Tạo động lực, đưa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc sang giai đoạn phát triển mới

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, sáng nay, 30.10, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước đi thăm chính thức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc).

Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Trung Quốc Tập Cận Bình đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm chính thức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao nước ta ngày 12.1.2017. Ảnh: Trí Dũng

Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Trung Quốc Tập Cận Bình đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm chính thức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao nước ta ngày 12.1.2017. Ảnh: Trí Dũng

Diễn ra ngay sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm Trung Quốc theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Tập Cận Bình. Và kể từ Đại hội XIII của Đảng ta đến nay, với chuyến thăm lần này, Trung Quốc là nước đầu tiên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chọn sang thăm sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba trên cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Với ý nghĩa như vậy, nhiều học giả phía bạn nhìn nhận, chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “đã vượt ra ngoài mối quan hệ song phương theo nghĩa thông thường, mà mang ý nghĩa chiến lược quan trọng”, cho thấy “tính đặc biệt và tầm quan trọng” của quan hệ Việt - Trung.

Hữu nghị, hợp tác là dòng chảy chính

Mối quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác Việt - Trung đã có lịch sử lâu đời. 72 năm qua, kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (1950), quan hệ Việt - Trung tuy có lúc thăng trầm, nhưng hữu nghị, hợp tác vẫn là dòng chảy chính. Tình hữu nghị do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Ðông cùng các thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp đã trở thành tài sản chung quý báu của hai dân tộc, mang lại lợi ích thiết thực cho Nhân dân hai nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ vĩ đại của Nhân dân Việt Nam, có tình cảm hết sức đặc biệt đối với cách mạng Trung Quốc. Trong hành trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và hoạt động cách mạng ở nhiều nơi, nhiều nước. Trong đó, Trung Quốc là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và hoạt động qua nhiều thời kỳ. Trong đó, thời kỳ Người hoạt động ở Quảng Châu, Trung Quốc (1924 - 1927) là giai đoạn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cách mạng Việt Nam, đánh dấu giai đoạn Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về gần Tổ quốc, đi vào quần chúng, thức tỉnh, tổ chức, đoàn kết và huấn luyện thanh niên Việt Nam, đưa họ ra đấu tranh giành tự do, độc lập cho dân tộc.

Được sự giúp đỡ bí mật của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chính phủ cách mạng ở Quảng Châu, từ đầu năm 1926 đến tháng 4.1927, tại trụ sở số nhà 13 và 13/1 đường Văn Minh (nay là số nhà 248 và 250) đối diện với Trường đại học Trung Sơn (nay là Bảo tàng Cách mạng Quảng Châu), Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp mở 3 lớp huấn luyện chính trị cách mạng cho lớp thanh niên ưu tú của Việt Nam đang có mặt tại Quảng Châu với tổng số 75 người. Khẩn trương tiến hành các hoạt động chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam. Giai đoạn hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Quảng Châu không chỉ có tác động trực tiếp đến phong trào cách mạng của Việt Nam mà còn góp phần quan trọng trong phong trào cách mạng Trung Quốc cũng như Quốc tế Cộng sản. Đặc biệt, đây là nơi Người đã viết cuốn “Đường Kách mệnh” - “bó đuốc” dẫn đường soi sáng cho cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với cách mạng Việt Nam trong lịch sử, hiện tại và tương lai.

Nhận rõ ý nghĩa lịch sử của địa danh này với cách mạng Việt Nam, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc năm 2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao nước ta đã đến thăm Khu di tích Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội, tại số 250 phố Văn Minh (quận Đông Sơn, thành phố Quảng Châu) - nơi Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội, tiền thân của Đảng Lao động Việt Nam, đã được thành lập và đề ra nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng đối với con đường cách mạng Việt Nam. Sau khi tham quan, tìm hiểu từng hình ảnh, hiện vật còn được lưu giữ tại Khu di tích, ghi vào sổ lưu bút tại đây, Người đứng đầu Đảng ta khẳng định: ... Sự ra đời của tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội, không chỉ là dấu mốc lịch sử quan trọng trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc của Nhân dân Việt Nam, mà còn là biểu tượng của tình hữu nghị truyền thống, đoàn kết, gắn bó giữa hai Đảng, hai nước, Nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc...”.

“Tầm cao chiến lược” và “tầm nhìn lâu dài”

Về tổng thể, quan hệ Việt - Trung duy trì xu thế ổn định và tích cực. Lãnh đạo hai bên không những đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng, góp phần đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới, mà còn dành cho nhau những tình cảm, cử chỉ đặc biệt, thể hiện sự coi trọng và thiện chí mong muốn tăng cường sự gần gũi, tin cậy chính trị.

Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2017 là một trong những chuyến thăm như vậy. Trong khuôn khổ chuyến thăm, ngoài lễ đón chính thức, hội đàm, tiệc chiêu đãi theo thông lệ, ngay sau khi chứng kiến Lễ ký kết 15 văn kiện hợp tác giữa hai nước, tại Đại lễ đường Nhân dân, Thủ đô Bắc Kinh, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lần đầu tiên mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng dự tiệc trà thân mật. Về sự kiện chưa có tiền lệ này, tờ Tân Hoa xã của bạn khi đó đã có bài viết với nhan đề “Tổng Bí thư hai Đảng trà đàm giữa ngày đông”, trong đó nói rằng vào thời điểm Tết cổ truyền của hai nước sắp đến, lãnh đạo hai Đảng mượn trà đàm đạo là một sự sắp xếp đặc biệt. Trước hết, đây là dịp để ôn lại tình hữu nghị giữa hai nước - tài sản quý báu của Nhân dân hai nước, hai bên cần cùng nhau trân trọng và trao truyền cho thế hệ tương lai. Thứ hai, Việt Nam và Trung Quốc đều kiên trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và con đường XHCN, có chung lý tưởng và niềm tin, đây là dịp hai bên trao đổi về kinh nghiệm quản lý Đảng và đất nước, cũng như tình hình xây dựng XHCN của nước mình. Ngoài ra, trước tình hình quốc tế và khu vực có nhiều yếu tố bất định, Việt Nam và Trung Quốc đều là những nước quan trọng của khu vực, cần đóng góp nhiều hơn cho việc duy trì hòa bình khu vực, thúc đẩy hợp tác, tạo động lực cho sự phát triển và phồn vinh của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới.

