Tạo lập hệ sinh thái tài chính số

Chuyển tiền, thanh toán hóa đơn mua hàng vài chục ngàn đồng, thậm chí nộp lệ phí công chứng chỉ vài ngàn đồng…, người dân cũng quét mã QR để thực hiện. Thói quen dùng tiền mặt của người dân thay đổi như vậy là nhờ thời gian qua, các ngân hàng đã chủ động tạo lập hệ sinh thái tài chính số nhằm gia tăng trải nghiệm cho khách hàng.

Người dân thanh toán đơn hàng bằng cách quét mã QR. Ảnh: Lê Hảo

Trong thời đại kinh tế số phát triển như hiện nay, công nghệ không chỉ làm thay đổi phương thức, hành vi thanh toán của mỗi cá nhân, mà còn làm thay đổi nhận thức của người dân về xã hội số.

Thay đổi thói quen dùng tiền mặt

Chị Hờ Chiều (quê xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa) làm công nhân ở tỉnh Bình Dương. Cận tết chị mới về quê nhưng đầu tháng Chạp, Hờ Chiều đã tranh thủ chuyển tiền cho cha mẹ mua sắm tết. Chị cho biết: Trước đây, cha mẹ mình muốn chuyển tiền cho con gái hoặc nhận tiền con gửi về đều phải vượt hơn 10 cây số đến thị trấn Củng Sơn, vào một cửa hàng điện máy nhờ nhân viên thực hiện giao dịch. Từ khi tải ứng dụng ngân hàng điện tử về sử dụng, việc chuyển tiền, nhận tiền thuận lợi hơn, cha mẹ không phải đi xa như trước. Hiện các khoản điện, nước trong nhà, mình đều đăng ký thanh toán tự động qua app, gia đình không phải trả tiền mặt nữa.

Gần 1 năm nay, chị Lê Thị Thanh Hà ở phường 5, TP Tuy Hòa cũng đã quen với việc thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) thông qua các ứng dụng ngân hàng điện tử. Từ những khoản tiền lớn như thanh toán học phí học lái xe ô tô, mua sắm hàng điện máy có giá trị hay nhưng khoản tiền nhỏ như mua hàng siêu thị, mua tạp hóa, hay thậm chí là mua bánh mì ở vỉa hè, chị Hà cũng thanh toán bằng cách quét mã QR.

Theo chị Hà, hiện nay, rất ít lần chị phải rút tiền mặt bởi đi đâu, làm gì cũng có thể thanh toán qua thẻ. Vừa tiện lợi, nhanh chóng, lại không sợ rủi ro khi phải đem theo một số tiền lớn.

“Mới đây, tôi đến phường công chứng. Số lượng giấy tờ cần công chứng ít, lệ phí chỉ vài ngàn đồng nhưng tôi vẫn có thể quét mã QR vì UBND phường có trang bị sẵn mã này để công dân thanh toán. Tôi thật sự bất ngờ vì điều này”, chị Hà chia sẻ.

Không chỉ dùng ứng dụng ngân hàng để thanh toán hóa đơn các loại, chị Ðặng Phan Vy Uyển, hộ kinh doanh ở thôn Phú Vang, xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa) còn liên kết với ứng dụng thuế điện tử để nộp thuế qua mạng.

Chị Uyển cho hay: Ứng dụng tài chính số được các ngành phát triển đồng bộ nên rất thuận lợi, nhất là đối với những người kinh doanh như chúng tôi. Hầu hết các khoản thu chi đều được TTKDTM nên mỗi khi cần sao kê, tôi có thể thực hiện rất dễ dàng. Mình cũng nắm rõ dòng tiền ra - vô nên lên kế hoạch mua bán được tốt hơn.

Nhân viên ngân hàng hướng dẫn khách hàng cách sử dụng ứng dụng ngân hàng điện tử. Ảnh: LÊ HẢO

Thanh toán điện tử gia tăng

Việc ngày càng có nhiều người dân thay đổi thói quen TTKDTM thời gian qua một phần vì việc mở tài khoản, đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử hiện nay quá thuận lợi, phần khác vì các ngân hàng đang đẩy mạnh triển khai các dịch vụ thanh toán đến tận vùng nông thôn.

Ông Lê Văn Thịnh, Giám đốc Agribank Phú Yên cho biết: Thời gian qua, Agribank Phú Yên chỉ đạo các chi nhánh trực thuộc đẩy mạnh triển khai các giải pháp TTKDTM trên địa bàn. Cụ thể là thực hiện chương trình khuyến mãi tải app trúng thưởng, cung cấp mã QR cho các hộ kinh doanh, tiểu thương, thu hộ tiền thuế, điện, nước, viễn thông… giúp khách hàng thuận tiện trong thanh toán và dần thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt trong lưu thông.

Còn đại diện Vietcombank Phú Yên cho hay, năm 2023, chi nhánh phát triển thêm hơn 18.7000 khách hàng cá nhân sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử trên toàn tỉnh. Riêng ứng dụng ngân hàng số dành cho doanh nghiệp, đơn vị cũng có hơn 470 khách hàng đăng ký sử dụng. Với ứng dụng ngân hàng điện tử dành cho doanh nghiệp của Vietcombank, giám đốc và kế toán doanh nghiệp hoàn toàn có thể quản lý tài chính doanh nghiệp, thanh toán hóa đơn, trả lương nhân viên, nộp tiền ngân sách nhà nước… mà không mất nhiều thời gian, chi phí.

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, năm 2023, số lượng và giá trị giao dịch TTKDTM trên địa bàn tỉnh có sự gia tăng vượt bậc, trong đó chủ yếu tăng mạnh giao dịch qua kênh điện thoại. Cụ thể, tổng giá trị TTKDTM theo các kênh giao dịch thanh toán đạt 413.127 tỉ đồng, tăng 37,26% so với năm 2022 với hơn 44,76 triệu lượt giao dịch, tăng 64,83% so với năm 2022. Trong đó, số lượng giao dịch qua kênh mobile banking đạt gần 26,6 triệu món, tăng 120% so với năm 2022; giá trị giao dịch đạt 207.182 tỉ đồng, tăng 95,62% so với năm 2022.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục thực hiện tốt quá trình chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng; tập trung cải tiến, hiện đại hóa quy trình cung cấp, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ.

Các ngân hàng cũng cần ứng dụng công nghệ tiên tiến, triển khai mạnh mẽ các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số; đẩy mạnh TTKDTM trên địa bàn nhằm tạo môi trường thuận lợi trong việc tiếp cận dịch vụ tài chính, ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp, nhất là người có thu nhập thấp, doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn.

Hiện nay, rất ít lần tôi phải rút tiền mặt bởi đi đâu, làm gì cũng có thể thanh toán qua thẻ. Vừa tiện lợi, nhanh chóng, lại không sợ rủi ro khi phải đem theo một số tiền lớn.

Chị Lê Thị Thanh Hà ở phường 5, TP Tuy Hòa

LÊ HẢO

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/313068/tao-lap-he-sinh-thai-tai-chinh-so.html