Tạo đột phá tăng trưởng ngành Nông nghiệp

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 trong điều kiện nhiều khó khăn, thách thức, song, với sự chủ động, linh hoạt triển khai các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao và gắn trách nhiệm người đứng đầu từng đơn vị trực thuộc, tốc độ tăng GRDP nông, lâm nghiệp, thủy sản (giá so sánh năm 2010) của ngành nông nghiệp bình quân 3 năm (2021-2023) tăng 3,0%/năm, vượt mục tiêu đề ra từ 1,5 - 2,0%/năm, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Mô hình trồng dưa áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới của gia đình anh Tạ Văn Hiệp, thôn Đống Cao, xã Văn Tiến (Yên Lạc) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thế Hùng

Mô hình trồng dưa áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới của gia đình anh Tạ Văn Hiệp, thôn Đống Cao, xã Văn Tiến (Yên Lạc) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thế Hùng

Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, từ đầu nhiệm kỳ, Sở NN&PTNT đã tham mưu với tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM); đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng chương trình hành động, đề ra nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, hiệu quả.

Nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm, ngành Nông nghiệp đã chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao; chuyển đổi đất lúa sang các cây trồng khác có thị trường, hiệu quả hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản phù hợp với sinh thái của địa phương; đẩy mạnh phát triển sản xuất rau, quả, cây dược liệu ở những nơi có lợi thế, theo quy hoạch.

Nổi bật, từ năm 2021 đến nay, sản xuất trồng trọt đã chuyển dịch mạnh cơ cấu giống, cây trồng, mùa vụ theo hướng sản xuất hàng hóa, vùng tập trung quy mô lớn; các cây trồng có giá trị kinh tế cao được mở rộng diện tích, cơ giới hóa được áp dụng ở hầu hết các khâu trong sản xuất.

Nhờ vậy, dù tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm giảm 0,8%/năm nhưng năng suất cây trồng vẫn tăng và đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm trên địa bàn. Bình quân 3 năm 2021 - 2023, năng suất lúa ước tăng 1%, ngô tăng 1,6%, rau các loại tăng 0,7%...

Tỷ lệ giống lúa chất lượng và chất lượng cao năm 2022 đạt gần 77% diện tích; hình thành nhiều vùng sản xuất rau, quả an toàn thực phẩm theo quy trình VietGAP; các cây trồng có giá trị kinh tế cao như bí đỏ, bí xanh, cà chua, su su, dưa các loại được phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa... Riêng 6 tháng đầu năm 2023, giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt ước tăng gần 13% so với cùng kỳ.

Để hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra “Giữ ổn định độ che phủ rừng của tỉnh ở ngưỡng 25% đến năm 2025”, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả bền vững diện tích rừng hiện có; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các chủ rừng thực hiện các biện pháp kỹ thuật lâm sinh đối với diện tích rừng trồng mới, rừng trồng lại sau khai thác, chăm sóc cây phân tán sau trồng.

Phối hợp chặt chẽ kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, theo dõi diễn biến rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, giám sát tài nguyên rừng; kiểm soát chặt chẽ các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, trồng rừng thay thế…

Bình quân giai đoạn 2021-2023, mỗi năm toàn tỉnh trồng được hơn 700 ha rừng tập trung, hơn 748 nghìn cây phân tán, khai thác 47,3 nghìn m3 gỗ và 52,13 nghìn ste củi; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 25%.

Qua đó, giữ vững diện tích rừng, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, bảo vệ tốt môi trường sinh thái, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT - XH của tỉnh.

Nhờ triển khai linh hoạt, hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, đến nay, tốc độ tăng GRDP nông, lâm nghiệp, thủy sản của ngành Nông nghiệp bình quân 3 năm (2021-2023) tăng 3,0%/năm, vượt mục tiêu đề ra từ 1,5 - 2,0%/năm.

Trong đó, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt cả nhiệm kỳ đề ra như tỷ lệ che phủ rừng đạt 25%; tỷ lệ hộ dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn gần 78%...

Toàn tỉnh có 19 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 88 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 105 sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh đạt chất lượng từ 3 sao trở lên.

Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân được cải thiện và nâng lên, không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh theo các năm.

Trước bối cảnh kinh tế hội nhập sâu rộng và diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển KT - XH đến năm 2025 đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh giao, ngành Nông nghiệp tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phát triển các sản phẩm nông sản theo 3 nhóm chủ lực.

Đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; ưu tiên đầu tư hạ tầng phục vụ các lĩnh vực sản xuất có lợi thế; tăng cường ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp 4.0.

Nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển KHCN đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp hiện đại và hội nhập quốc tế.

Mai Liên

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/94836//tao-dot-pha-tang-truong-nganh-nong-nghiep