Tạo sinh kế cho hộ nghèo vươn lên

Xác định công tác giảm nghèo là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, trong thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã đẩy mạnh triển khai các giải pháp thực hiện. Trong đó, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao đời sống cho Nhân dân.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chính phủ ban hành quy định về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình, tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiêm túc triển khai thực hiện.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình tổ chức lớp dạy nghề mây tre đan cho người dân trên địa bàn huyện.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình tổ chức lớp dạy nghề mây tre đan cho người dân trên địa bàn huyện.

UBND tỉnh đã xây dựng các kế hoạch, đề án, quyết tâm thực hiện các mục tiêu về giảm nghèo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp giảm nghèo đồng bộ từ khâu lập kế hoạch đến tổ chức thực hiện. Việc tiến hành rà soát, đánh giá hộ nghèo tại các địa phương theo tiêu chí đa chiều được thực hiện nhằm tìm ra các nhóm nguyên nhân để triển khai các giải pháp.

Trong đó, việc hỗ trợ hộ nghèo tập trung vào: hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi trong phát triển sản xuất, tổ chức các lớp tập huấn trồng trọt, chăn nuôi, đẩy mạnh phát triển du lịch, dạy nghề cho lao động nông thôn, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động, đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo… Từ đó đã tạo động lực, sinh kế cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo hiệu quả.

Gia đình chị Chúc Thị Nải, dân tộc Dao ở tổ dân phố Đon Bả, thị trấn Lăng Can (Lâm Bình) là một trong những hộ được tạo điều kiện về nguồn vốn vay ưu đãi. Trước đây, kinh tế gia đình chị Nải chủ yếu trông chờ vào mấy sào ruộng nên rất khó khăn. Năm 2021, thông qua tổ tiết kiệm vay vốn ủy thác từ Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn, gia đình chị được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lâm Bình tạo điều kiện cho vay 100 triệu đồng để mua 2 con trâu sinh sản.

Có vốn, gia đình chị đã đầu tư cải tạo chuồng trại, chăn nuôi trâu sinh sản và kết hợp trồng cây ăn quả. Nhờ phát triển mô hình này, gia đình chị Nải đã bước đầu có thu nhập ổn định, mỗi năm đạt hơn 100 triệu đồng. Chị Nải cho biết, gia đình chị cũng như các hộ nghèo trên địa bàn đã được hỗ trợ rất nhiều từ các chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước. Những chính sách ý nghĩa đã tạo động lực để hộ nghèo vươn lên và có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Trong năm 2023, gia đình anh Ngô Văn Lý, dân tộc Mông ở thôn 8, xã Minh Hương (Hàm Yên) đã được hỗ trợ làm nhà mới theo Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Từ ngày có nhà mới, gia đình anh đã “an cư lạc nghiệp”.

Anh Lý cho biết, giờ không phải lo nhà dột nát nữa, gia đình anh sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển mô hình nuôi trâu bò nhốt chuồng để tăng nguồn thu, cố gắng thoát nghèo trong thời gian sớm nhất.

Thực hiện Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, đến nay toàn tỉnh đã hỗ trợ làm mới và sửa chữa hơn 4.500 hộ nghèo với tổng kinh phí huy động trên 568 tỷ đồng, đạt hơn 118% kế hoạch đề ra của cả giai đoạn.

Không dừng lại ở những kết quả đạt được, Đề án trên đang tiếp tục được các cấp, các ngành triển khai thực hiện, cố gắng huy động thêm nhiều nguồn lực để hỗ trợ nhiều hơn cho những hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở, tạo động lực vững chắc để hộ nghèo vươn lên.

Thu hút đầu tư, tạo việc làm mới cho lao động giúp giảm nghèo hiệu quả. (Trong ảnh: Lao động làm việc tại nhà máy của Công ty TNHH Sản xuất giày Chung Jye Tuyên Quang).

Thu hút đầu tư, tạo việc làm mới cho lao động giúp giảm nghèo hiệu quả. (Trong ảnh: Lao động làm việc tại nhà máy của Công ty TNHH Sản xuất giày Chung Jye Tuyên Quang).

Các cấp, các ngành đã nỗ lực hỗ trợ, triển khai các cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước, của tỉnh đến với hộ nghèo một cách kịp thời, đầy đủ. Đồng chí Hoàng Văn Chung, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Chiêm Hóa cho biết, trong năm 2023, Trung tâm đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị mở được 15 lớp đào tạo nghề cho trên 500 lao động nông thôn tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, với các lớp dạy nghề như: sửa chữa máy nông nghiệp, mây tre đan, trồng trọt, chăn nuôi… Sau khi hoàn thành các khóa học, nhiều học viên được hỗ trợ tìm kiếm việc làm ở trong và ngoài tỉnh với mức thu nhập ổn định. Việc mở các lớp dạy nghề gắn với nhu cầu xã hội và phù hợp với điều kiện thực tế tại các địa phương đã giúp nhiều lao động phát triển nghề đã học tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho gia đình.

Toàn tỉnh đã tăng cường huy động nguồn lực thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Từ việc tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các Chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần cải thiện đời sống, ổn định kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 4,87%/năm, đạt 106% kế hoạch; toàn tỉnh không còn hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng.

Từ những kết quả tích cực đạt được trong công tác giảm nghèo đã góp phần hoàn thành các mục tiêu chung của toàn tỉnh. Điều đó cũng thể hiện sự quyết tâm, đồng lòng của toàn tỉnh nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-20205), phấn đấu đưa tỉnh Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.

Bài, ảnh: Huy Hoàng

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/tao-sinh-ke-cho-ho-ngheo-vuon-len-185412.html