Tạo đột phá năm 2024

Năm 2024 được xác định là năm bứt phá để thực hiện mục tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng, Nghị quyết Ðại hội Ðại biểu Ðảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) của tỉnh. Dự báo nhiều khó khăn, tuy nhiên, kiên định với mục tiêu phát triển, Cà Mau quyết tâm với nhiều hành động và nỗ lực trên cơ sở khai thác tối đa các tiềm năng, tạo ra cơ hội mới với nhiều đột phá, phục hồi nhanh sau đại dịch Covid-19 và tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội.

Trước tiên, Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được triển khai thực hiện, đặt nền móng rất quan trọng nhằm định hình một Cà Mau phát triển nhanh và bền vững. Cùng với đó là nhiều dự án đầu tư trọng điểm được hoàn thành cũng như khởi công mới; công nghệ cao được ứng dụng vào sản xuất trong nhiều lĩnh vực; các dự án điện gió được đầu tư hoàn thành, đi vào vận hành thương mại...

Nhiều dự án lớn, tạo đột phá

Tại buổi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 12, HÐND tỉnh vừa qua, ông Nguyễn Tiến Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh, vui mừng thông tin nhiều dự án đầu tư quan trọng, hứa hẹn tạo đột phá phát triển chiến lược.

Theo đó, ông Nguyễn Tiến Hải thông tin, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Minh Chính đã chỉ đạo đầu tư nâng cấp Sân bay Cà Mau theo hình thức xây dựng thêm 1 đường băng mới song song với đường băng hiện tại; đầu tư mới nhà ga nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển đường hàng không. Với giai đoạn 2 của dự án, sẽ nâng cấp đường băng hiện tại lên 3.000 m, đưa Sân bay Cà Mau từ tiêu chuẩn 4C lên 4E (theo tiêu chuẩn ICAO), có khả năng đón được các loại máy bay cỡ lớn như: Boeing 787, Airbus A350. Ðiều đặc biệt là, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết tâm hoàn thành giai đoạn 1 của dự án nâng cấp và mở rộng Sân bay Cà Mau chỉ trong 18 tháng. Thủ tướng Chính phủ cũng thống nhất truyền dẫn nguồn khí từ đường dẫn Lô B Ô Môn về Cà Mau, để Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam xây dựng Nhà máy Ðiện Cà Mau 3 có công suất 1.500 MW (bằng tổng công suất của 2 nhà máy điện hiện có).

Trong thời gian ngắn (18 tháng), Thủ tướng Chính phủ quyết mở rộng đường băng Cà Mau, đáp ứng nhu cầu phát triển trong khai thác tàu bay tầm trung. (Trong ảnh: Tàu bay Hãng VASCO khai thác đường bay Cà Mau - TP Hồ Chí Minh và ngược lại).

Trong thời gian ngắn (18 tháng), Thủ tướng Chính phủ quyết mở rộng đường băng Cà Mau, đáp ứng nhu cầu phát triển trong khai thác tàu bay tầm trung. (Trong ảnh: Tàu bay Hãng VASCO khai thác đường bay Cà Mau - TP Hồ Chí Minh và ngược lại).

“Khi có thêm nguồn khí mới về, không chỉ sản xuất điện mà góp phần nguồn đầu vào cho sản xuất của Nhà máy Ðạm vốn hoạt động hiệu quả, tiếp tục nâng cấp, mở rộng, nâng cao thêm nữa sản lượng phân đạm cho sản xuất trong nước và xuất khẩu; Nhà máy Khí Cà Mau cũng có thêm nguồn nguyên liệu để sản xuất khí thành phẩm”, ông Nguyễn Tiến Hải vui mừng chia sẻ. Ðồng thời, ông thông tin thêm, với chủ trương đưa Cà Mau trở thành trung tâm năng lượng tái tạo, Chính phủ cho phép địa phương xúc tiến các điều kiện để tiến tới xuất khẩu điện.

Dư địa phát triển điện khí tại Cà Mau còn khá lớn, nhất là về đất đai, quy hoạch hiện có trong cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau. Ảnh: Nhà máy Điện Cà Mau 1.

Dư địa phát triển điện khí tại Cà Mau còn khá lớn, nhất là về đất đai, quy hoạch hiện có trong cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau. Ảnh: Nhà máy Điện Cà Mau 1.

