Tăng vốn lò cao lên gần 5.900 tỷ, tài chính Thép Pomina thế nào?

Tại cuối năm 2023, Thép Pomina có vốn chủ sở hữu đạt hơn 1.594 tỷ đồng và hơn 2.796 tỷ đồng vốn điều lệ; nợ ngắn hạn đạt 7.963 tỷ đồng, trong đó nợ vay tài chính ngắn hạn ghi nhận 5.466 tỷ đồng.

Hội đồng quản trị Công ty CP Thép Pomina (mã: POM) mới đây vừa thông báo sẽ tổ chức họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường vào đầu tháng 3/2024, với nội dung chính xoay quanh kế hoạch tái cấu trúc công ty.

Cụ thể, trong tài liệu vừa công bố, Thép Pomina dự kiến trình ĐHĐCĐ phê duyệt tăng vốn đầu tư thực tế cho dự án lò cao tại chi nhánh Pomina 3 từ 4.975 tỷ đồng (năm 2020) lên 5.880 tỷ đồng. Đây có lẽ chỉ là một bước đi mang tính thủ tục, vì các kiểm toán viên của Công ty TNHH Kiểm toán AFC Việt Nam đã xác định tổng vốn đầu tư thực tế của dự án lò cao là 5.880 tỷ đồng trong văn bản ký trong tháng 3/2023.

Gánh nặng lãi vay khổng lồ

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Pomina đã liên tục kinh doanh thua lỗ, có nợ quá hạn ngất ngưởng và đối mặt với làn sóng bán tháo của người nội bộ.

Nhìn lại kết quả kinh doanh của Thép Pomina, trong báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 được công bố gần đây cho biết, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần giảm sốc 82% so với cùng kỳ năm trước, còn 333 tỷ đồng. Giá vốn vẫn cao nên công ty chỉ lãi gộp 22 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 lỗ gộp gần 242 tỷ đồng.

Xét riêng cơ cấu doanh thu, nguồn doanh thu thép tiêu thụ nội địa giảm sâu 80% so với cùng kỳ từ 1.097 tỷ đồng xuống còn 214 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh thu xuất khẩu cũng giảm 71% xuống gần 98 tỷ đồng quý IV/2023.

Đáng nói, Thép Pomina lại phải gánh chi phí lãi vay hơn 214 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ. Ngoài ra, Pomina còn ghi nhận thêm khoản lỗ khác 148 tỷ đồng trong quý IV/2023 (không được thuyết minh). Đây là hai lý do chính khiến hãng thép này lỗ sau thuế 313 tỷ đồng trong quý IV/2023, cùng kỳ 2022 công ty cũng lỗ 460 tỷ đồng và đánh dấu quý thứ 7 thua lỗ liên tiếp của Pomina.

Tăng vốn lò cao lên gần 5.900 tỷ, nguồn vốn Thép Pomina thế nào? (ảnh minh họa: Internet).

Giải trình về kết quả kinh doanh trên, Thép Pomina cho biết, nhà máy thép Pomina 3 vẫn đang ngừng hoạt động nhưng vẫn phải gánh nhiều chi phí, trong đó có chi phí lãi vay. Ngoài ra, tình hình bất động sản đang đóng băng, nhu cầu tiêu thụ thép sụt mạnh, trong khi chi phí cố định và lãi vay cao gây lỗ lớn trong kỳ.

Lũy kế cả năm 2023, Thép Pomina ghi nhận doanh thu thuần giảm 75% so với cùng kỳ, về mức 3.281 tỷ đồng và lỗ sau thuế 960 tỷ đồng. Như vậy, tính trong 7 quý vừa qua, hãng thép này đã lỗ ròng gần 2.200 tỷ đồng. Thua lỗ liên tục cũng khiến khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính tới hết năm 2023 của Thép Pomia âm gần 1.271 tỷ đồng.

Đáng chú ý nhất chính là làn sóng bán tháo từ những người thân của lãnh đạo Thép Pomina. Tính tới ngày 15/1/2024, những người liên quan tới Chủ tịch HĐQT Thép Pomina Đỗ Duy Thái đã bán ra hơn 31 triệu cổ phiếu POM, tương đương hơn 11% vốn. Chưa hết, vẫn còn gần 4 triệu cổ phiếu đang được đăng ký bán ra và chưa hoàn tất giao dịch.

Thiếu vốn trầm trọng

Sau giai đoạn lỗ nặng và gánh chi phí lãi vay cao, Thép Pomina lâm vào cảnh thiếu vốn trầm trọng. Trong báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023, Thép Pomina ghi nhận khoản nợ quá hạn hơn 3.100 tỷ đồng (trong đó có 2.200 tỷ đồng nợ vay và hơn 900 tỷ đồng phải trả người bán).

Trong khi đó, trên bảng cân đối kế toán hợp nhất, quy mô tổng tài sản cuối năm 2023 của Thép Pomina đạt 10.404 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm. Trong đó, Thép Pomina chỉ còn hơn 10 tỷ đồng tiền mặt, hơn 1.600 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn tại cuối năm 2023. Ở phần tài sản dài hạn, công ty có 5.808 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang, chủ yếu là chi phí mua sắm máy móc thiết bị và xây dựng dự án lò cao, lò EAF luyện phôi thép. Công ty có khoản vay dài hạn 680 tỷ đồng để đầu tư cho dự án xây dựng lò cao...

Ở bên đối ứng, về phía nguồn vốn, nợ ngắn hạn của Thép Pomina ở mức 7.963 tỷ đồng và gần 846 tỷ đồng nợ vay dài hạn, trong đó nợ vay tài chính ngắn hạn ghi nhận đạt 5.466 tỷ đồng. Thép Pomina chủ yếu vay vốn ngắn hạn từ các ngân hàng thương mại để bổ sung nhu cầu vốn lưu động của công ty và có khoảng 300 tỷ đồng vay từ Đại Quang Minh. Tại ngày 31/12/2023, Thép Pomina có vốn chủ sở hữu đạt hơn 1.594 tỷ đồng và hơn 2.796 tỷ đồng vốn điều lệ.

Đáng chú ý, quá trình tái cấu trúc của hãng thép này cũng đang gặp trục trặc khi kế hoạch phát hành riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược Nansei của Nhật Bản bị tạm ngưng. Tuy vậy, trong giải trình về kết quả kinh doanh quý IV/2023, Thép Pomina cho biết “Công ty đã tìm được nhà đầu tư mới. Mọi thủ tục đang chờ phê duyệt tại cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường dự kiến diễn ra vào ngày 15/3/2024. Sau đó, công ty sẽ đưa nhà máy Pomina 3 vào hoạt động trở lại, dự kiến là vào đầu quý II/2024”.

Liên Hà Thái

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/tang-von-lo-cao-len-gan-5900-ty-tai-chinh-thep-pomina-the-nao-1958570.html