Tảo mộ cuối năm, nét đẹp truyền thống của người Việt

Tảo mộ hay còn được gọi là chạp mả là việc dọn dẹp, sửa sang lại phần mộ của tổ tiên vào ngày trước Tết. Đây là một trong những phong tục truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, nhắc nhở con cháu về tấm lòng hiếu thảo, sự biết ơn đối với ông bà, tổ tiên, những người đã khuất.

Việc tảo mộ thường được các gia đình tổ chức vào những ngày cuối cùng của tháng Chạp hằng năm, trước khi làm cơm cúng tất niên. Đây chính là dịp để gia đình, con cháu đoàn tụ, sum vầy và giãi bày những tâm tư, tình cảm với những người đã khuất; thể hiện lòng hiếu kính của con cháu với tổ tiên, dòng họ, giáo dục con cháu về lòng hiếu thuận, sự biết ơn với các bậc tiền nhân.

Lễ tảo mộ thường bắt đầu sau ngày 23 đến hết ngày 30 tháng Chạp.

Lễ tảo mộ thường bắt đầu sau ngày 23 đến hết ngày 30 tháng Chạp. Trong lễ tảo mộ, ngoài việc chuẩn bị các đồ lễ mặn, bánh chưng, chè thuốc, vàng mã, hoa quả, bánh kẹo… dâng cúng tổ tiên, thì các gia đình còn dành thời gian chăm sóc các phần mộ, lau dọn, nhổ cỏ, trồng thêm cây hoa mới…

Sau khi sửa sang phần mộ, dọn dẹp sạch sẽ, con cháu sẽ đem hương hoa, lễ vật đến và thắp hương khấn vái thần linh, tổ tiên ông bà đã khuất, mời ông bà tổ tiên về đón Tết cùng con cháu.

Sau khi sửa sang phần mộ, dọn dẹp sạch sẽ, con cháu sẽ đem hương hoa, lễ vật đến và thắp hương, mời ông bà tổ tiên về đón Tết cùng con cháu.

Với người dân Việt Nam, tục tảo mộ trước Tết Nguyên đán là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt mỗi dịp Tết đến Xuân về. Bởi thế, hàng năm, dù đi đâu, ở đâu, những người con xa xứ cũng nhớ quay về quê xưa, chốn cũ cùng anh chị em, họ hàng tham gia tảo mộ để nhớ về tổ tiên, giáo dục con cháu về lòng hiếu thảo, tri ân nguồn cội.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/tao-mo-cuoi-nam-net-dp-truyen-thong-cua-nguoi-viet-218179.htm