Tạo đột phá trong phát triển văn hóa

Sáng qua, cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cho rằng, việc đầu tư Chương trình ở thời điểm này đã 'đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn'.

Dù chủ trương chung là thu gọn các chương trình mục tiêu quốc gia (từ 16 chương trình trước năm 2015 đến nay chỉ còn 3 chương trình), nhưng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa ngay từ khi được đề xuất đã luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ rất lớn từ các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, cử tri và nhân dân bởi tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa với đời sống xã hội cũng như sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong thế giới đầy biến động hiện nay.

Với 7 mục tiêu tổng quát và 9 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2030, 9 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2035, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần, 153 chỉ tiêu chi tiết, 42 nhiệm vụ cụ thể, 186 hoạt động chi tiết. Chương trình cũng xác định 7 nhóm đối tượng thụ hưởng, với phạm vi thực hiện không chỉ ở trong nước mà còn ở một số nước có mối quan hệ văn hóa, tương tác văn hóa lâu dài với Việt Nam; có quy mô thực hiện trên tất cả các đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, cấp thôn trên phạm vi cả nước, một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Nhiều nội dung được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đánh giá là "khó, có nhiều quan điểm, cách tiếp cận khác nhau, cần phải được nghiên cứu, đánh giá toàn diện". Điều này cho thấy sự dụng công và cả kỳ vọng lớn lao của Chính phủ, trực tiếp là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với Chương trình này. Nhưng qua đó cũng đặt ra những thách thức rất lớn đối với việc bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của Chương trình.

Tại Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã chỉ ra nhiều vấn đề căn cốt cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện đối với Chương trình. Trong đó, sự chồng chéo, trùng lặp về mục tiêu, đối tượng thụ hưởng, nội dung, nguồn vốn thực hiện và cơ chế quản lý, điều hành Chương trình là những vấn đề Quốc hội cần đặc biệt quan tâm khi xem xét tại Kỳ họp thứ Bảy tới. Cụ thể, về mục tiêu, đối tượng, nội dung, cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai hiện nay đều có nội dung đầu tư về phát triển văn hóa. Chưa kể, nhiều chương trình liên quan đến phát triển văn hóa do Thủ tướng ban hành cũng có nội dung trùng lặp về mục tiêu, đối tượng thụ hưởng, nguồn vốn thực hiện. Chính phủ đã đề xuất phương án xử lý sự trùng lặp này nhưng cũng chưa thực sự thuyết phục. Còn về cơ chế quản lý, điều hành, Chương trình đang được thiết kế với rất nhiều đầu mối chịu trách nhiệm hướng dẫn, triển khai thực hiện và nhiều văn bản hướng dẫn cần được ban hành. Theo Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình thì có tới 21 bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được giao những nhiệm vụ cụ thể; các bộ, cơ quan trung ương khác được giao một số nhiệm vụ chung. Với cách thức quản lý, điều hành Chương trình như vậy, đúng như đánh giá của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục “có thể dẫn tới những khó khăn, vướng mắc khi triển khai ở cơ sở” bởi đây là những hạn chế đã được chỉ rất rõ qua giám sát tối cao của Quốc hội về thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia vừa qua.

Sứ mệnh của văn hóa, như lời căn dặn vô cùng sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “soi đường cho quốc dân đi”. Tiếp nối tư tưởng, quan điểm của Người, trong thời đại phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, Đảng ta xác định, văn hóa là “nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. Việc quyết định đầu tư một Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa trong bối cảnh hiện nay là vô cùng cấp thiết. Nhưng cũng cần xác định rõ, một Chương trình - dù thiết kế hoàn hảo đến mấy cũng không thể đảm đương được hết những yêu cầu, đòi hỏi đặt ra đối với phát triển văn hóa. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục ngay trong báo cáo thẩm tra cũng đã nhấn mạnh "Chương trình mục tiêu quốc gia là chính sách quan trọng của Nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ, dự án quan trọng, cấp bách của ngành văn hóa, không thay thế toàn bộ các nhiệm vụ đầu tư khác của Nhà nước cho hoạt động phát triển văn hóa". Thống nhất như vậy mới có thể xác định thật đúng, thật trúng trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của Chương trình, tạo nên những đột phá để văn hóa thực hiện được sứ mệnh đặc biệt và cao cả của mình.

Nguyễn Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/tao-dot-pha-trong-phat-trien-van-hoa-i371787/