Tạo nguồn lực cho quá trình phục hồi nền kinh tế

Sau gần 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội (NQ 43), tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) giai đoạn 2021 – 2025.

Trong ngày 24 và 25/1, Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh đã làm việc với các sở, ngành, đơn vị liên quan đến việc thực hện NQ 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi phát triển KTXH và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án trọng điểm Quốc gia đến hết năm 2023 trên địa bàn tỉnh.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu phát biểu tại buổi giám sát ở Sở Kế hoạch & Đầu tư

Nhiều kết quả quan trọng

Làm việc với đoàn giám sát, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, quá trình triển khai NQ 43 tỉnh đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Theo đó, KTXH của tỉnh phục hồi tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên hầu hết các ngành, lĩnh vực.

Năm 2022, 14/14 chỉ tiêu chủ yếu thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,56%, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, cao hơn mức bình quân chung của cả nước, đứng thứ 38/63 tỉnh/thành phố, thứ 7/14 tỉnh/thành khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. Năm 2023, 13/14 chỉ tiêu chủ yếu thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,03%, xếp thứ 28/63tỉnh/thành cả nước và 9/14 tỉnh/thành trong vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung.

Liên quan đến tình hình thực hiện các dự án sử dụng vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo NQ 43. Tiến độ giải ngân nguồn vốn so với kế hoạch được giao đạt trên 50%, trong đó một số dự án đạt trên 75% như, xử lý sạt lở bờ biển đoạn qua xã Phú Thuận, xã Phú Hải, huyện Phú Vang; dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị 31 trạm y tế tuyến xã.

Đối với dự án trọng điểm quốc gia, Sở Giao thông Vận tải được giao làm chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn (địa phận Thừa Thiên Huế) thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.

Ông Lê Công Diễn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, tổng chi phí giải phóng mặt bằng sau khi điều chỉnh tổng mức đầu tư là hơn 567,380 tỉ đồng trong đó, ban quản lý tiểu dự án giải phóng mặt bằng Sở Giao thông Vận tải thực hiện 92,85 tỷ đồng (chủ yếu di dời đường điện cao thế). Chi phí còn lại thuộc về các địa phương như, huyện Phong Điền, Phú Lộc, TX. Hương Trà, Hương Thủy, TP. Huế.

Liên quan đến chính sách tài khóa, tiền tệ, theo bà Phạm Hương Giang, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh, trong năm 2022 và 2023, các chương trình tín dụng chính sách thực hiện theo Nghị quyết 11/NQ-CP có chỉ tiêu dư nợ được giao là 667,4 tỷ đồng. Đến ngày 31/12/2023, dư nợ cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đạt 667,4 tỷ đồng, tăng 358,5 tỷ đồng so với năm 2022, hoàn thành 10% kế hoạch dư nợ được giao, với 11.187 lượt khách hàng tham gia vay vốn.

Bà Phạm Hương Giang, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh thông tin về các gói hỗ trợ lãi suất cho người dân, doanh nghiệp

Ông Hà Văn Khoa, Cục trưởng Cục thuế tỉnh cho rằng, NQ 43 đã tạo nguồn lực thực sự cho người dân và doanh nghiệp, góp phần kích thích tiêu dùng của người dân, đảm bảo tính cân đối ngân sách.

Tại Thừa Thiên Huế, ông Khoa thông tin, thực hiện Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 đã giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022 áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%), chỉ trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ nhất định. Từ đó, đã làm giảm số thuế giá trị gia tăng đầu ra 496 tỷ đồng.

Nhận diện các khó khăn

Trong các buổi làm việc, thành viên đoàn giám sát và lãnh đạo các sở, ban, ngành cũng chỉ rõ nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện NQ 43. Đáng chú ý là việc triển khai gói chính sách hỗ trợ 2% lãi suất còn gặp nhiều khó khăn.

Các ngành nghề, đối tượng kinh doanh của khách hàng rất đa dạng, đan xen nên các ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn để xác định đúng mục đích sử dụng vốn vay được hỗ trợ lãi suất. Nhiều khách hàng có nhu cầu hỗ trợ lãi suất nhưng không thuộc đối tượng quy định; các khách hàng thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất nhưng chủ động phản hồi từ chối hỗ trợ lãi suất do e ngại, sợ bị kiểm tra, thanh tra. Ngoài ra, việc cung cấp hóa đơn, chứng từ thanh toán chứng minh mục đích sử dụng vốn của khách hàng theo quy định còn chưa đầy đủ, đặc biệt là khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trong thời gian triển khai chương trình hỗ trợ nhà ở, thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh có thời điểm “tăng nóng”, nhiều người mặc dù có nhu cầu thực sự về nhà ở nhưng khó tiếp cận đất đai nên làm ảnh hưởng đến việc đăng ký nguồn vốn tăng trưởng và thực hiện cho vay gặp nhiều khó khăn.

Đối với các dự án chậm tiến độ hầu hết vướng mắc từ khâu giải phóng mặt bằng và thiếu những thủ tục, hướng dẫn liên quan.

Sau gần 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 43, nền kinh tế đã phục hồi tích cực

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, lãnh đạo các sở, ngành kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Đề nghị Chính phủ tập trung ưu tiên nguồn lực, bố trí đủ, kịp thời nguồn vốn để thực hiện hiệu quả hơn các chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, nhất là nguồn vốn đối với chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị quyết 11/NQ-CP và Nghị quyết 181/NQ-CP nhằm đáp ứng nhu cầu vốn ngày càng lớn của người lao động trên địa bàn tỉnh.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Thị Sửu ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực triển khai thực hiện NQ 43 của các sở, ngành, đơn vị. Bà Sửu khẳng định, NQ 43 là quyết sách đột phá, phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Giám sát tại các cơ quan liên quan, bà Sửu yêu cầu đánh giá tính phù hợp trong quá trình triển khai NQ 43 với hệ thống pháp luật; rà soát lại những khó khăn, đặc biệt là các dự án chậm tiến độ, từ đó tìm nguyên nhân để hướng đến các giải pháp trong thời gian tới…

Liên quan đến các kiến nghị của lãnh đạo các sở, ngành, bà Sửu cho biết, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp, chuyển đến Quốc hội, đồng thời đề đạt các nguyện vọng này trong các kỳ họp sắp tới.

LÊ THỌ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/theo-dong-thoi-su/tao-nguon-luc-cho-qua-trinh-phuc-hoi-nen-kinh-te-137398.html