Tạo cơ hội để người khuyết tật có việc làm

Người khuyết tật (NKT) vốn đã chịu nhiều thiệt thòi, đặc biệt là trong lĩnh vực tìm việc làm. Do đó, hỗ trợ giải quyết việc làm cho NKT là hành động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, ghi nhận vai trò của họ trong đời sống xã hội, giúp NKT tự tin tạo dựng cuộc sống, khẳng định bản thân, hòa nhập cộng đồng và đóng góp tích cực cho xã hội.

Nhiều trở ngại trong tìm việc

Theo số liệu của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, nước ta hiện có khoảng 7 triệu NKT, 61% trong độ tuổi lao động, trong đó 40% còn khả năng lao động. Tuy nhiên, chỉ số ít NKT tìm được việc làm do còn gặp nhiều vấn đề khó khăn.

Chị Nguyễn Thị Mai (Thanh Oai, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi đã đi xin việc ở nhiều nơi như công ty sản xuất linh kiện điện tử, xí nghiệp may mặc, trung tâm tư vấn bất động sản, nhưng ngay cả qua được cổng bảo vệ đã khó khăn chứ chưa nói tới việc gặp được người có trách nhiệm để nộp hồ sơ xin việc, hay gặp người quản lý để được trao đổi, phỏng vấn”.

Anh Ngô Anh Quân (Sơn Tây, Hà Nội) bộc bạch: “Tôi có chứng chỉ trung cấp tin học, muốn tìm công việc văn thư, hành chính. Tuy nhiên các vị trí này đều yêu cầu ngoại hình, sức khỏe... Tôi cũng được giới thiệu đến cơ sở may nhưng vẫn không thể đáp ứng được do tôi bị hạn chế di chuyển”.

Rõ ràng NKT có bản tính cần cù, khéo léo, nghị lực vượt khó, khát khao được làm việc để khẳng định bản thân. Họ luôn mong tìm việc làm phù hợp, có thu nhập để tự chăm lo bản thân, đóng góp cho xã hội nhưng thực tế lại không được như mong muốn?

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tư vấn, giới thiệu các vị trí việc làm cho người khuyết tật.

Bà Đinh Thị Quỳnh Nga, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng (Sóc Sơn, Hà Nội) cho rằng, chất lượng nguồn nhân lực của NKT hạn chế, đa số lao động phổ thông, không có trình độ, trong khi nhiều khâu sản xuất cần chuyên môn cao, kỹ năng lao động thì NKT không đáp ứng được do khiếm khuyết của cơ thể và sức khỏe hạn chế.

Ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng chia sẻ sự thật là: “Chúng tôi nhận được phản hồi từ các doanh nghiệp về thực trạng có những lao động khuyết tật sau khi đã được tuyển dụng vào làm việc, bản thân nhận thấy môi trường, điều kiện làm việc không phù hợp với mình, mất tự tin nên đã xin nghỉ việc”.

Để NKT tích cực tham gia vào thị trường lao động

Mới đây, tại "Phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là NKT lần thứ I năm 2024" do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với Hội NKT TP Hà Nội tổ chức, ông Nguyễn Tây Nam, Phó giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) TP Hà Nội cho biết, thành phố có hơn 112.000 NKT, trong đó hơn 7.700 người có khả năng lao động. Sở LĐ-TB và XH thành phố thời gian qua đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội định kỳ tổ chức các phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là NKT nhằm hỗ trợ, động viên họ tích cực học tập, tham gia vào thị trường lao động.

Ông Nguyễn Kim Khôi, Giám đốc Công ty TNHH Xã hội 3/12 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Công ty chúng tôi nhận dạy nghề, đào tạo việc làm cho NKT nhiều dạng khuyết tật khác nhau. Doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện việc làm theo đúng mong muốn, phù hợp với khả năng của NKT. Lương sẽ được nhận sau khi hoàn thành công việc là 200.000 đồng/ngày. Đối với NKT chưa biết làm sẽ được hỗ trợ học việc, ăn trưa miễn phí, đi lại, sinh hoạt cũng được doanh nghiệp giúp đỡ. Doanh nghiệp cũng dạy, đào tạo nghề miễn phí, hỗ trợ thêm 500.000 đồng/tháng cho NKT. Doanh nghiệp mong muốn Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm cho NKT để bảo đảm quyền an sinh xã hội của NKT nói riêng và doanh nghiệp nói chung”.

Tại bàn ứng tuyển Câu lạc bộ (CLB) Thanh thiếu niên khuyết tật Vườn hướng dương, phường Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội) cũng có nhiều ứng viên là NKT quan tâm. Ông Nguyễn Văn Trương, Chủ nhiệm CLB cho hay: “CLB đang làm về may mặc, thủ công mỹ nghệ, móc len bằng tay nên cần tuyển thêm 30 NKT vào làm việc. CLB sẵn sàng tạo mọi điều kiện cho NKT, cả với NKT tự kỷ. Đối với NKT không có khả năng di chuyển sẽ được hỗ trợ làm việc tại nhà. Mức lương dao động 3-7 triệu đồng/tháng tùy theo năng lực và sản phẩm đầu ra”.

Ông Trịnh Xuân Dũng, Phó chủ tịch Hội NKT TP Hà Nội cho biết, rất nhiều NKT mong muốn được học nghề và tìm được việc làm phù hợp năng lực bản thân. Khi có việc làm, NKT không chỉ có cơ hội tiếp xúc với xã hội mà còn có thu nhập, tạo dựng cuộc sống bản thân. Ông Trịnh Xuân Dũng cũng mong muốn các công ty, doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh khi tuyển lao động là NKT nên tạo cho họ môi trường thân thiện; có đường dốc và khu vệ sinh tiếp cận theo quy chuẩn, tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng để họ được thuận tiện khi đến làm việc. Bên cạnh đó, NKT cũng phải nỗ lực hoàn thành công việc được giao; chấp hành tốt nội quy, quy định của công ty, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Bài và ảnh: NHƯ QUỲNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/tao-co-hoi-de-nguoi-khuyet-tat-co-viec-lam-775359