Tạo điều kiện độc lập trong thực thi quyền giám sát

Hoạt động giám sát của HĐND trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trên thực tế đã mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, theo dõi các vụ việc tham nhũng, lãng phí qua báo chí chưa thấy rõ được vai trò của cơ quan dân cử trong phát hiện ra các vụ việc sai phạm. Cùng với vị trí chính trị và cơ cấu của cơ quan, đại biểu dân cử chưa tương xứng, nguyên nhân còn do thiếu các quy định rõ ràng về thẩm quyền và chế tài cho cơ quan dân cử trong thực hiện quyền giám sát. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp bách tiếp tục hoàn thiện quy định về cơ cấu tổ chức của HĐND, tạo điều kiện cho HĐND độc lập trong thực thi quyền giám sát.

Hoạt động giám sát quan trọng

Điều 59 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định: HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND thông qua hoạt động giám sát nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thì đề nghị cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát Nhân dân xử lý theo quy định của pháp luật. Điều 62, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân quy định: Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì Đoàn giám sát có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan áp dụng các biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật và khôi phục lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị vi phạm; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý, xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đoàn giám sát của Thường trực HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về quản lý sử dụng tài sản công tại trung tâm văn hóa truyền thống thị xã

Đoàn giám sát của Thường trực HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về quản lý sử dụng tài sản công tại trung tâm văn hóa truyền thống thị xã

Quy định của pháp luật về giám sát phòng, chống tham nhũng, lãng phí là hoạt động giám sát quan trọng, mang tính giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước. Phòng, chống tham nhũng là lĩnh vực khó khăn, phức tạp, là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài; phải tiến hành kiên trì, kiên quyết, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm nhằm ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Có thể khẳng định, hoạt động giám sát của HĐND trong công tác phòng, chống tham nhũng đã mang lại hiệu quả thiết thực. Thống kê bình quân nhiệm kỳ 2016 - 2021, HĐND một đơn vị tổ chức giám sát bình quân 40 chuyên đề giám sát, các nội dung giám sát liên quan đến việc chấp hành pháp luật trên các lĩnh vực. Trong đó, có các lĩnh vực khó, nhạy cảm như: Đầu tư công, đất đai, quản lý, sử dụng tài sản công; có những đơn vị giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm lãng phí. Thông qua hoạt động giám sát của HĐND, các đơn vị được giám sát đã tiếp thu những nội dung kiến nghị, nhất là các hạn chế, yếu kém, bất cập cần tập trung chỉ đạo.

Giám sát của cơ quan dân cử đã góp phần giúp các cấp, các ngành triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chú trọng thực hiện các giải pháp phòng ngừa; nâng cao vai trò, trách nhiệm của những người đứng đầu cơ quan, đơn vị đối với công tác phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, lãng phí; tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về phòng, chống tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, công chức; thực hiện công khai, minh mạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, minh mạch về tài sản.

Vẫn còn nhiều trăn trở

“Bình quân HĐND một địa phương ngoài giám sát thông qua xem xét báo cáo, thẩm tra, khảo sát, thảo luận, giải trình, chất vấn, theo chuyên đề trong một nhiệm kỳ với khoảng hàng chục chuyên đề liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm và phòng, chống tham nhũng lãng phí. Thế nhưng, được mấy địa phương chỉ ra được các hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng để đề nghị cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát Nhân dân xử lý theo quy định của pháp luật? Con số này không nhiều.

Theo dõi các vụ việc qua báo chí, chúng ta không thấy rõ được vai trò của cơ quan dân cử trong việc phát hiện ra các vụ việc sai phạm. Nguyên nhân vì sao lại như vậy? Đó chính là thiếu các quy định rõ ràng về thẩm quyền và chế tài cho cơ quan dân cử trong thực hiện quyền giám sát. Đó là vị trí chính trị và cơ cấu của cơ quan, đại biểu dân cử. Cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí; tiếp tục hoàn thiện quy định về cơ cấu tổ chức của HĐND, tạo điều kiện cho HĐND độc lập trong thực thi quyền giám sát” - bà Nguyễn Thị Hoan - Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh cho biết.

“Hiện nay, một hệ thống trụ sở bị bỏ hoang, lãng phí đất đai, tài sản thế nhưng chậm được sắp xếp lại, có sự quản lý để sử dụng hợp lý xảy ra ở rất nhiều địa phương. Đó là lãng phí! Tôi đề nghị Quốc hội thảo luận, bàn bạc cụ thể để sớm xử lý thực trạng này” - cử tri Lê Hải Dương, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh phản ánh với Đoàn ĐBQH tỉnh tại cuộc TXCT trước Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV.

Thực tiễn cho thấy, cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội còn sơ hở; hoạt động của một số cơ quan, đơn vị phòng, chống tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu; việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt hiệu quả thấp; cán bộ, công chức, viên chức, người dân tố cáo hành vi tham nhũng còn ít. Đó là những vướng mắc mà thông qua giám sát của cơ quan dân cử ở các địa phương đã chỉ ra. Thiết nghĩ, Quốc hội cần bàn thảo để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội; quy định của pháp luật liên quan tới việc phát hiện, xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng, khen thưởng và bảo vệ người tố cáo tham nhũng chưa đầy đủ, còn khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện hoặc chưa đủ sức răn đe đối với hành vi tham nhũng. Quy định rõ hơn chức năng, trình tự, thủ tục của hoạt động giám sát tư pháp trong các lĩnh vực tài chính, kế toán, ngân hàng, xây dựng phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng…

Lê Hồng Hạnh, Phó trưởng Ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/tao-dieu-kien-doc-lap-trong-thuc-thi-quyen-giam-sat-i305300/