“Xây Cảng Hòn Khoai; kéo dài đường cao tốc đến Mũi Cà Mau, tất cả đã có chủ trương, nằm trong quy hoạch của tỉnh. Trách nhiệm chúng ta là cụ thể hóa thành các đề án, chương trình để quyết tâm hành động, mang lại thêm những thành tựu lớn, phát triển nhanh hơn nữa trong tương lai gần”, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiến Hải trao đổi với cử tri tỉnh nhà.

Nỗ lực để đạt kết quả cao nhất

Từ thực tế xã hội và yêu cầu đặt ra theo định hướng phát triển, Nghị quyết HÐND tỉnh tại kỳ họp thứ 12 vừa qua đã quyết nghị, năm 2024, Cà Mau đặt mục tiêu khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh; tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện 3 đột phá chiến lược, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Ðẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, quan trọng triển khai trên địa bàn tỉnh; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thúc đẩy chuyển đổi số, cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Cùng với đó, chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội và đảm bảo đời sống của Nhân dân. Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, hướng đến tăng trưởng xanh. Tăng cường hợp tác, liên kết vùng và mở rộng quan hệ đối ngoại. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Phát triển đô thị xanh, thông minh, hiện đại, thích ứng biến đổi khí hậu là một trong những nội dung trọng tâm mà Cà Mau quan tâm, theo đuổi thực hiện. (Trong ảnh: Ðường An Dương Vương, Phường 7, TP Cà Mau, đoạn qua Công viên Hồng Bàng).

Phát triển đô thị xanh, thông minh, hiện đại, thích ứng biến đổi khí hậu là một trong những nội dung trọng tâm mà Cà Mau quan tâm, theo đuổi thực hiện. (Trong ảnh: Ðường An Dương Vương, Phường 7, TP Cà Mau, đoạn qua Công viên Hồng Bàng).

Theo đó, có 21 chỉ tiêu trên các lĩnh vực được HÐND tỉnh thông qua, đáng chú ý là tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng khoảng 7% trở lên; tổng vốn đầu tư xã hội đạt 26.800 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 1.250 triệu USD; thu ngân sách đạt 5.336 tỷ đồng; chi ngân sách đạt 12.579,9 tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 33%; tỷ lệ hộ nghèo giảm tối thiểu 0,4%...

Trên thực tế chỉ tiêu năm 2024 cho thấy, cơ cấu kinh tế chưa có nhiều chuyển dịch, khi chỉ tiêu đặt ra cho ngư - nông - lâm nghiệp chiếm 31,5%; công nghiệp, xây dựng chiếm 31,0%; dịch vụ chiếm 33,6%. Trong khi đó, Nghị quyết Ðại hội Ðại biểu Ðảng bộ tỉnh lần thứ XVI đặt chỉ tiêu đến năm 2025, ngư - nông - lâm nghiệp chiếm 28,7%; công nghiệp, xây dựng chiếm 35%; dịch vụ chiếm 32,5%.

“Trên quan điểm không điều chỉnh chỉ tiêu, mà tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện đạt kết quả cao nhất, đảm bảo với điều kiện, khả năng, nguồn lực của tỉnh”, ông Huỳnh Quốc Việt, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nêu quan điểm của tỉnh, đồng thời cho biết, những chỉ tiêu đặt ra trong năm 2024 là sát tình hình thực tế và UBND tỉnh đã cụ thể hóa trong giao nhiệm vụ cho các cơ quan, cũng như ngay từ đầu năm sẽ ban hành chương trình hành động với quyết tâm và nỗ lực cao nhất, trong đó tập trung cho xây dựng, sản xuất và phát triển du lịch.

Theo đó, Cà Mau tiếp tục định hướng phát triển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Cơ cấu lại sản xuất ngư - nông - lâm nghiệp theo hướng hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh gắn với vùng sinh thái; tổ chức lại hoạt động khai thác thủy sản theo hướng bền vững, phù hợp với từng vùng biển. Chuyển đổi cơ cấu các sản phẩm chế biến thủy sản xuất khẩu theo hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm giá trị gia tăng lên 80%, giảm mạnh tỷ lệ các sản phẩm sơ chế còn dưới 20%. Ðưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng; xây dựng, định vị và nâng cao thương hiệu du lịch Cà Mau “Ðịa đầu cực Nam - Khám phá - Môi trường - Kết nối”...

“Vẫn còn nhiều khó khăn và trở ngại phía trước, năm 2024 và những năm tiếp theo, chúng ta cần chủ động hành động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng và khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo”, ông Huỳnh Quốc Việt đề nghị./.

Trần Nguyên

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/tao-dot-pha-nam-2024-a30775.html