Trên hết, theo bài báo, vào dịp năm mới 2017 vừa đến, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến “xông đất” nhà láng giềng thân thiết, trở thành vị “khách quý” đầu tiên của Đảng Cộng sản Trung Quốc mà Tổng Bí thư Tập Cận Bình tiếp đón trong năm 2017, thể hiện tình cảm hữu nghị đặc biệt “vừa là đồng chí, vừa là anh em” giữa hai Đảng, hai nước.

Tiếp sau ngay chuyến thăm này, cùng năm 2017, sau khi Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc bế mạc, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Tập Cận Bình, với tư cách là nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước Trung Quốc, đã chọn Việt Nam cho chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của mình. Tại cuộc hội đàm trong khuôn khổ chuyến thăm (ngày 12.11.2017), Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định coi trọng việc gìn giữ và phát huy quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước. Đồng thời cho rằng, hai bên cần nhìn nhận quan hệ Trung - Việt từ tầm cao chiến lược và tầm nhìn lâu dài, thúc đẩy quan hệ Trung - Việt phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững, đem lại lợi ích thiết thực cho Nhân dân hai nước, đóng góp cho hòa bình, phát triển và phồn vinh của khu vực.

Trong giai đoạn 2020 - 2022, dù điều kiện đi lại giữa hai bên còn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng lãnh đạo hai bên vẫn duy trì kênh trao đổi thường xuyên bằng nhiều hình thức linh hoạt, đạt hiệu quả cao. Trong đó, Tổng Bí thư hai Đảng đã có 4 cuộc điện đàm lần lượt vào tháng 1 và tháng 9.2020, tháng 2 và tháng 9.2021. Nhân các sự kiện chính trị quan trọng của hai Đảng, đặc biệt là dịp Đại hội XIII của Đảng ta và dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2021), hai bên đều có những hình thức chúc mừng đặc biệt, thể hiện sự coi trọng cao độ đối với quan hệ Việt - Trung. Tháng 7.2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Đảng ta tham dự Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các chính đảng trên thế giới.

Mới đây nhất, trong bức Điện mừng gửi Tổng Bí thư Tập Cận Bình sau khi ông tái đắc cử Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ: “... Tôi mong sớm được gặp lại đồng chí để chúng ta cùng nhau đi sâu trao đổi những vấn đề chiến lược, góp phần tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị, đề ra những định hướng lớn cho tương lai phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước”.

Quan hệ hai Đảng đóng vai trò quan trọng dẫn dắt quan hệ hai nước

Hướng tới tương lai, Việt Nam và Trung Quốc đều đã thiết lập kế hoạch tổng thể đến giữa thế kỷ XXI này. Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy “Tầm nhìn 2045”, trong khi Trung Quốc cũng đang hướng tới hành trình mới của mục tiêu “100 năm thứ hai”. Với tầm nhìn và mục tiêu chiến lược rất quan trọng đó, nhiều học giả trong nước và quốc tế cùng chung nhận định, việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc ngay sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với Trung Quốc và Việt Nam trong việc "lấy quan hệ hai Đảng dẫn dắt sự phát triển của quan hệ song phương". Hiện nay, cả hai bên đều đã bước sang giai đoạn phát triển mới và có nhiều vấn đề mới trong quản trị nhà nước cần tiếp tục tìm tòi, trao đổi và chuyến thăm sẽ tạo động lực to lớn cho sự hợp tác trên các lĩnh vực giữa các cơ quan ban ngành, chính phủ và địa phương hai nước.

Đặc biệt, chuyến thăm chính thức Trung Quốc lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng là cuộc tiếp xúc, gặp gỡ trực tiếp giữa lãnh đạo cao nhất của hai Đảng, hai nước kể từ năm 2017.

Chuyến thăm vì thế là sự kiện đối ngoại đặc biệt quan trọng đối với cả Việt Nam và Trung Quốc, thể hiện sự coi trọng của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Tập Cận Bình đối với vị thế, vai trò quốc tế của Việt Nam và cá nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đồng thời, khẳng định hai bên cùng mong muốn đưa quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống, đối tác hợp tác chiến lược giữa hai nước bước sang một giai đoạn phát triển mới, đi vào chiều sâu, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

Đặc biệt, chuyến thăm nhằm triển khai tích cực, mạnh mẽ đường lối đối ngoại của Đảng ta. Trong đó có đường lối độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc.

Với ý nghĩa và tầm vóc như vậy, chắc chắn chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thành công tốt đẹp, tăng cường sự hiểu biết, tin cậy chính trị giữa hai Đảng Cộng sản, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước, củng cố quan hệ giữa hai Tổng Bí thư và lãnh đạo cấp cao hai nước, phấn đấu đưa quan hệ hai nước bước sang giai đoạn phát triển mới, góp phần tích cực vào việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phát triển, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Thanh Tâm

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/su-kien-noi-bat/tao-dong-luc-dua-quan-he-viet-nam----trung-quoc-sang-giai-doan-phat-trien-moi-i305299/