức năng khác nhau, chẳng hạn như đảo bếp tích hợp chỗ ngồi và đồ lưu trữ để phục vụ nhu cầu nấu nướng, ăn uống và giao lưu...

Thiết kế phòng bếp mở ngày càng trở thành xu hướng phổ biến trong lĩnh vực thiết kế nội thất hiện đại.

Thiết kế phòng bếp mở ngày càng trở thành xu hướng phổ biến trong lĩnh vực thiết kế nội thất hiện đại.

Xu hướng thiết kế không gian bếp thoải mái

Anh Phạm Việt Dũng (quận Đống Đa) cho biết, gia đình anh sửa sang lại nhà cửa và đang tiến hành lắp đặt nội thất. Dù không mua sắm quá nhiều, tiết kiệm cho phòng ngủ với phòng khách nhưng riêng căn bếp được ưu tiên hàng đầu.

"Vợ chồng tôi đều có sở thích đam mê ẩm thực nên phòng bếp được chăm chút nhiều nhất. Vì khu vực này ghi lại những khoảnh khắc vui vẻ nhất của cả gia đình, là nơi cùng nhau bắt đầu ngày mới, ăn sáng rồi uống cà phê" - anh Dũng chia sẻ.

Nội thất của bếp chú trọng vào tính ứng dụng cao, nhằm tối ưu hóa không gian và thuận tiện. Đặc biệt, ở giữa phòng là khu vực đảo bếp - khu vực đa chức năng, không chỉ là nơi sơ chế thực phẩm trước khi chế biến, ăn nhẹ, hoặc có thể là một quầy bar nhỏ…

Theo bà Lý Thục Anh - chủ cơ sở nội thất, thiết bị vệ sinh tại đường Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy), kích thước của đảo bếp đóng vai trò quyết định đến thẩm mỹ cũng như công năng của của toàn bộ không gian nhà bếp. Đảo bếp quá lớn sẽ lấn át khu vực nấu nướng, hạn chế di chuyển và ngược lại, diện tích đảo bếp quá nhỏ sẽ tạo ra một khoảng không trống trải.

"Một đảo bếp nên cách không gian xung quanh mỗi bên khoảng 4m để đảm bảo việc mở thiết bị nhà bếp được dễ dàng hơn, mọi người cũng cảm thấy thoải mái khi đi lại trong khu vực này. Đặc biệt, với những gian bếp có kích thước quá nhỏ thì không nên bố trí đảo bếp" - bà Thục Anh chia sẻ.

Đa phần bàn đảo thường có tủ đựng đồ phía dưới giúp thoải mái cất giữ đồ đạc gọn gàng. Với những đồ dùng có kích thước lớn như xoong, nồi, chậu rửa,… bảo quản ở trong những ngăn tủ lớn. Còn với những vật dụng có kích thước bé như bát, đĩa, đũa có thể cất giữ trong các ngăn kéo.

Đảo bếp sẽ giúp căn bếp luôn gọn gàng, ngăn nắp và sạch sẽ. Việc cất giữ và tìm kiếm khi có nhu cầu cũng trở nên thuận tiện và nhanh chóng hơn. Nhờ đó mà người nội trợ không tốn nhiều thời gian và công sức đi tìm đồ dùng nấu nướng.

Bàn bếp thủ công

Hiện nay, không gian thoải mái là ưu tiên hàng đầu của người dân khi thiết kế gian bếp trong nhà. Bên cạnh đó mặt bếp được làm bằng bê tông, hoặc đá hoa cương cũng đang thịnh hành với những ai ưu tiên tính bền vững và vật liệu ít cần bảo dưỡng.

Giám đốc Công ty CP Module 9 Đỗ Văn Hải cho biết, mặt bàn bếp bằng bê tông mài hoặc đá mài terrazzo – ngày càng trở nên phổ biến làm cho không gian bếp trở nên hiện đại, ấn tượng bởi vẻ thô mộc, tinh tế của loại sản phẩm này.

"Lợi ích của việc lựa chọn sản phẩm này là chi phí thi công thấp so với các loại chất liệu khác (như đá hoa cương, đá kim sa, mặt thủy tinh cường lực...). Vì mặt bếp được thi công tại chỗ nên có hình dáng linh hoạt, không bị gò bó" - ông Hải cho biết.

Ngoài ra, mỗi mặt bàn đều được làm thủ công, vì thế, các mặt bàn đều có các họa tiết và hoa văn khác biệt độc đáo, không trùng lặp. Mặt bàn được thi công riêng theo yêu cầu thiết kế của khách hàng với đa dạng màu sắc, hoa văn, kích thước, vật liệu tự nhiên.

Bê tông là loại vật liệu có tính đa năng cao, sự sáng tạo trong cấu trúc và kỹ thuật đổ khuôn đã tạo ra nhiều thiết kế nội thất bê tông tinh xảo và hiện đại trong những năm gần đây. Việc sử dụng bê tông cốt sợi thủy tinh cho phép tạo khuôn với bất kỳ hình dáng và mẫu mã nào, khiến cho sức sáng tạo thiết kế là vô hạn với các mẫu thiết kế cho mặt bàn bằng bê tông.

Thành Luân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tao-su-thoai-mai-cho-khong-gian-bep.html